✴️ Vị thuốc Gáo

Nội dung

Tên tiếng Việt: Gáo nam, Gáo

Tên khoa họcNauclea orientalis (L.) L.

Tên đồng nghĩa: Sarcocephalus cordatus (Roxb.) Miq.

Họ: Rubiaceae (Cà phê)

Công dụng: Vỏ khô sắc uống dùng chữa sốt.

A. Mô tả cây 

  • Cây gỗ to cao, cành non màu nâu đậm, nhẵn, sau màu xám trắng.
  • Phiến lá hình trái xoan, dài 8-25cm. Tù ở đỉnh, tròn và hình tim ở gốc phiến lá, màu lục bóng ở mặt trên, màu nâu nhạt ở mặt dưới. Cuống khía rãnh ở mặt trên, lá kèm hình trái xoan, dài hay bầu dục, tù và tròn ở đỉnh. Hoa tập trung thành hình đầu, đơn độc ở đầu cành. Hoa vàng hay trắng vàng, mùi thơm. Đài 5, tròn ở đỉnh, nhẵn, ống dài nhẵn, ngắn. Tràng 5, hình bầu dục ngược, nhẵn, ống tràng hơi có lông ở họng. Nhị 5, đính vào họng tràng, chỉ rất ngắn, bao phấn tù ở đỉnh. Bầu 2 ô, nhiều noãn.
  • Quả dính lại với nhau thành một khối, hình cầu, mỗi quả 2 ô, mỗi ô chứa 5-8 hạt. Hoa nở vào tháng 3, quả chín vào tháng 7.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây phân bố ở khắp nước ta, nhiều ở miền Nam. Thường thích ẩm và thấy mọc ở khe suối, chân đồi.
  • Thường nhân dân bóc vỏ cây dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Có nơi lấy cả gỗ, chẻ nhỏ phơi khô, có màu vàng nhạt vị rất đắng.
  • Ở nước ta có nơi khai thác vỏ và gỗ cây Sarcocephalus officinalis Pierre với tên Hoàng bá (thực tế là cây khác-xem vị này). Tại vùng Tây châu Phi thuộc Xuđăng người ta dùng vỏ cây Sarcocephalus esculentus Afz. với tên đuanđakê (douandake) làm thuốc bổ, chữa sốt gần như vỏ cây canhkina do đó vỏ cây này còn mang tên vỏ canhkina châu Phi. Ở nước Ghinê người ta còn dùng vỏ cây S. pobeguini.

C. Thành phần hóa học

  • Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
  • Theo Heckel và Schlagdenhauffeen (1883-1885) trong vỏ cây Sarcocephalus esculentus có chứa ancaloit tên là dounkakin nhưng nhiều tác giả tìm lại không thấy (Em.Pertoi-Matières premieres’usuelỉes du règne végétai, 1943-1944, tome 2, 2062)

D. Công dụng và liều dùng

  • Vỏ gáo được nhân dân dùng làm thuốc chữa sốt dưới dạng thuốc sắc với liều 10-16g.
  • Có thể dùng gỗ gáo thái mỏng, cũng sắc như vỏ gáo.

Đơn thuốc có vỏ gáo

Chữa xơ gan cổ trướng :

  • Vỏ gáo, cỏ sữa lớn lá, cỏ xước toàn cây. Ba vị bằng nhau, mỗi vị 10g. sắc uống trong ngày. Dùng liền trong 10-15 ngày (Kinh nghiệm nhân dân).
  • Gỗ gáo được đóng đồ đạc thông thường.

Chú thích:

  • Ở nước ta còn một cây khác cũng tên là gáo hay phây vi, hoặc theo có tên khoa học là Anthocephalus indicus A. Rich, cùng họ Cà phê (Rubiaceae). Đây cũng là cây gỗ lớn, mọc thẳng đứng tán hình chóp. Cành non có cạnh, màu nâu sẫm, sau tròn, màu xám.
  • Lá hình trái xoan, thuôn hay hình trứng, nhọn đầu, bóng và nâu đậm ở mặt trên, nâu sáng ở mặt dưới, dai cuống lá dai, mặt trên phẳng, lá kèm hình giáo dễ rụng. Hoa tập trung thành hình đầu, tròn, đơn độc ở đầu cành.
  • Hoa màu da cam. Đài 5, tù, nhẵn, tràng 5, nhẵn, tiền khai lợp, ống tràng hẹp, nhẵn hơi loe ra ở phía trên, nhị 5, chỉ nhị rất ngắn dính vào họng tràng, bao phấn có mũi dài. Bầu có 4 ô đỉnh, ở gốc thì 2 ô, nhiều noãn. Quả khô, dai gốc hơi nạc.
  • Hạt màu đen nhạt, có cạnh phôi cuộn, nội nhũ nạc. Hoa nở vào tháng 3, quả chín vào tháng 9-10. Một số thành phố dùng trồng làm bóng mát, gỗ màu trắng dùng xây dựng hay đóng đồ đạc. Một số vùng như Quảng Ninh (Tiên Yên) dùng sắc vỏ chữa sốt, chữa ho, thuốc bổ. Tại Ấn Độ nhân dân cũng dùng vỏ làm thuốc và thuốc bổ.
  • Lá sắc dùng súc miệng, quả chát dùng chữa đi ỉa lỏng. Vỏ còn dùng nhuộm đen, màu bền.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top