✴️Bất đồng nhóm máu mẹ con là gì?

Nội dung

Nhắc đến bất đồng nhóm máu mẹ con, người ta thường nhắc đến hệ nhóm máu Rh, gây nên bệnh lý tán huyết dị miễn dịch ở thai nhi và trẻ sơ sinh (Hemolytic disease of fetus and newborn – HDFN).

 

(1) Khi nào thì có sự bất đồng?

Khi một kháng thể trong người mẹ có khả năng gắn lên kháng nguyên trên hồng cầu của đứa con

 

(2) Vậy có phải trường hợp nào có kháng thể “bất đồng” như vậy đều gây nên HDFN?

Không phải như vậy, giữa mẹ và con là cả một hàng rào nhau thai phức tạp. Chỉ có kháng thể nào kích thước đủ nhỏ mới có thể đi qua được.

 

(3) Vậy kháng thể này đã có sẵn hay khi mang thai mới có?

Tuỳ trường hợp, với hệ nhóm máu ABO, kháng thể anti-A/ anti-B là kháng thể tự nhiên, và có sẵn trong cơ thể người mẹ. Hầu hết các nhóm máu còn lại (bao gồm Rh) đều là kháng thể miễn dịch, hình thành qua quá trình “dị miễn dịch” – nghĩa là phải phơi nhiễm với kháng nguyên thì mới hình thành được.

 

(4) Giữa mẹ và con có hàng rào nhau thai phức tạp, làm sao một hồng cầu của đứa bé “to” như vậy lại có thể đi qua được hàng rào này để vào cơ thể người mẹ mà kích thích sinh đáp ứng miễn dịch?

75% các thai kỳ ghi nhận có sự “vượt rào” của máu con đi vào máu mẹ ở một thời điểm nào đó trong “9 tháng 10 ngày” do: nứt vỡ (không triệu chứng) bánh nhau/ khi chuyển dạ/ trong lúc sinh. Có thể dự đoán tỷ lệ này tăng dần theo thời gian thai kỳ: 3% ở quý I, 12% ở quý II, 45% ở quý III, 64% ở lúc sinh.

 

(5) Vậy bất đồng nhóm máu ABO của mẹ - con có nghiêm trọng không?

May quá là không nghiêm trọng lắm, nhiều nhất thì là chiếu đèn chứ hiếm khi phải thay máu. Tuy nhiên, do kháng thể Anti-A và anti-B ở mẹ O là kháng thể tự nhiên, có sẵn trong cơ thể mẹ từ trước khi mang thai, nên có thể gây ra tai biến ngay ở lần mang thai đầu tiên.

Ở lần sinh tiếp theo, 88% sẽ xảy ra HDFN trở lại nếu đứa con sau cũng cùng nhóm máu A, có thể nặng hơn nhưng cũng hiếm khi đến mức nghiêm trọng. Phải theo dõi chuyên khoa để xử lý!

 

* Điều trị thiếu máu tán huyết ở trẻ do bất đồng nhóm máu

Phát hiện và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng. Các phương pháp điều trị đặc hiệu là chiếu đèn và thay máu. Các phương pháp điều trị hỗ trợ là duy trì đủ dịch, năng lượng và điều trị những yếu tố nguy cơ có thể làm nặng thêm tình trạng vàng da như nhiễm trùng, sử dụng thuốc gây tán huyết, ngạt,...

 

Phương pháp chiếu đèn

Là phương pháp điều trị hiệu quả, chi phí thấp, được chỉ định cho tất cả trẻ vàng da tăng bilirubin gián tiếp trên 13mg%. Có thể dùng đèn ánh sáng trắng hoặc ánh sáng xanh, bước sóng 420-480 nm, phân bố đều 55-6 Uw/cm2/nm, để cách xa trẻ 50cm. Năng lượng ánh sáng sẽ giúp chuyển bilirubin trực tiếp thành dạng đồng phân không độc hoặc gián tiếp có thể đào thải ra ngoài. Khi chiếu đèn, đặt trẻ trong lồng ấp, không mặc quần áo, che mắt và bộ phận sinh dục, cho ánh sáng chiếu trực tiếp lên da trẻ. Khoảng 3 giờ cho trẻ đổi tư thế một lần, chiếu tiếp tục cho tới khi mức bilirubin gián tiếp giảm xuống mức bình thường.

Phương pháp thay máu

Thay máu được chỉ định khi: Trẻ có dấu hiệu vàng da do bất đồng nhóm máu nặng: vàng da sậm lòng bàn tay, bàn chân, bú kém hoặc bỏ bú, có triệu chứng thần nhiễm độc thần kinh. Và bilirubin gián tiếp của trẻ cao trên 20 mg% ở trẻ > 2 kg hoặc >10 mg% ở trẻ <1kg.

Lựa chọn nhóm máu tùy thuộc vào nhóm máu mẹ và con, lượng máu thay từ 160-200 ml/kg, tức gấp đôi lượng máu của trẻ. Phải đảm bảo vô trùng khi thay máu, kiểm tra kỹ máu trước khi thay, ngâm ấm bịch máu, tiêm thuốc an thần nếu trẻ bị kích thích. Trong quá thay máu, theo dõi chặt chẽ thân nhiệt, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, đề phòng các tai biến có thể xảy ra như sốc, rối loạn tuần hoàn, hạ thân nhiệt, tắc mạch do khí, nhiễm trùng,...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top