✴️ Những điều cần biết về bệnh viêm dây thần kinh số 3

Dây thần kinh số 3 hay còn gọi là dây thần kinh vận nhãn. Đây là một trong 12 dây thần kinh sọ của cơ thể con người đảm nhận chức năng vận động chủ yếu là hoạt động vận nhãn, điều khiển các cơ mặt đưa nhãn cầu vào trong, lên, xuống, tạo cử động mắt, mở mí mắt. Vì một số nguyên nhân khiến dây thần kinh số 3 bị tổn thương như viêm dây thần kinh, liệt dây thần kinh, teo dây thần kinh… Cùng tìm hiểu bệnh viêm dây thần kinh số 3 ngay trong bài viết dưới đây?

 

1. Viêm dây thần kinh số 3 là gì?

Dây thần kinh số 3 hay còn gọi là dây thần kinh vận nhãn và thuộc dạng dây thần kinh vận động. Đây là một trong 12 dây thần kinh sọ não của con người.

Cấu tạo dây thần kinh số 3: xuất phát từ trung não, chạy ra phía trước và nằm ở thành ngoài của xoang tĩnh mạch hàng, đi đến khe ổ mắt trên và chạy vào ổ mắt. Tại ổ mắt chia thành hai nhánh là nhánh trên và nhánh dưới.

Chức năng dây thần kinh số 3: đảm nhận chức năng vận động một số cơ mặt để đưa nhãn cầu vào trong và lên, xuống tạo cử động mắt, mở mí mắt, nâng mi. Ngoài ra, dây thần kinh số 3 còn cũng có chức năng của hệ thần kinh thực vật – hệ phó giao cảm là phản xạ co đồng tử (con ngươi) khi đồng tử tiếp xúc với ánh sáng.

Viêm dây thần kinh số 3 còn gọi bằng các tên khác như rối loạn dây thần kinh số 3, hội chứng chèn ép dây thần kinh số 3, đau dây thần kinh số 3,…

Dây thần kinh số 3 hay còn gọi là dây thần kinh vận nhãn

 

2. Nguyên nhân gây viêm ở dây thần kinh số 3

Có rất nhiều nguyên nhân, việc xác định chính xác nguyên nhân gây viêm dây thần kinh vận nhãn là rất quan trọng giúp định hướng và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Khi nghiên cứu về bệnh này, người ta cho rằng nguyên nhân có thể do một số yếu tố sau:

– Khối u ở não, viêm não, nhồi máu não, chảy máu cuống não gây chèn ép dây thần kinh số 3 và dẫn tới tổn thương dây thần kinh số 3. Đây là nguyên nhân thường hay gặp nhất, gây tình trạng tổn thương dây thần kinh số 3.

– Rối loạn chuyển hóa, ứ đọng sản phẩm chuyển hóa trong não, dây thần kinh bị thiếu oxy hay máu nuôi dưỡng, thường gặp trong các trường hợp biến chứng do bệnh tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch,…gây nên.

– Các chấn thương do tai nạn làm tác động đến nền sọ hay tác động do phẫu thuật thẩm mỹ bị lỗi, tuổi tác

– Nhiễm siêu vi: siêu vi có thể đi theo con đường thông qua hạch mi, đến dây thần kinh vận nhãn (dây thần kinh số 3) và làm tổn thương các tế bào thần kinh của dây.

Ngoài ra, cũng có thể do một số nguyên nhân khác hiếm gặp hơn.

 

3. Dấu hiệu nhận biết dây thần kinh số 3 bị viêm

3.1 Đau vùng mắt

Đây là triệu chứng điển hình khi dây thần kinh số 3 bị viêm. Vốn dĩ dây thần kinh có cấu trúc rất nhạy cảm với những tổn thương dù là tổn thương rất nhỏ. Triệu chứng đau như một cơ chế phòng vệ của cơ thể, là “tín hiệu” quan trọng giúp cơ thể cảnh giác và có các biện pháp xử trí kịp thời.

Đau cảm giác như châm chích, kèm tê bì. Cơn đau có thể xảy ra hoặc tăng cường độ khi người bệnh cử động mắt hoặc khi có ánh sáng chiếu thẳng vào mắt. Cảm giác đau thường mơ hồ, không xác định được chính xác vị trí, do đó người bệnh thường mô tả là đau vùng mắt.

3.2 Sụp mi do viêm dây thần kinh số 3

Mi mắt của người bị tổn thương dây thần kinh số 3 sẽ sụp xuống thấp hơn so với bình thường. Mí mắt có thể che một phần con ngươi làm giảm khả năng nhìn của người bệnh.

Người bệnh bị sụp mi do liệt dây thần kinh số 3

 

3.3 Giãn đồng tử

Khi dây thần kinh số 3 bị tổn thương sẽ khiến đồng tử giãn to hơn mức bình thường (đồng tử bình thường to khoảng 2-3 mm) và người đối diện thường có cảm giác mắt của người bệnh có vẻ to hơn.

3.4 Lé ngoài (lác mắt ra ngoài)

Mắt người bệnh hơi lệch về phía ngoài so với vị trí bình thường khiến 2 mắt ở tình trạng không thẳng hàng khi ở tư thế nguyên phát (nhìn thẳng về phía trước).

3.5 Không xoay được mắt hoàn toàn về một hướng

Tổn thương dây thần kinh vận nhãn gây yếu/liệt các cơ vận nhãn khiến mắt không thể xoay hoàn toàn về một hướng.

3.6 Liệt điều tiết

Khả năng điều tiết của mắt bị giảm khi tổn thương dây thần kinh số 3. Người bệnh thường than phiền mắt nhìn mờ, giảm thị lực.

3.7 Rối loạn chức năng quy tụ

hìn đôi (nhìn 1 thành 2), liệt vận nhãn,…

 

4. Chẩn đoán và điều trị viêm dây thần kinh vận nhãn

4.1 Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đi thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để xác định nguyên nhân. Bởi đây có thể là dấu hiệu của tình trạng đột quỵ hoặc khối u trong não,… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Viêm dây thần này lâu ngày có thể gây liệt, teo dây thần kinh số 3 khiến hoạt động của cơ mắt không nhịp nhàng, dần dần gây giảm thị lực, phản xạ đồng tử kém tăng nguy cơ mù lòa.

Liệt dây thần kinh số 3 còn ảnh hưởng tới thẩm mĩ khuôn mặt của người bệnh, do đó người bệnh cần đi khám để điều trị càng sớm, càng tốt.

4.2 Chẩn đoán viêm dây thần kinh vận nhãn như thế nào? 

Đau là một triệu chứng điển hình, qua thăm khám lâm sàng với bác sĩ có thể kiểm tra hoạt động vận nhãn, phản xạ đồng tử mắt.

Tiếp theo là một số thăm khám cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính não (chụp MSCT não) để kiểm tra khối u, chèn ép,… hoặc có thể chụp cộng hưởng từ MRI để kiểm tra dây thần kinh, mô xung quanh,…

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chọc dò xét nghiệm dịch não tủy khi nghi ngờ nguyên nhân là do nhiễm trùng gây ra.

4.3 Điều trị viêm dây thần kinh số 3 bằng cách nào? 

Hiện nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp điều trị phổ biến khi dây thần kinh số 3 bị chèn ép tạm thời và các triệu chứng sẽ hết sau khi người bệnh được nghỉ ngơi hay điều trị hợp lý. Một số loại thuốc giảm đau thần kinh, thuốc kháng viêm, giảm phù nề được chỉ định để giảm bớt các phản ứng viêm và chèn ép. Trong trường hợp đau do nguyên nhân nhiễm trùng chủ yếu dùng thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và một số thuốc giảm đau để hỗ trợ.

Lưu ý, các loại thuốc và liều lượng cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám kỹ lưỡng bằng các phương pháp y khoa. Người bệnh tuyệt đối không sử dụng thuốc một cách tùy tiện vì có thể “lợi bất cập hại”.

Nếu nguyên nhân gây viêm dây thần kinh là do có khối u chèn ép, bác sĩ có thể xem xét các biện pháp điều trị khác.

 

5. Phòng tránh tình trạng viêm ở dây thần kinh số 3 bằng cách nào?

– Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

– Duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn lành mạnh: Tăng cường ăn các chất chống oxy hóa, chứa nhiều vitamin E, D giúp tăng cường hệ miễn dịch của hệ thần kinh như: cá biển, các loại hạt, sữa, trái cây họ nho, dâu.

– Tránh stress, lo lắng căng thẳng

– Thăm khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ nội thần kinh và kiểm tra các chỉ số đường huyết, mỡ máu, huyết áp,..

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm dây thần kinh số 3 để phòng tránh hoặc nhận biết một cách hiệu quả. Hãy nhớ rằng việc thăm khám chuyên khoa nội thần kinh là vô cùng cần thiết giúp chẩn đoán chính xác và điều trị sớm, hiệu quả căn bệnh này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top