ĐẠI CƯƠNG
Hạ bạch cầu là một trong những biến chứng hay gặp trên những người bệnh đang hóa trị. Đặc biệt là những người bệnh hóa trị với phác đồ mạnh
Hạ số lượng bạch cầu chung hay hạ bạch cầu đa nhân trung tính được chia làm 5 mức độ theo tổ chức y tế thế giới. Độ I: số lượng bạch cầu hạt trên 1,5 G/L; Độ II số lượng bạch cầu hạt từ 1,0 - 1,5 G/ L; Độ III số lượng bạch cầu hạt từ 0,5 - 1, 0 G/ L; Độ IV số lượng bạch cầu hạt < 0,5 G/L. Độ IV: người bệnh tử vong do hạ bạch cầu
CHỈ ĐỊNH
Những người bệnh bị hạ bạch cầu từ độ II trở lên trước hoặc sau hóa trị
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Khi không có hạ bạch cầu. Khi hạ bạch cầu đi kèm giảm tiểu cầu nặng (số lượng tiểu cầu dưới 25.000) thì có phác đồ riêng
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Người bệnh được hóa trị phải được giám sát bởi bác sĩ nội khoa ung bướu. Bác sĩ cần phải hiểu rõ cơ chế tác dụng, hiệu quả, các độc tính của các thuốc trong công thức hóa trị sắp được chỉ định cho người bệnh
Điều dưỡng thực hiện Y lệnh tiêm truyền do bác sĩ chuyên khoa ung bướu chỉ định (tên thuốc, liều lượng, dung dịch pha loãng thuốc, lượng dịch, tốc độ truyền…) cần phải hiểu những tác dụng phụ của hóa trị, cùng với bác sĩ xử trí và hướng dẫn người bệnh. Cùng với bác sĩ giải thích để người bệnh yên tâm, không quá lo lắng, hốt hoảng và thông báo sớm cho bác sĩ, điều dưỡng khi có triệu chứng khác thường xảy ra.
Người bệnh
Được giải thích rõ hiệu quả cũng như các tác dụng phụ không mong muốn có thể sẽ xảy ra trong suốt quá trình điều trị, thông báo sớm cho bác sĩ hoặc điều dưỡng khi có triệu chứng khác thường xảy ra.
Người bệnh phải được xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận và máu trước mỗi đợt hóa trị
Phương tiện, thuốc men
Thuốc kích thích tăng sinh dòng bạch cầu đa nhân và bạch cầu hạt
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng nấm
Thuốc hạ sốt
Dung dịch nuôi dưỡng hỗ trợ ...
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ, phải có đầy đủ các xét nghiệm về máu, chức năng đông máu (nếu hạ cả tiều cầu), huyết tủy đồ (nếu có suy tủy). Các xét nghiệm này cần được làm hàng ngày hoặc cách ngày tùy theo mức độ hạ
Kiểm tra người bệnh: lấy mạch, nhiệt độ huyết áp, xem có biểu hiện nhiễm trùng ở bộ phận hay cơ quan nào không (tai mũi họng tiêu hóa, tiết niệu, da và niêm mạc...)
Thực hiện kỹ thuật tiêm truyền các thuốc hóa chất như thông thường khi các xét nghiệm trong phạm vi cho phép
Ngừng hóa trị khi có hạ bạch cầu độ II trở đi
Hạ bạch cầu có biến chứng nhiễm trùng:
Vừa có hạ bạch cầu vừa có sốt (>3805C)
Xét nghiệm máu để có chính xác số lượng bạch cầu chung và đặc biệt là bạch cầu hạt
Xác định vị trí cơ quan hoặc ổ nhiễm trùng bằng lâm sang kết hợp với các xét nghiệm như chụp phổi, khám tai mũi họng, xét nghiệm nước tiểu, phân…
Tiêm dưới da thuốc kích thích tăng sinh dòng bạch cầu hạt Filgratim liều 5mg/kg/ngày, cần xét nghiệm máu hàng ngày để quyết định số lượng thuốc cần dùng (ngừng tiêm khi số lượng bạch cầu đa nhân trung tính lên tối thiểu 2000 G/L)
Hạ sốt (paracetamol) khi nhiệt độ trên 3805 C
Kháng sinh (tùy theo cơ quan, vị trí bị nhiễm trùng)
Kháng nấm nếu có nhiễm nấm
Cần nhắc người bệnh giữ vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống đủ chất, vệ sinh ăn uống
Hạ bạch cầu chưa có biến chứng nhiễm trùng
Xét nghiệm máu để có chính xác số lượng bạch cầu chung và đặc biệt là bạch cầu hạt.
Chỉ định tiêm dưới da thuốc kích thích tăng sinh dòng bạch cầu hạt Filgratim cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể (ưu tiên cho những người bệnh thuộc nhóm nguy cơ nhiễm khuẩn cao như đã nêu phần đầu, người bệnh đang được điều trị triệt căn mà hóa trị đóng vai trò là vũ khí chính như các bệnh ung thư hệ tạo huyết, ung thư vú, ung thư buồng trứng, tinh hoàn…, cần phải đảm bảo đúng lịch trình hóa trị. Filgratim liều 5mg/kg/ngày, cần xét nghiệm máu hàng ngày để quyết định số lượng thuốc cần dùng (ngừng tiêm khi số lượng bạch cầu đa nhân trung tính lên tối thiểu 2000 G/L).
Chỉ định kháng sinh hay kháng nấm cũng tùy từng trường hợp cụ thể
Cần nhắc người bệnh giữ vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống đủ chất
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi
Các xét nghiệm máu như công thức máu toàn phần cần được làm hàng ngày hoặc cách ngày tùy theo mức độ hạ
Kiểm tra người bệnh: lấy mạch, nhiệt độ huyết áp, xem có biểu hiện nhiễm trùng ở bộ phận hay cơ quan nào không (tai mũi họng tiêu hóa, tiết niệu, da và niêm mạc...)
Xử trí tai biến
Chủ yếu là theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng của hạ bạch cầu nặng như nhiễm trùng, suy tủy...
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh