Cây dâu da xoan phân bố rất nhiều ở các tỉnh miền núi của nước ta. Ngoài ra còn được trồng trong vườn nhà ở một số nơi để thu hái lá, hạt và vỏ thân. Mục đích là làm dược liệu trong các bài thuốc chữa bệnh ho, vảy nến, eczema, đau nhức và sưng xương khớp hoặc cải thiện hiệu quả chứng đầy bụng, khó tiêu, đau bụng,…
Mô tả về cây dâu da xoan
Tên gọi khác: Dâu gia xoan, dâm bôi, châm châu, mác mật mu, hồng bì dại, xoan nhừ, dâu gia thơm,….
Tên khoa học: Clausena excavata Burm.
Họ khoa học: Rutaceae (họ Cam).
1. Đặc điểm thực vật
Cây dâu da xoan là một loài thực vật thân gỗ nhỏ. Cây có nhiều cành nhỏ, trong đó các cành non sẽ có lông, khi bẻ cành ra sẽ có mùi hôi khá khó chịu. Lá thuộc dạng lá kép lông chim, mọc so le và có màu xanh. Hoa nhỏ, mọc thành từng chùm ở vị trí đầu cành và có màu trắng. Quả nhỏ, có hình trứng dài và có màu đỏ khi chín, bên trong quả có 1 đến 2 ngăn và chứa 1 hạt.
Cây dâu da xoan là một loài thực vật thân gỗ nhỏ, có nhiều cành, lá màu xanh và quả khi chín màu đỏ
2. Phân bố
Cây dâu da xoan phân bố ở rất nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là Philipin, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Còn ở Việt Nam, cây mọc hoang ở những vùng núi hoặc được trồng trong vườn nhà của một số địa phương.
3. Bộ phận sử dụng
Lá, hạt và vỏ thân là ba bộ phận của cây dâu da xoan được sử dụng để làm dược liệu trong các bài thuốc chữa bệnh.
4. Thu hái – sơ chế
Các bộ phận của cây dâu da xoan được thu hái quanh năm. Sau khi thu hái về sẽ được rửa sạch, sử dụng tươi hoặc đem đi phơi/sấy khô để sử dụng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo, không bị ẩm ướt, đặc biệt là sạch sẽ và thoáng mát để không bị hư hỏng.
6. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học có trong cây dâu da xoan:
Lá: Chủ yếu là tinh dầu.
Các bộ phận khác: Chưa có nghiên cứu.
Vị thuốc dâu da xoan
1. Tính vị
Vị chát và đắng.
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
Theo các nghiên cứu của Đông Y, cây dâu da xoan (cụ thể là lá, hạt và vỏ thân) có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị các bệnh da liễu, xương khớp, tiêu hóa và hô hấp. Tiêu biểu là bệnh vảy nến, bệnh eczema, vết bỏng, đầy bụng hoặc khó tiêu, đau nhức hoặc sưng đầu gối, đau bụng,…
Cây dâu da xoan có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị các bệnh da liễu, xương khớp, tiêu hóa và hô hấp
4. Cách sử dụng – liều lượng
Cách sử dụng: Dùng đơn lẻ hoặc kết hợp chung với những dược liệu khác (ví dụ như mật ong, giấm, rượu trắng,…) bằng cách sắc lấy nước uống hoặc đắp ngoài da.
Liều lượng: 6 – 10 gram đối với các bài thuốc sắc. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ chỉ định tăng hoặc giảm liều lượng để đạt kết quả chữa trị tốt nhất.
Những bài thuốc hay từ cây dâu da xoan
Cây dâu da xoan, cụ thể là lá, hạt và vỏ thân được sử dụng làm dược liệu trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tiêu biểu nhất là bài thuốc chữa đau nhức hoặc sưng xương khớp, đau bụng, ho, đầy bụng, khó tiêu, vảy nến, eczema, vết cắt nhỏ, vết bỏng, mụn nhọt, sưng tấy hoặc dị ứng.
1. Bài thuốc chữa đau nhức hoặc sưng đầu gối
Chuẩn bị:
Lá dâu da xoan.
Rượu hoặc giấm.
Cách thực hiện:
Lá dâu da xoan chọn loại còn tươi và không bị hư hại. Sau đó rửa sạch rồi cho vào nước muối pha loãng ngâm trong 10 – 15 phút thì vớt ra, để ráo nước.
Đem lá dâu da xoan trộn đều với rượu hoặc giấm theo liều lượng vừa phải. Sau đó dùng khăn mềm lau sạch vùng da bị tổn thương rồi đắp hỗn hợp lên trên.
Mỗi ngày thực hiện từ 1 – 2 lần. Duy trì đều đặn và liên tục thì sau khoảng vài tuần tình trạng đau nhức hoặc sưng xương khớp sẽ thuyên giảm nhanh chóng.
2. Bài thuốc chữa đau bụng
Chuẩn bị:
10 gram hạt dâu da xoan.
Cách thực hiện:
Hạt dâu da xoan đem rửa sạch để loại bỏ hết bụi bẩn, bùn đất và vi khuẩn. Sau đó vớt ra và để ráo nước.
Cho hạt dâu da xoan vào ấm nấu cùng nước lọc theo tỉ lệ hợp lý. Đun sôi hỗn hợp trên lửa nhỏ, chờ đến khi sắc lại thì tắt bếp.
Lọc lấy nước uống trong ngày, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nhưng tuyệt đối không để qua đêm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngay sau khi uống hoặc sau vài ngày, tình trạng đau bụng sẽ cải thiện đáng kể và nhanh chóng giúp cơ thể phục hồi lại trạng thái ổn định ban đầu.
3. Bài thuốc chữa bệnh ho
Chuẩn bị:
10 gram vỏ cây dâu da xoan.
Cách thực hiện:
Rửa sạch vỏ cây dâu da xoan và để ráo nước. Sau đó cho vào ấm nấu cùng với một lượng nước lọc vừa đủ.
Bắt hỗn hợp lên bếp, đun sôi với lửa nhỏ và chờ đến khi sắc lại thì tắt bếp và ngưng nấu.
Tiến hành lọc lấy nước thuốc, bỏ phần bã và chia thành 2 – 3 phần bằng nhau để uống hết trong ngày (không để qua đêm).
Thực hiện đều đặn mỗi ngày thì sau khoảng vài ngày đến vài tuần, bệnh ho sẽ thuyên giảm và hết dần.
4. Bài thuốc chữa mụn nhọt, sưng tấy hoặc dị ứng
Chuẩn bị:
Lá dâu da xoan.
Giấm trắng.
Cách thực hiện:
Lá dâu da xoan rửa sạch, tốt nhất là ngâm trong nước muối pha loãng 10 – 15 phút là để đảm bảo không còn vi khuẩn, đất cát và bụi bẩn.
Vớt lá dâu da xoan ra, để ráo nước rồi cho vào cối giã nát hoặc máy xay sinh tố xoay nhuyễn. Sau đó đem trộn đều với giấm trắng.
Lau sạch vùng da bị mụn nhọt, sưng tấy hoặc dị ứng rồi tiến hành đắp hỗn hợp lên trên. Chờ một lúc thì rửa sạch lại bằng nước lọc.
Chỉ áp dụng trong trường hợp nhẹ, các tổn thương còn chưa quá nghiêm trọng. Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần, sau một thời gian sẽ thấy cải thiện đáng kể.
Lá dâu da xoan khi kết hợp với giấm trắng có thể chữa được mụn nhọt, sưng tấy hoặc dị ứng
5. Bài thuốc chữa đầy bụng hoặc khó tiêu
Chuẩn bị:
8 gram hạt dâu da xoan.
Cách thực hiện:
Hạt dâu da xoan đem rửa sạch để đảm bảo không còn bụi bẩn. Sau đó vớt ra và để thật ráo nước.
Cho hạt dâu da xoan vào chảo để sao vàng hạ thổ. Tiếp đến đem đi sắc với 2 chén nước lọc.
Chờ cho hỗn hợp sắc lại còn khoảng 1/4 thì tắt bếp. Lọc lấy nước thuốc để uống khi còn ấm (không để nguội).
Uống mỗi ngày 1 lần sau bữa ăn sáng. Sau khoảng 3 ngày, tình trạng đầy bụng hoặc khó tiêu sẽ cải thiện rõ rệt.
6. Bài thuốc chữa bệnh vảy nến, bệnh eczema, vết thương nhỏ hoặc vết bỏng
Chuẩn bị:
Lá dâu da xoan.
Mật ong nguyên chất.
Cách thực hiện:
Lá dâu da xoan đem rửa sạch. Sau đó cho vào nước muối pha loãng ngâm một lúc rồi vớt ra và để ráo nước.
Cho lá dâu da xoan vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hoặc cối giã nát. Tiếp đến cho mật ong vào và trộn đều.
Vệ sinh sạch vùng da bị tổn thương. Sau đó đắp hỗn hợp lên trên trong một khoảng thời gian thích hợp (không áp dụng khi bị vẩy nến, eczema, vết bỏng nặng).
Thực hiện liên tục và đều đặn thì sau khoảng vài ngày đến vài tuần, bệnh hoặc vết thương sẽ thuyên giảm đáng kể.
Một số lưu ý khi sử dụng cây dâu da xoan
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh gặp các tác dụng phụ, đặc biệt là đạt kết quả chữa trị cao thì người bệnh khi sử dụng cây dâu da xoan cần lưu ý một số điều sau đây:
Chỉ sử dụng lá, hạt và vỏ thân dâu da xoan đạt chất lượng. Tuyệt đối không dùng dược liệu hư hỏng hoặc có nguồn gốc không rõ ràng. Điều này sẽ giúp người bệnh đạt kết quả chữa trị cao nhất, đồng thời tránh được những tác dụng phụ không đáng có.
Lá, hạt và vỏ thân dâu da xoan nên rửa sạch trước khi sử dụng để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn. Đối với dược liệu tươi nên ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 – 15 phút rồi mới vớt ra, để ráo nước và tiến hành sắc thuốc, giã nát, xay nhuyễn,….
Chỉ áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây dâu xoan đối với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới khởi phát. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi tiến hành tại nhà để đạt kết quả điều trị tốt nhất.
Sử dụng lá, hạt và vỏ thân dâu da xoan với liều lượng và tần suất hợp lý. Tránh lạm dụng hoặc nôn nóng, dẫn đến sử dụng quá nhiều dược liệu trong ngày, khiến hiệu quả chữa trị không cao, thậm chí là ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nguy hiểm, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người đang dùng thuốc tây nên cẩn trọng khi dùng cây dâu da xoan chữa bệnh. Bởi vì một số thành phần có trong loại cây này có thể gây ra phản ứng dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm đối tượng này.
Trong quá trình áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây dâu da xoan, nếu thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường thì bạn cần ngưng ngay. Sau đó đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra cách xử lý kịp thời.
Nếu sau một thời gian dài dùng các bài thuốc chữa bệnh từ cây dâu da xoan không có hiệu quả thì người bệnh cần ngưng áp dụng. Sau đó xem xét lại liều lượng và tần suất để điều chỉnh lại cho phù hợp, hoặc đổi sang phương pháp khác thích hợp hơn.
Trên đây là những thông tin hữu ích nhất về cây dâu da xoan. Hi vọng sẽ giúp bạn đọc nắm rõ được đặc điểm, tác dụng chữa bệnh, các bài thuốc hay và những lưu ý khi sử dụng để có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống trong trường hợp cần thiết.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh