GIỚI THIỆU
Từ năm 1990, ngành Điều dưỡng Việt Nam được sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế đã phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực thực hành, quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo và sử dụng nhân lực có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và toàn cầu. Bộ Y tế phối hợp với Hội điều dưỡng Việt Nam đã xây dựng bộ “Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam” với sự hỗ trợ của Hội Điều dưỡng Canada và chuyên gia điều dưỡng của trường Đại học Kỹ thuật Queensland - Úc. Tài liệu này đã được các chuyên gia điều dưỡng trong nước, các nhà quản lý y tế và giáo dục điều dưỡng tham gia biên soạn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn năng lực điều dưỡng của các nước trong khu vực và trên thế giới.
TÓM TẮT NỘI DUNG CỦA “CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM”
Bộ Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam được cấu trúc theo khuôn mẫu chung của điều dưỡng khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN để đáp ứng yêu cầu của khu vực, và dễ so sánh với chuẩn năng lực điều dưỡng các nước. Tài liệu Chuẩn năng lực cơ bản Điều dưỡng Việt Nam được cấu trúc thành 03 lĩnh vực, 25 tiêu chuẩn và 110 tiêu chí.
Trong đó 03 lĩnh vực là: Năng lực thực hành lâm sàng gồm 15 tiêu chuẩn; Năng lực quản lý và phát triển nghề nghiệp gồm 8 tiêu chuẩn và năng lực pháp luật và đạo đức nghề nghiệp gồm 2 tiêu chuẩn.
Mỗi tiêu chuẩn thể hiện 1 phần của lĩnh vực và bao hàm 1 nhiệm vụ của người điều dưỡng. Mỗi tiêu chí là một thành phần của tiêu chuẩn. Một tiêu chí có thể áp dụng chung cho các tiêu chuẩn và các lĩnh vực.
Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam được biên soạn công phu, tham khảo nhiều tài liệu có giá trị. Chuẩn năng lực cơ bản Điều dưỡng Việt Nam đã được bộ trưởng Bộ Y tế ký duyệt và ban hành tại quyết định số 1352/QĐ - BYT ngày 24 tháng 4 năm 2012.
NỘI DUNG CHI TIẾT “CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM”
Lĩnh vực 1: NĂNG LỰC THỰC HÀNH CHĂM SÓC
Tiêu chuẩn 1: Thể hiện sự hiểu biết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật của các cá nhân, gia đình và cộng đồng
Tiêu chí 1: Xác định được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tình trạng sức khỏe của các cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 2: Giải thích được tình trạng sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chuẩn 2: Đưa ra các quyết định chăm sóc điều dưỡng phù hợp với nhu cầu của các cá nhân, gia đình và cộng đồng
Tiêu chí 1: Thu thập thông tin, phân tích và xác định các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 2: Ra các quyết định về chăm sóc cho người bệnh, gia đình và cộng đồng an toàn và hiệu quả.
Tiêu chí 3: Thực hiện các can thiệp điều dưỡng để hỗ trợ cá nhân, gia đình và cộng đồng đáp ứng với các vấn đề về sức khỏe/bệnh tật phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của người bệnh, gia đình người bệnh.
Tiêu chí 4: Theo dõi sự tiến triển của các can thiệp điều dưỡng đã thực hiện.
Tiêu chuẩn 3: Xác định ưu tiên dựa trên nhu cầu chăm sóc của người bệnh, gia đình và cộng đồng
Tiêu chí 1: Phân tích và xác định được những nhu cầu chăm sóc ưu tiên của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 2: Thực hiện các can thiệp chăm sóc đáp ứng nhu cầu chăm sóc ưu tiên của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chuẩn 4: Sử dụng quy trình điều dưỡng làm khung mẫu để lập kế hoạch chăm sóc và thực hiện các can thiệp điều dưỡng
Tiêu chí 1: Thực hiện nhận định người bệnh toàn diện và có hệ thống.
Tiêu chí 2: Tập hợp và ghi đầy đủ thông tin thích hợp vào hồ sơ điều dưỡng.
Tiêu chí 3: Phân tích và diễn giải các thông tin về người bệnh một cách chính xác.
Tiêu chí 4: Lập kế hoạch chăm sóc điều dưỡng dựa trên nhận định người bệnh và có sự thống nhất với đồng nghiệp, người nhà người bệnh về các vấn đề ưu tiên, sự mong muốn và kết quả mong đợi của người bệnh.
Tiêu chí 5: Giải thích các can thiệp cho người bệnh, gia đình người bệnh và thực hiện các can thiệp theo kế hoạch chăm sóc điều dưỡng, bảo đảm an toàn, thoải mái, hiệu quả cho người bệnh.
Tiêu chí 6: Hướng dẫn người bệnh, gia đình người bệnh các phương pháp tự chăm sóc một cách phù hợp.
Tiêu chí 7: Đánh giá kết quả của quá trình chăm sóc và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc dựa vào tình trạng sức khỏe người bệnh và kết quả mong đợi.
Tiêu chí 8: Thực hiện các công việc cần thiết để hỗ trợ người bệnh xuất viện.
Tiêu chí 9: Tuyên truyền giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cách phòng bệnh cho người bệnh.
Tiêu chuẩn 5: Tạo sự an toàn, thoải mái và kín đáo cho người bệnh
Tiêu chí 1: Thực hiện các biện pháp an toàn trong chăm sóc cho người bệnh.
Tiêu chí 2: Tạo môi trường chăm sóc thoải mái trong khi chăm sóc người bệnh.
Tiêu chí 3: Bảo đảm sự kín đáo trong khi chăm sóc người bệnh. Tiêu chuẩn 6: Tiến hành các kỹ thuật điều dưỡng đúng quy trình
Tiêu chí 1: Tuân thủ các bước của quy trình điều dưỡng trong phạm vi chuyên môn.
Tiêu chí 2: Thực hiện thành thạo kỹ thuật điều dưỡng.
Tiêu chí 3: Tuân thủ các quy định về vô khuẩn và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tiêu chuẩn 7: Dùng thuốc đảm bảo an toàn hiệu quả
Tiêu chí 1: Khai thác tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh.
Tiêu chí 2: Tuân thủ quy tắc khi dùng thuốc.
Tiêu chí 3: Hướng dẫn người bệnh dùng thuốc đúng và an toàn.
Tiêu chí 4: Phát hiện kịp thời và xử lý ban đầu các dấu hiệu của phản ứng có hại của thuốc và báo cáo kịp thời cho bác sĩ và điều dưỡng phụ trách.
Tiêu chí 5: Nhận biết sự tương tác thuốc giữa thuốc với thuốc và thuốc với thức ăn.
Tiêu chí 6: Đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc.
Tiêu chí 7: Ghi chép và công khai việc sử dụng thuốc cho người bệnh.
Tiêu chuẩn 8: Đảm bảo chăm sóc liên tục
Tiêu chí 1: Bàn giao tình trạng của người bệnh với nhóm chăm sóc kế tiếp một cách cụ thể, đầy đủ và chính xác.
Tiêu chí 2: Phối hợp hiệu quả với người bệnh, gia đình và đồng nghiệp để đảm bảo chăm sóc liên tục cho người bệnh.
Tiêu chí 3: Thiết lập các biện pháp để thực hiện chăm sóc liên tục cho người bệnh.
Tiêu chuẩn 9: Sơ cứu và đáp ứng khi có tình huống cấp cứu
Tiêu chí 1: Phát hiện sớm những thay đổi đột ngột về tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Tiêu chí 2: Ra quyết định xử trí sơ cứu, cấp cứu kịp thời và phù hợp.
Tiêu chí 3: Phối hợp hiệu quả với các thành viên nhóm chăm sóc trong sơ cứu, cấp cứu.
Tiêu chí 4: Thực hiện sơ cứu, cấp cứu hiệu quả cho người bệnh.
Tiêu chuẩn 10: Thiết lập được mối quan hệ tốt với người bệnh, gia đình và đồng nghiệp
Tiêu chí 1: Tạo dựng niềm tin đối với người bệnh, người nhà và thành viên trong nhóm chăm sóc
Tiêu chí 2: Dành thời gian cần thiết để giao tiếp với người bệnh, người nhà và thành viên trong nhóm chăm sóc
Tiêu chí 3: Lắng nghe và đáp ứng thích hợp những băn khoăn, lo lắng của người bệnh và người nhà người bệnh
Tiêu chuẩn 11: Giao tiếp hiệu quả với người bệnh và gia đình người bệnh
Tiêu chí 1: Nhận biết tâm lý, nhu cầu chăm sóc điều dưỡng qua những biểu hiện nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của người bệnh.
Tiêu chí 2: Giao tiếp hiệu quả với các cá nhân, gia đình và cộng đồng có các trở ngại về giao tiếp do bệnh tật, do những khó khăn về tâm lý.
Tiêu chí 3: Thể hiện lời nói, cử chỉ động viên, khuyến khích người bệnh an tâm điều trị.
Tiêu chí 4: Thể hiện sự hiểu biết văn hóa, tín ngưỡng trong giao tiếp với người bệnh, gia đình và nhóm người.
Tiêu chuẩn 12: Sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông và phương tiện nghe nhìn trong giao tiếp với người bệnh và gia đình người bệnh
Tiêu chí 1: Sử dụng các phương tiện nghe nhìn sẵn có để truyền thông và hỗ trợ giao tiếp với người bệnh, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 2: Sử dụng các phương pháp, hình thức giao tiếp hiệu quả và thích hợp với người bệnh và gia đình người bệnh.
Tiêu chuẩn 13: Cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh hiệu quả và phù hợp
Tiêu chí 1: Xác định những thông tin cần cung cấp cho người bệnh và gia đình.
Tiêu chí 2: Chuẩn bị về tâm lý cho người bệnh và gia đình trước khi cung cấp những thông tin “xấu”.
Tiêu chuẩn 14: Xác định nhu cầu và tổ chức hướng dẫn, giáo dục sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng
Tiêu chí 1: Thu thập và phân tích thông tin về nhu cầu hiểu biết của cá nhân, gia đình và cộng đồng về hướng dẫn, giáo dục sức khỏe.
Tiêu chí 2: Xác định nhu cầu và những nội dung cần hướng dẫn, giáo dục sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 3: Xây dựng kế hoạch giáo dục sức khỏe phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Tiêu chí 4: Xây dựng tài liệu giáo dục sức khỏe phù hợp với trình độ của đối tượng.
Tiêu chí 5: Thực hiện tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp, hiệu quả.
Tiêu chí 6: Đánh giá kết quả giáo dục sức khỏe và điều chỉnh kế hoạch giáo dục sức khỏe dựa trên mục tiêu và kết quả mong chờ.
Tiêu chuẩn 15: Hợp tác với các thành viên nhóm chăm sóc
Tiêu chí 1: Duy trì tốt mối quan hệ với các thành viên trong nhóm, coi người bệnh như một cộng sự trong nhóm chăm sóc.
Tiêu chí 2: Hợp tác tốt với các thành viên trong nhóm chăm sóc để đưa ra các quyết định phù hợp nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc.
Tiêu chí 3: Hợp tác tốt với các thành viên trong nhóm chăm sóc trong việc theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tiêu chí 4: Tôn trọng vai trò và quan điểm của đồng nghiệp.
Tiêu chí 5: Chia sẻ thông tin một cách hiệu quả với các thành viên trong nhóm chăm sóc.
Tiêu chí 6: Thực hiện vai trò đại diện hoặc biện hộ cho người bệnh để đảm bảo các quyền, lợi ích và vì sự an toàn của người bệnh.
Lĩnh vực 2: NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP
Tiêu chuẩn 16: Quản lý, ghi chép và sử dụng hồ sơ bệnh án theo quy định
Tiêu chí 1: Thực hiện các nguyên tắc quản lý hồ sơ bệnh án theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tiêu chí 2: Bảo mật thông tin ghi trong hồ sơ bệnh án và phiếu chăm sóc của người bệnh.
Tiêu chí 3: Ghi chép hồ sơ điều dưỡng đảm bảo tính khách quan, chính xác đầy đủ và kịp thời.
Tiêu chí 4: Sử dụng các dữ liệu thu thập được về tình trạng sức khỏe của người bệnh làm cơ sở để xây dựng chính sách và tạo thuận lợi cho việc chăm sóc người bệnh.
Tiêu chuẩn 17: Quản lý công tác chăm sóc người bệnh
Tiêu chí 1: Quản lý công việc, thời gian của cá nhân hiệu quả và khoa học.
Tiêu chí 2: Xác định các công việc hoặc nhiệm vụ cần hoàn thành theo thứ tự ưu tiên.
Tiêu chí 3: Tổ chức, điều phối, phân công và ủy quyền nhiệm vụ cho các thành viên của nhóm chăm sóc một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả.
Tiêu chí 4: Thể hiện sự hiểu biết về mối quan hệ giữa quản lý và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả để đảm bảo chất lượng chăm sóc và an toàn cho người bệnh.
Tiêu chí 5: Sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc người bệnh cũng như cập nhật kiến thức chuyên môn.
Tiêu chuẩn 18: Quản lý, vận hành và sử dụng các trang thiết bị y tế có hiệu quả
Tiêu chí 1: Thiết lập các cơ chế quản lý, phát huy tối đa chức năng hoạt động của các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho chăm sóc và điều trị.
Tiêu chí 2: Lập và thực hiện kế hoạch bảo trì phương tiện, trang thiết bị do mình phụ trách.
Tiêu chí 3: Vận hành các trang thiết bị, phương tiện sử dụng trong chăm sóc bảo đảm an toàn, hiệu quả và phòng tránh nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.
Tiêu chuẩn 19: Sử dụng nguồn tài chính thích hợp để chăm sóc người bệnh hiệu quả
Tiêu chí 1: Nhận biết được hiệu quả kinh tế khi sử dụng các nguồn lực sẵn có tại nơi làm việc để sử dụng thích hợp, hiệu quả.
Tiêu chí 2: Xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong chăm sóc người bệnh thuộc phạm vi phân công hiệu quả.
Tiêu chuẩn 20: Thiết lập môi trường làm việc an toàn và hiệu quả.
Tiêu chí 1: Tuân thủ các tiêu chuẩn và quy tắc về an toàn lao động.
Tiêu chí 2: Tuân thủ các chính sách, quy trình về phòng ngừa cách ly kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tiêu chí 3: Tuân thủ các quy định về kiểm soát môi trường chăm sóc (tiếng ồn, không khí, nguồn nước…)
Tiêu chí 4: Tuân thủ quy định về quản lý, xử lý chất thải.
Tiêu chí 5: Tuân thủ các bước về an toàn phòng cháy chữa cháy, động đất hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Tiêu chí 6: Thể hiện sự hiểu biết về những khía cạnh có liên quan đến sức khỏe nghề nghiệp và luật pháp về an toàn lao động.
Tiêu chuẩn 21: Cải tiến chất lượng chăm sóc và quản lý nguy cơ trong môi trường chăm sóc
Tiêu chí 1: Nhận thức được sự cần thiết về các hoạt động bảo đảm chất lượng, cải tiến chất lượng thông qua sự nghiên cứu, phản hồi và đánh giá thực hành thường xuyên.
Tiêu chí 2: Phát hiện, báo cáo và đưa ra các hành động khắc phục phù hợp các nguy cơ trong môi trường chăm sóc người bệnh.
Tiêu chí 3: Nhận phản hồi từ người bệnh, gia đình và các đối tượng liên quan để cải tiến chất lượng các hoạt động chăm sóc.
Tiêu chí 4: Áp dụng các phương pháp cải tiến chất lượng phù hợp.
Tiêu chí 5: Tham gia các hoạt động cải tiến chất lượng tại cơ sở.
Tiêu chí 6: Chia sẻ các thông tin liên quan đến tình trạng người bệnh với các thành viên trong nhóm chăm sóc.
Tiêu chí 7: Bình phiếu chăm sóc để cải tiến và khắc phục những tồn tại về chuyên môn và thủ tục hành chính.
Tiêu chí 8: Đưa ra những đề xuất phù hợp về các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh.
Tiêu chí 9: Sử dụng bằng chứng áp dụng vào thực hành chăm sóc để tăng cường sự an toàn trong chăm sóc người bệnh.
Tiêu chuẩn 22: Nghiên cứu khoa học và thực hành dựa vào bằng chứng
Tiêu chí 1: Xác định và lựa chọn các lĩnh vực và vấn đề nghiên cứu phù hợp, cần thiết và khả thi.
Tiêu chí 2: Áp dụng các phương pháp phù hợp để tiến hành nghiên cứu những vấn đề đã lựa chọn.
Tiêu chí 3: Sử dụng phương pháp thống kê thích hợp để phân tích và diễn giải dữ liệu thu thập được.
Tiêu chí 4: Đề xuất các giải pháp thích hợp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Tiêu chí 5: Trình bày, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm với đồng nghiệp, người bệnh và những người có liên quan.
Tiêu chí 6: Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực hành điều dưỡng. sử dụng các bằng chứng từ nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng thực hành chăm sóc điều dưỡng.
Tiêu chuẩn 23: Duy trì và phát triển năng lực cho bản thân và đồng nghiệp
Tiêu chí 1: Xác định rõ mục tiêu, nguyện vọng phát triển nghề nghiệp, nhu cầu học tập, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
Tiêu chí 2: Học tập liên tục để cập nhật kiến thức, kỹ năng và ứng dụng kiến thức đã học để nâng cao chất lượng thực hành chăm sóc điều dưỡng.
Tiêu chí 3: Tham gia vào các hoạt động của tổ chức nghề nghiệp.
Tiêu chí 4: Quảng bá hình ảnh của người điều dưỡng, thể hiện tác phong và tư cách tốt, trang phục phù hợp, lời nói thuyết phục và cách cư xử đúng mực.
Tiêu chí 5: Thể hiện thái độ tích cực với những đổi mới và quan điểm trái chiều, thể hiện sự lắng nghe các kiến nghị và đề xuất, thử nghiệm những phương pháp mới và thích nghi với những thay đổi.
Tiêu chí 6: Thực hiện chăm sóc theo các tiêu chuẩn thực hành điều dưỡng.
Tiêu chí 7: Đóng góp vào việc đào tạo nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp cho đồng nghiệp.
Tiêu chí 8: Đóng góp vào việc nâng cao vai trò, vị thế của người điều dưỡng, ngành điều dưỡng trong ngành Y tế và trong xã hội.
Lĩnh vực 3 :NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ THEO PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Năng lực 24: Hành nghề theo quy định của pháp luật
Tiêu chí 1: Hành nghề theo quy định của pháp luật liên quan đến y tế, quy định của Bộ Y tế và thực hành điều dưỡng.
Tiêu chí 2: Tuân thủ các quy định của cơ sở nơi làm việc.
Tiêu chí 3: Thực hiện tốt quy tắc ứng xử của đơn vị/tổ chức và luật định.
Tiêu chí 4: Ghi chép và bảo quản hồ sơ chăm sóc và tài liệu liên quan đến người bệnh, các vấn đề sức khỏe của người bệnh phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành chăm sóc
Tiêu chuẩn 25: Hành nghề theo Chuẩn đạo đức nghề nghiệp
Tiêu chí 1: Chịu trách nhiệm cá nhân khi đưa ra các quyết định và can thiệp chăm sóc.
Tiêu chí 2: Tuân thủ Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của quốc gia và quốc tế trong thực hành điều dưỡng.
Tiêu chí 3: Báo cáo những hành vi vi phạm với cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân về báo cáo đó.
ÁP DỤNG “CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM” VÀO CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH
Thực hành: Áp dụng “Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam” vào chăm sóc người bệnh
Bài tập
Học viên/nhóm học viên đưa ra một ví dụ về một kỹ thuật điều dưỡng;
Học viên/nhóm học viên suy nghĩ, thảo luận: Người điều dưỡng cần những năng lực nào để thực hiện hiệu quả, an toàn, kỹ thuật điều dưỡng trên người bệnh cụ thể.
Sử dụng “Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam” để xác nhận: mỗi năng lực (đã nêu ở trên) tương ứng (link) với tiêu chuẩn, tiêu chí nào?
Trình bày bài tập theo nhóm/cá nhân;
Thảo luận
Ví dụ minh họa: Kỹ thuật hút đờm cho người bệnh
Năng lực cần có (của điều dưỡng) khi thực hiện hút đờm cho người bệnh
Khi thực hiện hút đờm cho NB, người điều dưỡng cần có những năng lực như sau:
Hiểu rõ về bệnh lý của người bệnh.
Kỹ năng giao tiếp, giải thích với người bệnh/gia đình người bệnh; lắng nghe lo lắng của NB và GĐ.
Nhận định người bệnh; tình trạng NB trước khi hút đờm, nhu cầu cần hút đờm; yếu tố nguy cơ, sự lây nhiễm khi hút đờm.
Nhận định dụng cụ, yêu cầu vô khuẩn của dụng cụ, an toàn khi sử dụng máy,…
Hiểu rõ quy trình, thực hiện được /hoặc thành thạo quy trình hút đờm.
Kỹ năng nhận định phát hiện diễn biến bất thường khi hút đờm; Chọn biện pháp xử trí cần thiết.
Ghi chép hồ sơ, báo cáo/chia sẻ thông tin vè người bệnh với nhóm làm việc
Quy định pháp lý về thực hiện kỹ thuật với điều dưỡng
Quy định đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện kỹ thuật …
Điểm quan trọng: Nếu điều dưỡng có nhiều trải nghiệm, sẽ thể hiện được mức cao của “năng lực”. Các điều dưỡng ít kinh nghiệm (mới), chỉ có thể đưa ra được một số năng lực cần có cho kỹ năng.
Sơ đồ 1. Hình dung về năng lực cần thiết khi thực hiện kỹ thuật hút đờm
Sử dụng “Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam” để xác nhận: mỗi năng lực cần có của điều dưỡng khi thực hiện kỹ thuật hút đờm (đã liệt kê ở trên ) tương ứng (link) với tiêu chuẩn, tiêu chí nào trong “Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam”.
Hiểu rõ về bệnh lý của người bệnh (CNL 1.1)
Kỹ năng giao tiếp, giải thích với người bệnh/ gia đình người bệnh (CNL 4.5; 4.6; 10.2; 11.3).
Nhận định người bệnh; tình trạng NB trước khi hút đờm, nhu cầu cần hút đờm; yếu tố nguy cơ, sự lây nhiễm khi hút đờm (CNL 2.1; 4.1; 4.3; 6.1).
Nhận định dụng cụ, yêu cầu vô khuẩn của dụng cụ, an toàn khi sử dụng máy (CNL 5.1; 6.3; 20.4).
Hiểu rõ quy trình, thực hiện được /hoặc thành thạo quy trình hút đờm (CNL 6.1; 6.2; 18.3; 20.4).
Kỹ năng nhận định phát hiện diễn biến bất thường khi hút đờm; Chọn biện pháp xử trí cần thiết (CNL 4.7; 9.1; 9.2).
Ghi chép hồ sơ, báo cáo/ chia sẻ thông tin về người bệnh với nhóm làm việc (CNL 4.2; 15.3; 16.3).
Quy định pháp lý về thực hiện kỹ thuật với điều dưỡng (CNL 24.1)
Quy định đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện kỹ thuật (CNL 25.1; 25.2)
Điểm quan trọng: Có thể một số nội dung/năng lực ở kỹ thuật nào đó sẽ không xác nhận được tiêu chuẩn/tiêu chí tương đương trong "Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam", điều này cũng không sao, học viên cần hiểu rằng "Chăm sóc" bao gồm/được hình thành từ nhiều tiêu chuẩn/tiêu chí khác nhau.
ÁP DỤNG “CHUẨN NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM” VÀO ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA ĐIỀU DƯỠNG
Hướng dẫn học viên sử dụng Bảng đánh giá năng lực theo chuẩn năng lực của điều dưỡng Việt Nam
Học viên đọc, thảo luận những nội dung chưa hiểu rõ theo Bảng đánh giá năng lực theo chuẩn năng lực của điều dưỡng Việt Nam (Phụ lục 2 - Chương trình đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới).
Học viên tự đánh giá bản thân theo Bảng đánh giá năng lực theo chuẩn năng lực của điều dưỡng Việt Nam
Trao đổi, thảo luận sau khi tự đánh giá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Y tế (2012). Quyết định số 1352/QĐ-BYT ngày 24 tháng 4 năm 2012 về việc phê duyệt tài liệu “Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam”.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh