Tên chung quốc tế: Fludrocortisone.
Mã ATC: H02A A02.
Loại thuốc: Mineralocorticoid.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 0,1 mg fludrocortison acetat.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Fludrocortison là một dẫn xuất tổng hợp của hydrocortison (9a - fluorohydrocortison) có tác dụng rất mạnh đến chuyển hóa muối (giữ Na+, thải K+) gấp khoảng 100 lần hơn so với hydrocortison, còn tác dụng trên chuyển hóa glucid (liên quan đến chống viêm) gấp khoảng 10 lần so với chất này. Do tác dụng mạnh trên cân bằng chất điện giải và nước, nên fludrocortison chỉ dành để uống trong điều trị suy vỏ thượng thận tiên phát và thứ phát, phụ trợ về mặt chuyển hóa muối trong liệu pháp thay thế hydrocortison.
Fludrocortison được hấp thu tốt qua đường uống. Thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương. Nửa đời sinh học trong huyết tương là 3 - 5 giờ. Thời gian tác dụng kéo dài 1,5 ngày đến 3 ngày. Chuyển hóa chủ yếu ở gan, cũng có một phần ở thận và bài tiết chủ yếu qua nước tiểu.
Chỉ định
Ðiều trị thay thế trong suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát (bệnh Addison).
Hội chứng quá sản vỏ thượng thận bẩm sinh mất muối.
Chống chỉ định
Nhiễm nấm toàn thân, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc có tiền sử mẫn cảm với corticoid.
Thận trọng
Do tác dụng mạnh giữ natri trong cơ thể, không nên dùng fludrocortison ngoài các bệnh được chỉ định ở trên.
Corticosteroid có thể che lấp các dấu hiệu nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị, làm giảm sức đề kháng và làm nhiễm khuẩn lan rộng. Nếu nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình điều trị, phải dùng ngay kháng sinh thích hợp.
Thận trọng khi có loãng xương, mới phẫu thuật tạo nối thông ruột, bệnh tâm thần, loét dạ dày tá tràng, lao, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, Herpes mắt, viêm loét đại tràng không đặc hiệu, suy thận, nhược cơ.
Trẻ em đang dùng thuốc corticosteroid ức chế miễn dịch, bị thủy đậu hoặc sởi có thể gây tử vong. Không tiêm phòng hoặc chủng đậu trong thời gian dùng thuốc.
Tác dụng phụ xuất hiện khi ngừng thuốc quá nhanh hoặc dùng kéo dài với liều cao.
Ðể tránh suy thượng thận do dùng thuốc, cần thêm liều hỗ trợ khi bị stress trong quá trình điều trị và trong vòng 1 năm sau.
Tác dụng corticosteroid tăng ở người bệnh tuyến giáp hoặc xơ gan.
Ðối với trẻ đang lớn, do tác dụng mạnh đến chuyển hóa các chất điện giải, chỉ được dùng fludrocortison trong những trường hợp đã được nêu trong chỉ định. Nên dùng chế độ ăn giảm natri và thêm kali.
Thời kỳ mang thai
Chỉ dùng khi thật cần thiết do đã ghi nhận được ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của thai nhi (thiểu năng tuyến thượng thận).
Thời kỳ cho con bú
Các corticoid đã tìm thấy trong sữa mẹ. Nên thận trọng khi dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú. Chỉ cho khi thật cần thiết. Lịch trình điều trị của người mẹ cần được ghi chép vào y bạ của con để tiện theo dõi.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn của fludrocortison phần lớn do tác dụng đến chuyển hóa chất điện giải và một phần nhỏ đến chuyển hóa glucid. Trừ trường hợp điều trịthay thế, hầu hết các tác dụng không mong muốn là do dùng quá liều so với mức sinh lý bình thường.
Thường gặp, ADR >1/100
Chuyển hóa: Giảm K+ huyết, giữ Na+, phù, tăng huyết áp.
Cơ xương: Yếu cơ.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Máu: Huyết khối.
Thần kinh trung ương: Loạn tâm thần biểu hiện cảm xúc.
Nội tiết: Suy vỏ thượng thận, hội chứng giống Cushing, cân bằng nitơ âm tính, kìm hãm sự phát triển của trẻ em, làm xuất hiện đái tháo đường, suy giảm đề kháng với nhiễm khuẩn. Làm xuất hiện nhiễm khuẩn tiềm ẩn: lao, viêm phổi.
Cơ xương: Loãng xương, teo cơ, suy dinh dưỡng, lâu liền vết thương.
Mắt: Glôcôm, đục thủy tinh thể nếu dùng thuốc kéo dài.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Tăng áp lực nội sọ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các phản ứng không mong muốn phần lớn là do tác dụng chuyển hóa muối khoáng của fludrocortison, nhưng vì fludrocortison được dùng với liều rất thấp, nên tác dụng chuyển hóa glucid không thấy rõ như sau khi điều trị bằng glucocorticoid thông thường.
Tuy nhiên, fludrocortison thường được kết hợp với 1 glucocorticoid, như cortison chẳng hạn, lúc đó cần chú ý đến liều glucocorticoid.
Liều lượng và cách dùng
Liều dùng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và đáp ứng của người bệnh. Người bệnh phải được theo dõi liên tục để điều chỉnh liều cho thích hợp như khi bệnh thoái lui hoặc nặng lên, hoặc khi có stress (phẫu thuật, nhiễm khuẩn, chấn thương):
Bệnh Addison: Ðiều trị thay thế, thường phối hợp với 1 glucocorticoid (hydrocortison hoặc cortison). Nếu tổng liều trong ngày vượt quá 0,1 mg thì nên chia ra làm 2 lần trong ngày, nhất là khí hậu nóng.
Người lớn: Liều thông thường: 0,05 - 0,1 mg/ 24 giờ cho hàng ngày. Mặc dù có thể dao động từ 0,1 mg, ba lần một tuần đến 0,2 mg mỗi ngày. Trong trường hợp xuất hiện tăng huyết áp nhất thời do hậu quả của điều trị, phải giảm liều xuống còn 0,05 mg mỗi ngày.
Trẻ em: 0,05 - 0,1 mg/24 giờ cho hàng ngày
Trẻ nhỏ: 0,1 - 0,2 mg/24 giờ cho hàng ngày. Trẻ rất nhỏ có thể tương đối ít nhạy với mineralocorticoid, do đó cần liều cao hơn đối với trẻ em lớn tuổi và thiếu niên.
Tăng sản vỏ tuyến thượng thận bẩm sinh mất muối: 0,1 - 0,2 mg/24 giờ.
Tương tác thuốc
Khi dùng đồng thời với các thuốc dưới đây có thể gây tương tác:
Amphotericin B hoặc các thuốc lợi tiểu gây giảm K+ (benzothiadiazin, acid ethacrynic và furosemid) làm tăng tình trạng giảm K+ huyết, phải theo dõi K+ huyết định kỳ. Phải cung cấp K+ thêm nếu cần.
Các glycozid trợ tim digitalis: Giảm K+ huyết, dễ tăng độc tính của digitalis. Theo dõi K+ huyết và điện tâm đồ.
Các thuốc chống đông máu đường uống: Giảm thời gian prothrombin. Corticosteroid có thể gây loét dạ dày kèm xuất huyết. Loét có thể xuất huyết mà không có triệu chứng.
Với các thuốc chống đái tháo đường (insulin, sulfamid hạ glucose huyết...) làm tăng glucose huyết, đôi khi gây nhiễm ceton huyết (dùng corticoid làm giảm dung nạp glucid). Cần theo dõi lượng đường - ceton máu và nước tiểu, điều chỉnh liều thuốc đái tháo đường.
Với các salicylat: Corticosteroid làm giảm nồng độ salicylat trong máu do tăng đào thải. Khi giảm liều corticosteroid ở người bệnh đang dùng aspirin, có thể làm tăng nồng độ salicylat huyết thanh gây khả năng nhiễm độc salicylat. Corticoid và aspirin cả hai đều gây loét dạ dày.
Với barbiturat, phenytoin, rifampicin: Làm giảm hiệu lực của corticoid do tăng chuyển hóa ở gan. Hậu quả nghiêm trọng ở người bị bệnh Addison và ghép thận, cần tăng liều corticoid.
Các vaccin: Gây nguy cơ bệnh lan rộng, nguy cơ tăng cao ở người đã bị suy giảm miễn dịch do một bệnh tiềm ẩn. Corticosteroid làm mất khả năng tạo kháng thể. Không được dùng vaccin sống.
Oestrogen làm tăng mức corticosteroid gắn vào globulin, do đó làm tăng phần gắn mất hoạt tính. Tác dụng này ít nhất được cân bằng bằng cách giảm chuyển hóa của corticosteroid. Khi bắt đầu liệu pháp oestrogen, liều corticosteroid có thể phải giảm và tăng lên khi ngừng oestrogen.
Steroid đồng hóa (đặc biệt androgen alkyl hóa C - 17 như oxymetholon, methandrostenolon, norethandrolon, và các hợp chất tương tự) tăng khả năng gây phù. Phải thận trọng khi dùng các thuốc đó cùng nhau, đặc biệt ở người bệnh bị bệnh gan hoặc tim.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 250C.
Quá liều và xử trí
Quá liều rất hay xảy ra trong các trường hợp sử dụng fludrocortison ngoài các trường hợp điều trị thay thế.
Tăng huyết áp, phù, giảm kali huyết, tăng cân quá mức, tim to là những dấu hiệu của quá liều. Nên ngừng thuốc, các triệu chứng thường hết sau một vài ngày, sau đó dùng liều thấp. Nhão cơ do mất nhiều K+ nên cung cấp kali. Kiểm tra thường xuyên huyết áp, điện giải, có thể ngăn chặn sự quá liều.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh