Ghép tế bào gốc tạo máu thường được ứng dụng trong điều trị ung thư và một số bệnh lý nguy hiểm khác.

Ghép tế bào gốc tạo máu là gì?

Ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT- Hematopoietic Stem Cell Transplantation) là hình thức truyền tế bào gốc tạo máu vào tĩnh mạch nhằm mục đích thiết lập lại việc sản sinh tế bào máu cho người bệnh có hệ thống miễn dịch hoặc tủy xương bị khiếm khuyết hay tổn thương. Tế bào gốc tạo máu đa năng thường được lấy từ máu ngoại vi, tủy xương hoặc máu dây rốn, để tái tạo và tạo ra các tế bào bình thường. 

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp hiện đại nhưng cần đánh giá kỹ trước khi thực hiện để tránh rủi ro. Do đó, HSCT thường chỉ được áp dụng cho những ca bệnh đe dọa đến tính mạng. Ngày nay, kỹ thuật này đã được dùng rộng rãi hơn khi mức độ an toàn gia tăng. Trong nửa thế kỷ qua, ghép tế bào gốc tạo máu đã được dùng với tần suất nhiều hơn, giúp chữa trị nhiều căn bệnh không ác tính và ác tính. 

 

Ghép tế bào gốc tạo máu chữa được những bệnh gì? 

Ghép tế bào gốc tạo máu được áp dụng để chữa trị các bệnh lý ác tính hoặc không ác tính, điển hình gồm có: 

  • Bệnh ác tính: Bệnh bạch cầu myeloid mạn tính, bệnh bạch cầu myeloid cấp tính, bệnh bạch cầu myelomonocytic vị thành niên, bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính, ung thư hạch không hodgkin (kháng trị, tái phát), u lympho hodgkin (kháng trị, tái phát), u nguyên bào thần kinh, bệnh đa u tủy, ewing sarcoma, hội chứng thần kinh đệm, u thần kinh đệm, điều trị hỗ trợ các khối u rắn khác.
  • Bệnh không ác tính: Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, thalassemia, thiếu máu không tái tạo, mucopolysaccharidosis, thiếu máu fanconi, hội chứng suy giảm miễn dịch, hemoglobin niệu kịch phát về đêm, các căn bệnh tự miễn dịch (bao gồm đa xơ cứng).

 

Nguồn tế bào gốc tạo máu đến từ đâu?

Các nguồn tế bào gốc tạo máu phổ biến:

  • Tủy xương: Ở trường hợp cấy ghép tủy xương, các tế bào gốc tạo máu sẽ được lấy từ xương chậu của người cho. Bác sĩ sẽ dùng kim chuyên dụng để hút tủy xương. Kỹ thuật này còn được gọi là thu hoạch tủy xương, tiến hành dưới hình thức gây mê toàn thân.
  • Tế bào gốc máu ngoại vi:
  • Tế bào gốc tạo máu chỉ tồn tại một số lượng rất thấp ở máu ngoại vi. Bác sĩ dùng thuốc kích bạch cầu và tế bào gốc tạo máu từ tủy xương ra máu ngoại vi bằng cách tiêm dưới da người bệnh các liều thuốc theo quy định.  
  • Quá trình thu thập tế bào gốc máu ngoại vi từ máu và truyền trả lại các thành phần tế bào máu được gọi là apheresis.
  • Máu cuống rốn:
  • Máu cuống rốn được thu thập ngay sau khi sản phụ sinh em bé. Sau đó được xử lý và cất đông ở nhiệt độ âm sâu. Khi người bệnh có chỉ định điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu, người ta có thể tìm kiếm các đơn vị máu cuống rốn phù hợp đang lưu trữ tại các Ngân hàng tế bào gốc thuộc các bệnh viện.  
  • Ngày nay, với sự phát triển của y học, dịch vụ lưu trữ tế bào gốc máu từ cuống rốn ra đời, giúp lưu trữ sẵn nguồn tế bào gốc tạo máu từ cuống rốn và dễ dàng tăng sinh phục vụ điều trị bệnh khi cần.

 

Các phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu

Ghép tế bào gốc tạo máu có thể được thực hiện theo hai phương pháp đang được ứng dụng phổ biến: 

Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài

Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài là phương pháp dùng tế bào gốc tạo máu từ người cùng hoặc không cùng huyết thống để truyền cho người bệnh, gồm những hình thức sau đây:

  • Ghép tế bào gốc cùng huyết thống (cha/mẹ/anh/chị/em ruột) có HLA hoàn toàn phù hợp:
  • Hình thức ghép tế bào gốc này luôn là sự lựa chọn đầu tiên, vì giúp làm giảm nguy cơ ghép chống chủ (tế bào của người cho có biểu hiện phản ứng với người nhận). Bên cạnh đó, cha/mẹ/anh/chị/em ruột còn là nguồn sẵn sàng hiến thêm tế bào gốc nếu cần.
  • Nhược điểm của phương pháp trên là cơ hội tìm thấy người cho tế bào gốc phù hợp có hạn. Vì theo quy mô gia đình (thường chỉ có 2 người con) và quy luật di truyền, ước tính chỉ 25 – 30% người bệnh sẽ tìm thấy người cho tế bào gốc là anh/chị/em ruột sở hữu HLA phù hợp hoàn toàn.
  • Hiện nay, chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu đã được mở rộng cho người lớn tuổi. Thế nhưng, nếu người cho tế bào gốc là anh/chị/em ruột cũng đã lớn tuổi thì việc cấy ghép sẽ gặp trở ngại. Vì sức khỏe của người hiến tặng có thể không được đảm bảo.
  • Ghép tế bào gốc không cùng huyết thống có HLA phù hợp:
    • Ghép tế bào gốc không cùng huyết thống có HLA phù hợp đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Vì nhu cầu người bệnh cần ghép tế bào gốc tạo máu cao nhưng lại không có người hiến tặng cùng huyết thống hoặc có nhưng HLA không phù hợp hay tuổi đã cao/sức khỏe yếu.
    • Với sự hỗ trợ của kỹ thuật xác định nhóm HLA hiện đại, người ta có thể tìm kiếm người cho không cùng huyết thống, phù hợp HLA. Vì vậy, hiệu quả lâm sàng giữa ghép cùng và không cùng huyết thống đã không còn có nhiều sự khác biệt, dù là ở người bệnh nhi hay lớn tuổi.

​​​​​​​

  • Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp (haplotype):
  • Ghép phù hợp một nửa hay phù hợp không hoàn toàn hệ nhóm HLA là kiểu ghép cho phép tìm nguồn người cho dễ dàng hơn. Người cho trong trường hợp này có thể cùng huyết thống hay không cùng huyết thống. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ vì khả năng ghép thành công bị hạn chế so với trường hợp ghép phù hợp hoàn toàn.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân

Khi thực hiện phương pháp này, khối tế bào gốc tạo máu của người bệnh sẽ được thu thập, lưu trữ. Sau đó, bác sĩ sẽ truyền trả lại khi đã kết thúc điều kiện hóa nhằm mục đích phục hồi các tế bào máu. 

 

Quy trình ghép tế bào gốc tạo máu 

Quy trình ghép tế bào gốc tạo máu ở mỗi phương pháp sẽ có điểm khác nhau. Dưới đây là các bước tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và tự thân cơ bản: 

Quy trình thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài 

Về cơ bản, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài là hình thức truyền tế bào gốc của người hiến tặng có sự tương thích với người bệnh. Các bước thực hiện gồm có:

  • Bước 1: Kiểm tra độ tương thích: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra độ tương thích tế bào gốc giữa người nhận và người cho thông qua hình thức xét nghiệm HLA. Thông qua cách xét nghiệm HLA, bác sĩ có thể biết kháng nguyên bạch cầu của người hiến tặng có phù hợp với người bệnh hay không. Nếu có sự phù hợp thì sẽ tiến hành thực hiện bước 2.
  • Bước 2: Kiểm tra sức khỏe: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của người cho tế bào gốc và người bệnh để xét điều kiện thực hiện thủ thuật cấy ghép. Các xét nghiệm gồm có phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tim, kiểm tra chức năng thận, phổi, gan và một số bệnh truyền nhiễm.
  • Bước 3: Tiến hành chuẩn bị khối tế bào gốc:
    • ​​​​​​​Thông thường, bác sĩ sẽ chọn dùng nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi. Người cho sẽ được tiêm thuốc kích bạch cầu, khi đạt đủ số lượng tế bào thì tiến hành thao tác thu thập tế bào gốc. Tiếp đó, bác sĩ thực hiện tách tế bào gốc bằng máy. Tế bào gốc phải được lưu trữ trong điều kiện nito lỏng ở -196 độ C. Ở điều kiện 2 – 8 độ C thì tế bào gốc chỉ lưu trữ được trong 72 giờ.
    • Trong lúc chuẩn bị tế bào gốc, bác sĩ sẽ đồng thời điều trị điều kiện hóa cho người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ chữa trị điều kiện hóa phù hợp với thể trạng của người bệnh.
  • Bước 4: Truyền tế bào gốc: Sau khi kết thúc việc điều trị điều kiện hóa, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật truyền tế bào gốc.
  • Bước 5: Theo dõi người bệnh: Người bệnh cần ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi sức khỏe sau khi ghép tế bào gốc tạo máu. Qua đó, bác sĩ sẽ kịp thời xử trí những biến chứng tiềm ẩn nếu có. Khi bác sĩ đánh giá người bệnh đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe thì có thể xuất viện.  

Quy trình thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân

Như đã đề cập ở trên, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là hình thức lấy chính tế bào gốc của người bệnh ghép lại cho chính họ, các bước thực hiện cơ bản như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị tế bào gốc:
  • ​​​​​​​Bác sĩ sẽ chọn nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi, tủy xương hoặc máu cuống rốn. Trong đó, máu ngoại vi là nguồn lấy tế bào gốc phổ biến hơn cả.
  • Người bệnh sẽ được tiêm thuốc kích bạch cầu, sau đó tiến hành thu thập tế bào gốc khi đạt đủ số lượng. Tiếp theo, bác sẽ sĩ sử dụng máy để tách tế bào trong túi tế bào gốc. Tế bào gốc phải được lưu trữ trong nito lỏng ở -196 độ C. Trường hợp lưu trữ ở 2 – 3 độ C thì chỉ bảo quản được 72 giờ.
  • Bước 2: Điều trị điều kiện hóa cho người bệnh: Tùy loại bệnh và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chữa trị khác nhau. 
  • Bước 3: Truyền tế bào gốc: Sau khi kết thúc việc chữa trị điều kiện hóa, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc. Trong quá trình ghép tế bào gốc tạo máu cho người bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để có thể kịp thời xử trí nếu xuất hiện biến chứng bất lợi.
  • Bước 4: Theo dõi người bệnh sau khi ghép tế bào gốc: Người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi cũng như đánh giá hiệu quả truyền tế bào gốc. Người bệnh có thể về nhà khi bác sĩ đánh giá đủ điều kiện xuất viện. 
return to top