✴️ Vaccin thương hàn

Tên chung quốc tế: Vaccinum typhosum.

Mã ATC: J07A P01, J07A P02, J07A P03.

Loại thuốc: Vaccin.

Dạng thuốc và hàm lượng

Có 3 loại vaccin phòng bệnh thương hàn khác nhau hiện dùng:

Vaccin thương hàn vỏ polysacarid Vi: thuốc tiêm bắp 25 microgram/0,5 ml. Thành phần khác: Phenol, polydimethylsiloxan.

Vaccin thương hàn bất hoạt nhiệt/phenol: Thuốc tiêm chứa 1 tỷ vi khuẩn Salmonella typhi Ty 2 trong 1ml. Thành phần khác: Phenol.

Vaccin thương hàn sống dùng uống: Nang tan trong ruột chứa 2 - 6 x 109 đơn vị khuẩn lạc sống Salmonella typhi Ty 21a. Thành phần khác: Lactose, acid amin.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Vaccin thương hàn dùng để kích thích tạo miễn dịch chủ động phòng chống bệnh thương hàn cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao. Salmonella typhi là vi khuẩn gây bệnh thương hàn có những nhóm kháng nguyên khác nhau (O, H, Vi). Nhiễm S. typhi tự nhiên gây tình trạng miễn dịch lâu dài; tuy nhiên, bản chất của loại miễn dịch này phức tạp, bao gồm cả miễn dịch thể dịch và miễn dịch trung gian tế bào.

Ðáp ứng miễn dịch đối với vaccin polysacarid Vi

Dùng vaccin ViCPS có tác dụng kích thích miễn dịch đối với S. typhi do hình thành các kháng thể kháng kháng nguyên Vi. Kháng nguyên Vi được coi như là một tác nhân độc lực của S. typhi, và các kháng thể của kháng nguyên Vi có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh thương hàn.

Hiệu quả của việc dùng một liều đơn 25 microgam vaccin ViCPS trong phòng bệnh thương hàn đã được chứng minh qua nhiều thử nghiệm thực địa tại những vùng có dịch. Nghiên cứu, theo dõi các trẻ em Nam Phi được tiêm chủng đã chứng tỏ hiệu quả của vaccin là 61, 52 hoặc 50% sau 1, 2 hoặc 3 năm; hiệu quả tổng thể đạt 55%.

Ðáp ứng miễn dịch đối với loại vaccin bất hoạt bằng nhiệt/phenol

Gây miễn dịch cơ bản bằng loại vaccin bất hoạt có tác dụng kích thích sản sinh các kháng thể trong huyết thanh kháng một số nhóm kháng nguyên S. typhi, và có lẽ các kháng thể trong tuần hoàn có tác dụng phòng bệnh chủ yếu. Bằng loại vaccin này, cơ thể sẽ tạo các kháng thể kháng lại kháng nguyên H và có thể kháng cả kháng nguyên Vi để phòng chống bệnh thương hàn trong khi các kháng thể kháng kháng nguyên O thì không. Có thể là các loại kháng thể trong tuần hoàn có tác dụng hỗ trợ bảo vệ cơ thể trong quá trình nhiễm khuẩn ban đầu trước khi miễn dịch trung gian tế bào phát triển và cơ chế đại thực bào được phát động bằng hình thức làm giảm đi số lượng các vi khuẩn có khả năng nhân lên trong tế bào. Cơ chế chính xác về tác dụng của các kháng thể chống lại kháng nguyên S. typhi còn chưa được hiểu rõ; kháng thể kháng kháng nguyên H có tác dụng ức chế sự vận động của vi khuẩn, nhưng tầm quan trọng của tác dụng này còn chưa chắc chắn. Có bằng chứng tuy còn hạn chế gợi ý rằng loại vaccin bất hoạt này có thể có một ít tính gây miễn dịch đối với S. paratyphi A; vi khuẩn này chia sẻ với S. typhi một loại kháng nguyên O chung, yếu tố 12, có thể tạo ra khả năng bảo vệ chéo nào đó.

Miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vaccin loại bất hoạt đã được thông báo là tạo được miễn dịch đối với bệnh thương hàn trong 70 - 90% trường hợp; tuy nhiên, mức độ bảo vệ do vaccin tạo nên còn phụ thuộc một phần vào mức độ nhiễm tiếp sau đó hoặc vào vi khuẩn. Trong một số thử nghiệm trên thực địa gây miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vaccin bất hoạt dùng loại vaccin đường tiêm hiện có, thì hiệu quả của vaccin dao động trong khoảng 51 - 76%. Loại vaccin tiêm phòng bệnh thương hàn bất hoạt bằng aceton hình như có tính miễn dịch cao hơn, với hiệu quả dao động từ 66 - 94%. Vaccin tiêm phòng bệnh thương hàn bất hoạt bằng nhiệt/phenol thì khả năng miễn dịch có thể kéo dài ít nhất là 2 năm sau lần tiêm chủng cơ bản.

Ðáp ứng miễn dịch đối với loại vaccin thương hàn sống, đường uống

Cơ chế chính xác của vaccin sống giảm độc lực dùng đường uống trong việc tạo miễn dịch còn chưa rõ, tuy nhiên vaccin sống đường uống kích thích hình thành kháng thể cả trong huyết thanh, cả trong ruột và đáp ứng qua trung gian tế bào. Sau khi gây miễn dịch cơ bản bằng vaccin sống đường uống, hàm lượng kháng thể trong huyết thanh kháng kháng nguyên O của Salmonella typhi có tương quan với sự bảo vệ chống lại bệnh thương hàn.

Trong một loạt các thử nghiệm thực địa tiến hành tại Chi Lê, hiệu quả của vaccin đường uống điều tra sau 33 tháng là 21% hoặc 54% tương ứng với chế độ uống 1 hoặc 2 liều ở trẻ em tuổi đến trường. Hiệu quả là 68% đối với lịch tiêm chủng ngắn sau 48 tháng.

Vaccin uống có hiệu quả miễn dịch tốt hơn ở người lớn và trẻ lớn so với trẻ nhỏ (36% ở lứa tuổi 3 - 14 và 60% ở 15 - 44 tuổi), nhưng kinh nghiệm còn hạn chế ở trẻ dưới 5 tuổi.

Thời gian xuất hiện tác dụng bảo vệ: Miễn dịch cơ bản (tất cả 4 liều vaccin) nên được hoàn tất ít nhất là 1 tuần trước khi có khả năng lây nhiễm S. typhi.

Thời gian duy trì hiệu quả bảo vệ: Các nghiên cứu theo dõi ở các đối tượng được tiêm phòng vaccin cho thấy hiệu quả bảo vệ kéo dài được 5 - 7 năm.

 

Chỉ định

Dùng để phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, nhất là đối với du khách đi đến những vùng có dịch, dân di cư, nhân viên y tế và quân nhân.

 

Chống chỉ định

Vaccin phòng bệnh thương hàn loại sống dùng đường uống không được dùng cho những người quá mẫn cảm với bất cứ một thành phần nào có trong vaccin hoặc trong môi trường nuôi cấy vi khuẩn.

Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính hoặc các nhiễm khuẩn cấp tính khác, các bệnh có sốt cấp tính, bệnh đường tiêu hóa cấp tính, những người đang bị ỉa chảy hoặc nôn mửa kéo dài.

Không được dùng vaccin cho những người đang bị mắc bệnh thương hàn hoặc những người mang vi khuẩn thương hàn mạn tính.

Ðối với những trường hợp bị suy giảm miễn dịch: Bẩm sinh hoặc di truyền, tiên phát hay mắc phải (người bệnh nhiễm HIV có hoặc không có triệu chứng đều không được uống vaccin thương hàn sống).

 

Thận trọng

Vaccin ViCPS phòng bệnh thương hàn cần được dùng rất thận trọng đối với những người bị giảm bạch cầu hoặc bị rối loạn quá trình đông máu có chống chỉ định tiêm bắp.

Ðộ an toàn và hiệu quả vaccin thương hàn tiêm hoặc uống ở trẻ em còn chưa được xác định đầy đủ. Nhà sản xuất thông báo vaccin ViCPS là an toàn và có hiệu quả ở trẻ em 2 tuổi và lớn hơn. Vaccin còn chưa được nghiên cứu ở trẻ em dưới 1 tuổi, chưa biết được tính an toàn và hiệu quả ở trẻ dưới 2 tuổi. Nhà sản xuất thông báo vaccin thương hàn bất hoạt có thể dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn. Nhà sản xuất thông báo không nên dùng vaccin thương hàn sống uống cho trẻ em dưới 6 tuổi, vì chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả ở nhóm tuổi này.

Nên chuẩn bị sẵn epinephrin để điều trị tức thời khi xảy ra phản ứng phản vệ.

 

Thời kỳ mang thai

Chưa có số liệu đặc thù liên quan đến việc sử dụng vaccin thương hàn tiêm hoặc uống đối với người mang thai; Về lý thuyết cẩn thận nhất là tránh dùng vaccin cho người đang mang thai. Việc sử dụng các vaccin thương hàn loại tiêm nhìn chung không chống chỉ định khi mang thai, trừ phi người đó đã có phản ứng rõ rệt toàn thân hay dị ứng đối với những liều vaccin tiêm trước đây; tuy nhiên, chỉ nên dùng vaccin cho phụ nữ mang thai trong trường hợp thật cần thiết. Về lý thuyết, nói chung nên tránh dùng các vaccin sống giảm hoạt lực cho người mang thai hoặc những ai sẽ mang thai trong vòng 3 tháng tiêm vaccin. Các nhà sản xuất vaccin sống uống và vaccin tiêm ViCPS thông báo rằng các vaccin này chưa được nghiên cứu về khả năng sinh sản ở động vật nên còn chưa biết liệu vaccin có gây tổn hại đối với bào thai khi dùng cho phụ nữ mang thai hay không. Do đó, vaccin chỉ nên dùng cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết. Trong trường hợp có thể được thì nên hoãn tiêm vaccin cho đến 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây quái thai.

 

Thời kỳ cho con bú

Chưa rõ các vaccin thương hàn đường tiêm có phân bố vào sữa hay không hoặc việc truyền vaccin thương hàn vào trẻ còn bú mẹ có biểu hiện nguy cơ bất thường nào không. Mặc dù chưa có các số liệu đặc thù, nhìn chung không phải là chống chỉ định các vaccin bất hoạt cho trẻ bú mẹ bởi vì các vi khuẩn đã bị bất hoạt không còn khả năng nhân lên trong cơ thể. Cũng còn chưa rõ là liệu vaccin uống chứa vi khuẩn đã được làm giảm độc lực có gây ra nguy cơ nào cho người mẹ hoặc trẻ còn bú và có được phân bố vào sữa hay không. Mặc dầu, vi khuẩn trong vaccin sống có nhân lên trong cơ thể người mẹ nhưng hầu hết không phân bố vào sữa. Nhà sản xuất vaccin sống uống và vaccin vỏ ViCPS thông báo rằng hiện không có số liệu nào đảm bảo rằng dùng các vaccin này cho phụ nữ cho con bú là để truyền kháng thể thụ động cho trẻ.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Vaccin thương hàn vỏ polysacarid Vi

Các tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccin thương hàn ViCPS chỉ gây ra những phản ứng tại chỗ nhẹ và thoáng qua và hiếm khi kéo dài quá 48 giờ.

Các phản ứng tại chỗ bao gồm đau tại nơi tiêm, tăng cảm, hồng ban và căng cứng có thể xảy ra tại vị trí tiêm vaccin ViCPS. Ngứa, phát ban và dị cảm cũng đã được thông báo có gặp ở những người được tiêm phòng vaccin ViCPS.

Phản ứng sốt xảy ra dưới 2% ở những người được tiêm vaccin thương hàn ViCPS. Các phản ứng toàn thân khác đã được báo cáo xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi dùng vaccin bao gồm khó chịu/đau toàn thân: 4 - 37%, đau đầu: 11 - 27%, đau cơ: 2 - 28%, buồn nôn: 2 - 11%, ỉa chảy: 2 - 3%, sốt 3 - 10% và giảm hoạt động/ngủ lịm: 2 - 4% hoặc nôn mửa: 2% các trường hợp. Các triệu chứng đường hô hấp cũng đã được báo cáo xảy ra ở một vài người sau khi tiêm vaccin. Thể loại và mức độ nặng nhẹ của các tác dụng không mong muốn ở trẻ em tương tự như ở người lớn.

Vaccin thương hàn bất hoạt bằng nhiệt/phenol

Hầu hết những người được tiêm phòng vaccin bất hoạt nhiệt/phenol đều có các tác dụng không mong muốn tại chỗ và toàn thân ở các mức độ khác nhau, thường xảy ra 24 giờ sau khi tiêm và kéo dài trong 1 hoặc 2 ngày.

Tăng cảm, hồng ban và căng cứng thường gặp tại nơi tiêm, nhất là khi vaccin bất hoạt được tiêm trong da. Ðau nặng tại chỗ hoặc sưng tấy có thông báo gặp từ 6 - 60% trường hợp tiêm vaccin thương hàn.

Các phản ứng toàn thân bao gồm khó chịu, đau đầu, đau nhức cơ và sốt cũng có thể xảy ra khi tiêm vaccin này. Các phản ứng nghiêm trọng hơn (hạ huyết áp, sốc) đôi khi cũng có xảy ra.

 

Vaccin thương hàn sống uống

Các tác dụng không mong muốn đã được thông báo là hiếm gặp ở những người sử dụng vaccin sống uống và thường thoáng qua không cần xử trí đặc biệt. Trên thử nghiệm thực địa, tần suất các tác dụng không mong muốn được giám sát một cách khách quan, bao gồm đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa, sốt, đau đầu và phát ban, ở người lớn và trẻ em tuổi đến trường dùng vaccin thương hàn uống là tương đương so với nhóm chứng. Hơn nữa, vaccin uống dung nạp tốt hơn so với loại vaccin bất hoạt nhiệt/phenol tiêm. Sự lây truyền thứ phát vi khuẩn sống có trong vaccin không xảy ra bởi vì không thấy chủngSalmonella typhi Ty21a có khả năng sống trong phân của những người được tiêm chủng.

 

Liều lượng và cách dùng

Vaccin thương hàn ViCPS để tiêm bắp, không tiêm tĩnh mạch. Ở người lớn, tốt nhất là tiêm vào vùng cơ delta. Ở trẻ em, nên tiêm vào vùng cơ delta hoặc cơ đùi.

Ðể tạo miễn dịch cơ bản dùng vaccin thương hàn ViCPS với liều đơn 25 microgam (0,5 ml). Liều thường dùng cho người lớn và trẻ em 2 tuổi hoặc lớn hơn là 0,5 ml. Thời gian đáp ứng miễn dịch và lịch tiêm nhắc lại tối ưu của vaccin này còn chưa được xác định.

Vaccin loại bất hoạt nhiệt/phenol được tiêm dưới da hay tiêm trong da. Không được tiêm tĩnh mạch vaccin này. Ở người lớn và trẻ lớn, nên tiêm dưới da vùng cơ delta. Ở trẻ nhỏ nên tiêm dưới da đùi. Ở tất cả mọi người, tốt nhất là tiêm trong da ở mặt trong cánh tay. Không được tiêm vaccin vào gần mạch máu hoặc dây thần kinh. Tạo miễn dịch cơ bản bằng vaccin bất hoạt bao gồm 2 liều cách nhau 4 tuần lễ hoặc hơn. Trong những tình huống do không đủ thời gian cho 2 liều cách nhau 4 tuần hoặc hơn thì dùng 3 liều với khoảng cách hàng tuần; tuy nhiên, phác đồ này có thể kém hiệu quả. Liều thông thường của người lớn và trẻ trên 10 tuổi là 0,5 ml, tiêm dưới da; liều thông thường của trẻ em dưới 10 tuổi là 0,25 ml tiêm dưới da. Các liều tiêm củng cố nên dùng ít nhất 3 năm một lần nếu có nguy cơ phơi nhiễm liên tục hoặc lặp lại đối với bệnh thương hàn. Ngay cả trong những tình huống khi thời gian gián cách đã vượt quá 3 năm kể từ lần tạo miễn dịch cơ bản hay từ lần tiêm nhắc lại cuối cùng thì chỉ cần tiêm 1 liều đơn là đủ; không cần nhắc lại liều tạo miễn dịch cơ bản. Liều tiêm củng cố thường dùng ở người lớn và trẻ em trên 10 tuổi là 0,5 ml tiêm dưới da hoặc 0,1 ml tiêm trong da; liều củng cố thường dùng cho trẻ dưới 10 tuổi là 0,25 ml tiêm dưới da hoặc 0,1 ml tiêm trong da.

Loại vaccin thương hàn sống uống dùng dưới dạng nang bao tan trong ruột, phải nuốt cả nang với nước lạnh hoặc hơi ấm (nhiệt độ không quá 37oC) khoảng 1 giờ trước bữa ăn. Không được cắn vỡ nang và khi đặt nang vào mồm phải nuốt ngay, càng sớm càng tốt. Các nang vaccin cũng cần để trong tủ lạnh (2 - 8oC) trước khi đem uống, bởi có thể bị mất tác dụng khi để ở nhiệt độ ấm hơn; các viên chưa dùng đến nên đặt lại vào trong tủ lạnh.

Tạo miễn dịch cơ bản bằng loại vaccin này ở người lớn và trẻ em gồm cả thảy 4 liều, cách một ngày một lần (chẳng hạn vào các ngày chủ nhật, thứ ba, thứ năm, và thứ bẩy). Thời gian duy trì đáp ứng miễn dịch và phác đồ tối ưu uống củng cố còn chưa được thiết lập. Trong khi chờ các số liệu thu thập thêm, nên dùng các liều củng cố sau liệu trình tạo miễn dịch cơ bản ít nhất là 5 năm 1 lần nếu như liên tục có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh thương hàn.

 

Tương tác thuốc

Vaccin thương hàn tiêm loại bất hoạt bằng nhiệt/phenol nói chung có thể được tiêm vào một vị trí khác đồng thời (tức là cùng một ngày) hoặc trước hay sau các loại vaccin bất hoạt khác, hoặc một loại vaccin sống, mà không làm giảm đáp ứng miễn dịch đối với cả hai loại vaccin.

Các nghiên cứu đặc thù về mối tương tác thuốc khi dùng vaccin thương hàn ViCPS cùng với các vaccin khác trước khi đi du lịch (chẳng hạn như vaccin uốn ván, vaccin bại liệt, vaccin sốt vàng), cho đến nay chưa được tiến hành.

Vaccin sống nhạy cảm với tác dụng của các kháng sinh. Nhiều loại thuốc uống có thể giết chết các vi khuẩn này. Bởi vậy, khi dùng vaccin đường uống không nên dùng các loại thuốc uống khác.

Vaccin này không ảnh hưởng gì tới đáp ứng miễn dịch của vaccin sốt vàng; tuy nhiên ảnh hưởng của vaccin sốt vàng tới đáp ứng miễn dịch của vaccin thương hàn uống chưa được xác định.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8oC.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top