Trong những năm qua, ghép tủy xương đã làm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và tỷ lệ sống sót lâu dài cho các bệnh nhân bị bệnh máu ác tính. Nhưng sau khi đã ghép thành công, vượt qua các rủi ro và biến chứng của ghép TBGTM, một số BN lại tái phát bệnh máu ác tính. Trong nhiều năm, lựa chọn điều trị duy nhất mang lại hy vọng chữa khỏi cho các bệnh nhân này là ghép tủy lần 2. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng sau ghép lần thứ hai là rất lớn. Vì vậy việc truyền tế bào lympho của người hiến là một chiến lược phù hợp để điều trị trong các tình huống khó khăn này.
Mục tiêu của truyền lympho người hiến là làm thuyên giảm bệnh ung thư bằng hiệu ứng mảnh ghép chống u (GVT: Graft versus tumor), trong đó các tế bào lympo của người hiến tấn công và kiểm soát sự phát triển của các tế bào ung thư. Bác sĩ điều trị sẽ liên hệ với người hiến TBGTM để bắt đầu quy trình thu thập tế bào lympho, tương tự như quy trình thu thập TBGTM ban đầu. Sau khi các tế bào này được thu thập, chúng sẽ được truyền vào cơ thể người nhận. Trước khi thực hiện DLI, bệnh nhân có thể cần điều trị hoá chất tiêu chuẩn để giảm tải lượng tế bào ung thư.
Chỉ định truyền tế bào lympho của người hiến cho các bệnh ung thư máu tái phát sau ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài như: bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML), bệnh bạch cầu cấp tính (AML, ALL), bệnh bạch cầu lympho mãn tính (CLL), loạn sản tủy (MDS), non-Hodgkin lymphoma, bệnh Hodgkin, bệnh đa u tủy xương.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi truyền tế bào lympho của người hiến:
Bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ (GvHD: Graft versus host disease) thường đi kèm với hiệu ứng mảnh ghép chống lại khối u. Trong GvHD, tế bào lympho từ người hiến coi cơ thể của người nhận là ngoại lai và các tế bào này sẽ tấn công cơ thể bệnh nhân. GvHD có thể ảnh hưởng đến da, gan và đường ruột. GvHD đôi khi đe dọa đến tính mạng và thường phải nhập viện để điều trị. Điều trị GvHD thường dùng thuốc ức chế miễn dịch như Corticosteroid, nếu không đáp ứng sẽ phối hợp với các thuốc khác. GvHD và các thuốc kiểm soát tác dụng phụ này thường gây ức chế miễn dịch làm cho bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao, thậm chí có thể gây tử vong.
Một tác dụng phụ khác có thể gặp phải là ức chế tủy xương, dẫn đến giảm số lượng các tế bào máu. Trong hầu hết các trường hợp, tuỷ xương tự hồi phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp, cần có sự trợ giúp của các thuốc kích bạch cầu, kích hồng cầu. Nếu tình trạng không được giải quyết, có thể cần truyền máu hoặc tiểu cầu.
Tóm lại: DLI là giải pháp cứu giúp cho các bệnh nhân ung thư máu tái phát sau ghép TBGTM đồng loài, với quy trình không quá phức tạp và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được. Quá trình điều trị cần theo dõi sát để phát hiện các biến chứng và xử lý kịp thời.