✴️ Canh châu

Nội dung

Canh châu (kim châu) không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn được sử dụng để phòng – chữa bệnh. Với tác dụng dược lý đa dạng, dược liệu này được sử dụng để phòng – điều trị thủy đậu, ghẻ lở, rôm sảy, mụn nhọt nổi do nhiệt. Ngoài ra, lá của cây canh châu còn được nấu để uống vào mùa hè nhằm giải khát và thanh nhiệt.

hình ảnh cây canh châu

Cây canh châu không chỉ được trồng để làm cảnh mà còn được sử dụng để phòng – chữa bệnh

  • Tên gọi khác: Kim châu, Chanh châu, Sơn minh trà, Trân châu, Tước mai đằng.

  • Tên khoa học: Sageretia Theezans

  • Họ: Táo ta (danh pháp khoa học: Rhamnaceae)

 

Mô tả dược liệu canh châu

1. Đặc điểm cây canh châu

Canh châu là loài thực vật nhỏ. Cành thường có gai ngắn, cứng, cành non được phủ lông mịn. Lá phía dưới mọc cách, lá phía trên mọc đối xứng, phiến lá hình trái xoan hoặc hình bầu dục, lá cứng và dài. Mép lá hơi có răng, rộng 8 – 35mm, dài 10cm.

hình ảnh cây canh châu

Hình ảnh cây canh châu – Hoa mọc thành chùm dài khoảng 2.5 – 5cm và có màu trắng xanh nhạt

Hoa mọc ở kẽ lá hoặc ở ngọn, thường mọc thành chùm dài 2.5 – 5cm. Khi còn non, hoa được phủ lông mịn, đài hoa có màu trắng xanh nhạt. Quả hình cầu, khi chín chuyển sang màu tím đen, đường kính khoảng 4 – 6mm.

2. Bộ phận dùng

Quả canh châu ăn được và được sử dụng như một loại trái cây thông thường. Ngoài ra, nhân dân sử dụng rễ, lá và cành canh châu để làm thuốc dược liệu.

3. Phân bố

Cây được trồng và mọc hoang ở các địa phương thuộc miền Bắc và miền Trung nước ta, ít thấy ở miền Nam. Ngoài ra, canh châu còn phân bố ở miền Nam Trung Quốc.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái quanh năm, sau khi hái về đem sấy hoặc phơi khô để dùng dần. Tuy nhiên theo quan niệm dân gian, nên thu hái rễ vào mùa đông, riêng lá và cành nên thu hái vào mùa xuân hạ.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Chưa có nghiên cứu.

 

Vị thuốc canh châu

1. Tính vị

Vị chua, hơi ngọt.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng phòng ngừa sởi và thủy đậu ở trẻ nhỏ.

  • Lá tươi của cây được nấu lấy nước tắm rửa chữa ghẻ lở và ngứa da.

  • Mùa hè, nhân dân thường lấy lá nấu thành nước uống thay nước trà.

  • Lá non của cây còn được sử dụng để nấu canh ăn.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hiện tại dược liệu canh châu chỉ được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên các nghiên cứu còn rất hạn chế.

4. Cách dùng – liều lượng

Canh châu được sử dụng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài (ngâm rửa, giã đắp). Nếu dùng uống trong thời gian dài, bạn nên tham vấn y khoa để được hiệu chỉnh liều lượng cho phù hợp.

 

Một số bài thuốc từ dược liệu canh châu

hình ảnh cây canh châu

Lá của canh châu được sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh sởi, ngứa da do ghẻ nước, rôm sảy,…

1. Bài thuốc chữa ghẻ nước

  • Chuẩn bị: Cành lá 1 nắm to.

  • Thực hiện: Rửa sạch, đem nấu nước sau đó đợi nước nguội bớt rồi ngâm rửa. Thực hiện cho đến khi vùng da phục hồi và giảm ngứa ngáy.

2. Bài thuốc trị mụn nhọt do nhiệt, rôm sảy gây ngứa ngáy, sưng đỏ

  • Chuẩn bị: Hạ khô thảo 20g, cành và lá canh châu 24g, lá đơn đỏ 10g, bồ công anh 20g và rễ cỏ xước 20g.

  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, sau đó đem sắc với 750ml nước đến khi còn 200ml. Mỗi lần 100ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc trong vòng 5 ngày.

3. Bài thuốc chữa vết thương hở gây chảy máu (áp dụng đối với vết thương nhỏ và không quá sâu)

  • Chuẩn bị: Lá đuôi tôm và lá canh châu mỗi vị 20g, đinh hương 1 nụ.

  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, để ráo nước rồi giã nát đắp vào vết thương. Thực hiện đến khi vết thương liền miệng thì ngưng.

4. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh sởi

  • Chuẩn bị: Cam thảo dây 8g, sắn dây 12g, lá và cành canh châu 20g, hoắc hương 8g, hương nhu 8g, tầm gửi cây khế 18g.

  • Thực hiện: Đem các vị rửa sạch rồi sắc với 400ml còn lại 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày. Đồng thời dùng lá canh châu nấu nước tắm hằng ngày.

5. Bài thuốc thúc sởi mọc nhanh

  • Chuẩn bị: Rễ canh châu 30g.

  • Thực hiện: Thái mỏng, đổ thêm 500ml nước vào sắc còn 300ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 3 lần.

6. Bài thuốc trị trẻ nhỏ lên canh châu

  • Chuẩn bị: Canh châu 12 – 16g.

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào nồi, đổ vào khoảng 300 – 400ml sắc còn 200ml. Mỗi lần uống 100ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc từ 1 – 2 ngày.

7. Trà canh châu giúp giải khát và phòng ngừa sởi

  • Chuẩn bị: Lá vối và canh châu.

  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống hằng ngày.

 

Kiêng kỵ – Lưu ý khi sử dụng cây canh châu

  • Không dùng bài thuốc uống từ canh châu cho người đại tiện lỏng và có tỳ vị hư hàn.

  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu.

Hiện tại, cây canh châu chỉ được sử dụng trong các bài thuốc dân gian. Do đó chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh của dược liệu này. Để tránh tình trạng phụ thuộc và áp dụng bài thuốc không có hiệu quả, bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top