Râu mèo là một thảo dược quý có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ thấp, lợi tiểu. Từ lâu, dược liệu này đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm gan – thận, đau khớp, tiểu buốt, tiểu dắt…
Hình ảnh cây râu mèo – Dược liệu quý được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý
-
Tên gọi khác: Mao trao thảo, cây bông bạc.
-
Tên khoa học: Orthosiphon spiralis.
-
Họ: Hoa môi (Lamiaceae)
Mô tả cây dược liệu râu mèo
1. Đặc điểm thực vật
Râu mèo là cây thân thảo nhiệt đới tương đối điển hình với chiều cao trung bình khoảng 30 – 60cm. Thân cây có cạnh và rất ít phân nhánh. Lúc còn non, phần thân có màu xanh và có lông ở bề mặt. Tuy nhiên, càng về già thì thân cây sẽ chuyển dần sang màu tím.
Lá của loại cây này là lá đơn mọc đối chéo chữ thập với cuống lá ngắn. Phần phiến lá gần hình thoi dài khoảng 4 – 8cm và rộng khoảng 2 – 4 cm. Ở 2/3 phía trên mép lá có răng cưa.
Cụm hoa nằm ở ngọn, mọc theo vòng gồm khoảng 6 – 10 vòng và mỗi vòng sẽ có 6 hoa. Hoa có màu trắng với phần nhị vươn dài ra bên ngoài, gấp khoảng 2 – 3 lần chiều dài của cánh hoa.
2. Bộ phận dùng
Tất cả các bộ phận của cây râu mèo đều được tận dụng để làm vị thuốc chữa bệnh.
3. Phân bố
Loại thảo dược này mọc tự nhiên rất phổ biến ở Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và các nước khu vực Đông Dương… Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở Cao Bằng, Ba Vì, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Ninh Thuận…
Mặc dù dược trồng khá nhiều nhưng hằng năm nước ta vẫn phải nhập rất nhiều dược liệu râu mèo từ bên ngoài. Bởi lượng dược liệu nội địa không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu thường được thu hái vào khoảng tháng 9 hằng năm. Cần thu hái khi cây đã phát triển mạnh, không quá già hay còn quá non. Thời điểm phù hợp nhất là khi cây chuẩn bị ra hoa.
Sau khi thu hái, cần cắt thành từng khúc nhỏ rồi đem rửa nhiều nước cho thật sạch rồi phơi khô.
Hình ảnh dược liệu râu mèo – Chúng được sơ chế khô để bảo quản và dùng dần
5. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở trong túi kín và để nơi khô ráo, thoáng mát. Thỉnh thoảng nên đem dược liệu ra phơi lại để tránh ẩm mốc, mối mọt.
6. Thành phần hóa học
Trong dược liệu râu mèo có rất nhiều các thành phần hóa học đã được tìm thấy như:
-
Các flavonoid
-
Kaempferol 3-O-b-glucosid
-
Quercetin 3-O-b-glucosid
-
Esculetin
-
Các chất diterpenoid
-
Saponosid
-
Betain
-
Các alcool triterpenoid
-
Cholin
Vị thuốc râu mèo
1. Tính vị
Thảo dược này có vị ngọt, hơi đắng và tính mát.
2. Quy kinh
Hiện vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về vấn đề này.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
-
Tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ thấp, lợi tiểu.
-
Thường dùng điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa, tiểu tiện, đau nhức xương khớp…
Theo y học hiện đại:
-
Tinh dầu chiết xuất từ thảo dược này có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu và hỗ trợ bài tiết nó.
-
Nguồn flavonoid dồi dào trong cây râu mèo có tác dụng làm lợi tiểu.
-
Các chất tetramethylscutellarein cũng như sinensetin sẽ hỗ trợ ức chế sự hình thành của các tế vào u.
-
Ngăn ngừa tình trạng sỏi thận nhờ có hoạt chất orthosiphonin với tác dụng giữ cho muối urat và acid uric ở dạng hòa tan.
4. Cách dùng – liều lượng
Râu mèo là dược liệu có thể được sử dụng ở cả dạng tươi và dạng khô. Cách dùng phổ biến nhất là sắc chung với nước để uống. Liều lượng có thể là 5 – 6g/ngày, có thể nhiều hơn tùy thuộc vào mục sử dụng.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây râu mèo
Sau đây là thông tin về một số bài thuốc có sử dụng dược liệu râu mèo.
1. Điều trị sỏi tiết niệu với loại sỏi nhỏ
-
Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị khoảng từ 6 – 10g râu mèo khô. Rửa sạch nguyên liệu rồi hãm với 500ml nước sôi tương tự như hãm trà. Chia làm 2 lần uống vào trước bữa ăn 15 – 20 phút khi thuốc đang còn ấm. Sử dụng liên tục trong 10 ngày sau đó ngưng 4 ngày rồi lại uống đợt tiếp theo.
-
Bài thuốc 2: 30g râu mèo, 30g thài lài, 30g chó đẻ răng cưa. Tất cả dược liệu đem rửa sạch rồi sắc với 800ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn 250ml. Uống trước khi ăn lúc thuốc còn ấm nóng. Mỗi liệu trình sẽ kéo dài trong khoảng 5 – 10 ngày.
2. Trị chứng tiểu buốt, tiểu rắt
-
Chuẩn bị: 40g râu mèo tươi cùng với 30g thài lài trắng.
-
Thực hiện: Các nguyên liệu trên đem rửa sạch để ráo rồi cho 750ml nước vào đun trên lửa nhỏ, thêm 6g hoạt thạch vào nấu cùng. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm nóng. Nếu sau khoảng 5 ngày thấy tiểu tiện thông lại bình thường thì ngưng thuốc.
3. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
-
Chuẩn bị: 50g râu mèo tươi, 50g khổ qua toàn cây cùng 6g cây xấu hổ.
-
Thực hiện: Tất cả nguyên liệu đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc cùng với 800ml nước. Để lửa nhỏ đến khi lượng nước rút chỉ còn khoảng 250ml thì tắt bếp. Uống khi thuốc còn ấm nóng. Duy trì mỗi ngày 1 thang thuốc trong vòng 1 tháng rồi đi kiểm tra lại đường huyết.
4. Điều trị tiểu ra sỏi, ra máu
-
Chuẩn bị: 40g râu mèo cùng với khoảng 30g thài lài trắng.
-
Thực hiện: Sắc chung với 600ml nước đến khi còn 300ml thì ngưng và cho 6g hoạt thạch vào hòa cùng. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng mỗi ngày chỉ 1 thang thuốc liên tục trong 5 – 7 ngày.
5. Hỗ trợ điều trị viêm thận phù thũng
-
Chuẩn bị: 30g râu mèo, 30g má đề cùng 30g bạch hoa xà thiệt thảo.
-
Thực hiện: Nguyên liệu đã chuẩn bị đem sắc chung với khoảng 1 lít nước đến đi còn phân nửa thì ngưng. Uống trong ngày khi nước thuốc còn đủ độ ấm.
Có thể kết hợp râu mèo với các dược liệu khác để điều trị bệnh viêm thận phù thũng
6. Điều trị viêm đường tiểu
-
Chuẩn bị: 30g râu mèo, 30g chó đẻ răng cưa, 30g thài lài.
-
Thực hiện: Các nguyên liệu đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc chung với 800ml nước. Đun trên lửa nhỏ trong khoảng 15 phút. Uống mỗi ngày 1 thang thuốc liên tục trong khoảng 1 tuần lễ.
7. Điều trị viêm thận mạn tính, viêm đường ruột, viêm khớp, viêm bàng quang
-
Chuẩn bị: 40g râu mèo, 30g rễ ý dĩ, 30g tỳ giải.
-
Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu trên rồi cho vào ấm sắc chung với 500ml nước. Khi lượng nước rút phân nửa thì tắt bếp. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang duy nhất khi nước thuốc còn ấm. Dùng liên tục 3 tuần rồi nghỉ theo dõi khoảng 1 tuần.
8. Điều trị viêm thận dương suy
-
Chuẩn bị: 16g râu mèo, 12g tô mộc, 12g rễ tranh, 12g rễ cây ruột gà, 20g má đề, 16g cỏ xước.
-
Thực hiện: Đem dược liệu đi sắc chung với 500ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn khoảng 200ml. Chia thuốc làm 2 lần uống vào trước bữa ăn, mỗi ngày chỉ sắc uống 1 thang duy nhất.
9. Điều trị chứng táo bón kéo dài
-
Chuẩn bị: 30g cỏ lưỡi rắn, 30g bông bạc khô, 30g cây chó đẻ, 30g cỏ mực, 20g atiso.
-
Thực hiện: Tất cả nguyên liệu trên đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc. Đổ thêm 1 lít nước rồi đun trên lửa nhỏ đến khi còn khoảng 600ml. Sử dụng thuốc uống trong ngày khi còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày. Dùng liên tục trong 3 tuần sau đó nghỉ 1 tuần và dùng lại thêm 1 tháng.
10. Điều trị viêm gan siêu vi
-
Chuẩn bị: 30g râu mèo, 30g cây chó đẻ, 30g cỏ mực, 30g cỏ lưỡi rắn, 20g atiso (các dược liệu đều ở dạng khô).
-
Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm và sắc chung với 1 lít nước ở trên lửa nhỏ. Khi nước rút xuống còn 3/4 lít thì ngưng sắc. Mỗi ngày sắc uống 1 thang duy nhất. Uống liên tục trong 3 tuần sau đó nghỉ 1 tuần và dùng tiếp trong khoảng vài ba tháng tiếp theo.
Lưu ý khi sử dụng cây râu mèo để chữa bệnh
Loại thảo dược này thường không có độc tính khi sử dụng với liều thông thường. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài với liều cao có thể tác động đến sự cân bằng ion cũng như các phân hóa tố. Ngoài ra, cần cẩn trọng khi dùng dược liệu này cho phụ nữ mang thai, nhất là còn ở 3 tháng đầu thai kỳ.
Những thông tin về dược liệu cây râu mèo mà bài viết đề cập chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào từ dược liệu này bạn nên tham khảo người có chuyên môn để đảm bảo tính an toàn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh