✴️ Rau dệu

Với công dụng tiêu viêm xưng, lợi tiểu, chống ngứa và làm mát máu,… rau dệu thường được sử dụng làm thuốc nhuận gan và lợi sữa. Bên cạnh đó, thảo dược còn có tác dụng điều trị chảy máu cam, bệnh đường niệu đạo và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Rau dệu

Hình ảnh rau dệu – Vị thuốc Nam được biết đến với công dụng tiêu viêm và kháng khuẩn

+ Tên khác: Diếp không cuống, rệu hoặc diếp bò, Poòng peo (Thái), rau dền nước

+ Tên khoa học: Alternanthera sessilis

+ Họ: Dền Amaranthaceae

 

I. Mô tả cây rau dệu

1. Đặc điểm thực vật

Diếp không cuống là loại cây thân thảo bò trên mặt đất, có chiều dài từ 40 – 60 cm. Cây phân thành nhiều nhánh nhỏ và ở mỗi khớp phân nhánh thường có các rễ phụ.  Thân cây nếu mọc dưới tán lá cây khác thường có màu tím hoặc tím nhạt. Rễ thường mọc cạn và có nhiều cấp bậc khác nhau.

Lá diếp không cuống thường mọc đối, có phiến lá đơn, có hoặc không có cuống. Ở các lá có cuống thường có chiều dài từ 1.5 – 5 mm. Phiến lá có hình mũi mác nhọn, hơi nhám, có chiều dài 4 – 6 cm và rộng là 1 – 2 cm.

Hoa diếp không cuống, có màu trắng thường mọc ở nách lá. Hoa mọc thành chùm, lưỡng tính, có 1 gân và không có cuống. Hoa thường nở rộ vào tháng 11, 12 và kết quả vào tháng 6 đến tháng giêng. Cây có quả bế với dạng thấu kinh hoặc hình tim ngược. Mỗi quả chứa một hạt có màu nâu.

2. Phân bố

Cây rau dệu phân bố ở khắp các nơi trên thế giới và được tìm thấy nhiều ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, các tỉnh miền Nam Trung Quốc, Camphuchia, Việt Nam và Indonexia. Ở nước ta, loại rau này mọc phổ biến ở các vùng đất hoang, ẩm ướt và có nhiều ao hồ.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Toàn thân

  • Thu hái: Quanh năm

  • Chế biến và bảo quản: Dùng dưới dạng thuốc phơi khô và được bảo quản ở nhiệt độ phòng

4. Thành phần hóa học

Theo Y học cổ truyền, rau dệu chứa các thành phần chính như:

  • Nước 80.3%

  • Glucid 1.9%

  • Phosphor 22mg%

  • Cellulose 2.1%

  • Calcium 98mg%

  • Caroten 5.1mg%

  • Sắt 12mg%

  • Vitamin C 77.7%

  • Protid 4.5%

Theo bảng thành phần thực phẩm sử dụng ở Châu Phi Leung, W . TW, Busson, F. & Jardin, C., 1968 cho biết, cứ 100 gram rau dệu có chứa các thành phần hóa học sau:

  • 80 gram nước

  • 4.7 gram chất xơ

  • 11.8 gram carbohydrate

  • 0.8 gram chất béo

  • 146 mg Ca

  • 16.7 mg Sắt 

  • 4.7 gram protein

  • 45 mg P

  • 251 KJ (60 Kcal)

Ngoài các chất này ra, thảo dược còn chứa các hoạt chất sinh học sau:

  • Beta tocophénols

  • Bétasitostérol

  • Stigmastérol

  • –β–spinastérol

  • Ester aliphatique

  • Acide oleanotic và các dẫn xuất của nó

  • Hydrocarbure aliphatique bảo hòa

  • -α–spinastérol triterpènes

  • Aliphatique bảo hòa (aliphatique)

  • Ether từ rễ cây

Hình ảnh rau dệu

Rau dệu có hoa màu trắng

 

II. Vị thuốc rau dệu

1. Tính vị

Tính mát và vị ngọt, nhạt

2. Tác dụng dược lý

Diếp không cuống có những tác dụng dược lý như:

  • Tác dụng lợi tiểu: Nghiên cứu thử nghiệm dịch ép nước cây rau dệu trên chuột cống trắng, kết quả cho thấy thảo dược này có tác dụng lợi tiểu tốt

  • Giúp làm hạ thân nhiệt: Cao khô chiết từ rau dệu sau khi được thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy, với liều lượng 125 mg/kg thuốc có tác dụng làm giảm thân nhiệt ở động vật này một cách rõ rệt

  • Kháng khuẩn, chống viêm: Các hoạt chất chứa trong rau dệu có tác dụng ngăn chặn và ức chế sự phát triển của chủng vi trùng salmonella typhimurium. Đồng thời, thảo dược này còn giúp kìm chế sự hình thành của chất của chất gây ung thư từ môi trường nitrosodiethanolamine

  • Chống ung bướu: Nghiên cứu về thành phần ether chiết xuất từ rễ cây rau dệu cho biết, chúng có tác dụng phòng chống ung bướu tạo thành và giúp ngăn chặn khối u phát triển theo chiều hướng xấu

  • Giúp cải thiện bệnh tiểu đường: Chất xơ có trong thực phẩm tự nhiên này nếu sử dụng đều đặn mỗi ngày với liều lượng nhất định giúp làm giảm lượng đường trong máu. Từ đó giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh tiểu đường

3. Công dụng

Theo Y học cổ truyền, diếp không cuống tính mát và vị ngọt, có tác dụng làm mát máu, lợi tiểu, tiêu viêm sưng và chống ngứa. Ngoài những công dụng này ra, loại rau này còn giúp điều trị các bệnh sau đây:

  • Bệnh ngoài da như viêm mủ da, nổi chàm,..

  • Khó tiêu hoặc tiêu chảy

  • Bệnh trĩ

  • Hạ nhiệt

  • Lợi sữa, lợi mật

  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

  • Cải thiện tình trạng dị ứng

  • Dự phòng bệnh ung bướu

  • Giảm sốt và đau đường ruột

  • Chữa bệnh lỵ

  • Giúp điều trị vết thương ngoài

  • Điều trị bệnh đường niệu

4. Cách dùng và liều lượng

Có thể dùng diếp không cuống dưới dạng thuốc sắc, ép nước uống hay chế biến thành món ăn hàng ngày. Liều dùng tối đa mỗi ngày đối với rau dệu là 60 – 120 gram, còn đối với thuốc sắc là 15 – 30 gram.

Bài thuốc chữa bệnh từ rau dệu

Rau dệu có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc món ăn

 

III. Bài thuốc chữa bệnh từ rau dệu theo kinh nghiệm dân gian

  • Điều trị chứng đi tiểu không thông, tiểu buốt: Sử dụng 80 gram rau dệu tươi, bao gồm cả lá, thân và rễ. Sau khi rửa sạch cho dược liệu vào ấm và sắc uống. Mỗi ngày uống 2 lần, uống liên tục 5 – 7 giúp giảm nhanh triệu chứng khó tiểu

  • Chữa đau răng: Rau dệu sắc chung với địa cốt bì, ngọn cỏ bồ

  • Trị mụn nhọt như tổ ong (phong oa ung): Dùng một nắm lá rau dệu tươi đã được rửa sạch, giã nát và trộn với lòng trắng trứng gà. Sau khi vệ sinh vùng da bị mụn đắp hỗn hợp này lên và nằm thư giãn. Rửa lại mặt bằng nước ấm sau 20 – 30 phút đắp

  • Điều trị lỵ phân nhầy trắng lẫn máu đỏ: Dùng 20 – 30 gram rau dệu khô đem sắc với 1 chén nước. Sau khi thuốc cạn còn 7 phân, hòa thêm đường đỏ hoặc mật ong và uống nếu đó là bệnh lỵ phân màu trắng. Còn đối với bệnh lỵ phân có màu thì nên hòa đường trắng

  • Chữa nhọt độc: Giã nát lá rau dệu và trộn mật ong rồi đắp lên nốt mụn nhọt 2 – 3 lần trong ngày. Đắp liên tục cho đến khi nốt mụn vỡ hoặc xẹp

  • Trị bệnh đi cầu ra máu: Dùng cây rau dệu và cây bắt ruồi đem hấp cách thủy với thịt và ăn mỗi ngày giúp việc đi cầu dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng xuất huyết

  • Điều trị phế nhiệt ho ra máu: Dùng rau dệu tươi đem giã lấy nước và thêm ít muối rồi chưng nóng lên uống

  • Cải thiện ung nhọt trong ruột: Sử dụng 40 gram cây rau dệu tươi đem giã, vắt lấy nước cốt. Dùng nước này hòa tan với ít rượu và uống. Mỗi ngày uống 3 lần để giúp làm tiêu nhọt trong ruột

  • Điều trị viêm đường tiết niệu: Dùng 100 gram rau dệu, 50 gram cam thảo đất, 50 gram rau má và 20 gram diếp cá. Sắc thuốc và uống.

  • Chữa hắc lào và ghẻ lở: Dùng 80 gram rau dệu nấu nước và tắm giúp giảm ngứa và cải thiện tình trạng lở loét, khó chịu trên da do hắc lào hoặc ghẻ lở gây nên

  • Trị sốt do siêu vi trùng gây cảm cúm: Chuẩn bị 100 gram lá rau dệu tươi và 100 gram lá tre. Tất cả các vị thuốc sau khi được làm sạch cho vào ấm, thêm 1 lít nước và đun sôi. Dùng nước này thay nước lọc uống trong ngày

  • Điều trị chứng hột xoài mới phát: Chuẩn bị rau dệu., gừng tươi và bèo tía, mỗi vị lượng bằng nhau. Đem rửa sạch và giã nát. Sau đó cho thêm một ít muối sắc kỹ còn 1 bát, uống khi nóng. Phần bã đem đắp vào vị trí sưng đau.

  • Chữa bệnh viên gan vàng da: Sử dụng 100 gram rau dệu, 10 gram củ nghệ, 50 gram cỏ mực và 50 gram cây chó đẻ đem sắc thuốc uống

Rau dệu từ lâu đã được người dân sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng cũng như cách sử dụng đúng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top