Nguyên nhân gây khô da ở trẻ em
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể bị khô da giống như người lớn. Trên thực tế, do da của trẻ nhỏ rất mỏng và mềm mại nên càng dễ trở nên khô hơn và làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc, chậm lớn.
Khí hậu lạnh, không khí khô và các thiết bị sưởi có thể khiến làn da mất đi độ ẩm tự nhiên khi bước sang mùa đông. Đối với những trẻ dễ mắc chứng khô da, da của chúng thậm chí vẫn sẽ trở nên nứt nẻ vào mùa hè bởi ánh nắng mặt trời, điều hòa nhiệt độ, thành phần muối và chlorine có trong nước bể bơi cũng là những tác nhân khiến da trẻ đã khô lại càng khô hơn.
Các biện pháp giúp giảm khô da ở trẻ em
Không cho trẻ tắm quá lâu
Việc tắm quá lâu khiến cho da của trẻ dễ bị khô do nước sẽ loại bỏ các chất dầu tự nhiên trên da kèm theo bụi bẩn và tế bào chết. Tuy nhiên, theo bác sỹ Seth Orlow thuộc khoa da liễu nhi tại bệnh viện Đại học Y New York, miễn là bạn lưu ý để mắt tới trẻ một chút, việc tắm hàng ngày đối với trẻ không gây ra một vấn đề gì quá lớn và thậm chí còn giúp bé lớn lên.
Do vậy, bạn có thể tắm cho trẻ hàng ngày và thay vì cho trẻ tắm tới 30 phút, hãy giảm bớt thời gian tắm chỉ khoảng 10 phút. Chỉ nên sử dụng nước ấm – không phải nước nóng – kèm theo xà phòng hoặc dầu tắm cho trẻ em. Các loại xà phòng và dầu tắm cho trẻ em nên sử dụng loại không có nước hoa, không chứa thành phần tẩy rửa quá mạnh và tốt nhất là các loại có nguồn gốc tự nhiên. Một số loại nước dược thảo (trà xanh, hoa cúc, sài đất, lá kinh giới...) cũng được khuyến cáo sử dụng cho trẻ, nhưng nên tránh các loại thảo dược có tính acid cao (như chanh) vì có thể gây hại cho làn da mỏng manh của trẻ.
Không nên để trẻ ngâm mình trong bồn tắm chứa đầy nước xà phòng hoặc dầu tắm quá lâu. Sử dụng các loại dầu tắm để làm sạch và mềm da có vẻ như là một lựa chọn đúng đắn, tuy nhiên cần lưu ý vì những loại dầu này có thể khiến bồn tắm trở nên trơn trượt và gây nguy hiểm cho trẻ.
Bôi kem dưỡng ẩm
Khi trẻ đã tắm xong, hãy nhanh chóng lau khô người cho bé một cách nhẹ nhàng bằng một chiếc khăn bông rồi bôi kem dưỡng ẩm ngay lập tức. Việc bôi các loại chất dưỡng ẩm ngay sẽ giúp giữ lại một lượng nước nhỏ vẫn còn sót lại trên da sau khi tắm.
Nếu da của trẻ vẫn bị khô ngay cả khi đã bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày, hãy thử chuyển sang dùng một loại kem dưỡng thể khác hoặc một loại kem dưỡng ẩm đặc hơn. Kem dạng thuốc mỡ có tác dụng giữ ẩm da tốt nhất, tuy nhiên chúng rất trơn nhờn. Do vậy chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ và xoa nhẹ lên da. Các loại kem dưỡng ẩm thông thường khi bôi thường sẽ không gây ra cảm giác nhờn trên da.
Bạn có thể cân nhắc việc bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ 2 lần/ngày – một lần sau khi tắm và một lần bất kỳ trong ngày. Nếu trẻ tỏ ra không quá thích thú với việc phải bôi kem suốt ngày, hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách cho trẻ nghe một bài hát hoặc xem một bộ phim yêu thích trong khi bạn làm việc này. Khi trẻ đã đủ lớn, hãy hướng dẫn trẻ cách tự bôi kem để hình thành thói quen giúp bảo vệ da hàng ngày.
Không nên để nước chứa muối hay chlorine bốc hơi trên da trẻ
Thành phần chlorine và muối có trong nước bể bơi có thể khiến da trẻ trở nên cực kỳ khô rát, khó chịu. Do vậy, sau khi bơi ở bể bơi hay ở biển, hãy cho trẻ tráng người bằng nước sạch, sau đó bôi ngay kem dưỡng khi da trẻ vẫn còn đang ẩm.
Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm
Nếu không khí trong nhà quá khô, bạn có thể sử dụng một thiết bị phun sương tạo độ ẩm để giúp da trẻ bớt bị khô.
Bù đủ nước cho trẻ
Da khô thiếu đi độ ẩm cần thiết. Do vậy, hãy cho trẻ uống nhiều nước để bù lại phần nước đã bị bốc hơi trên da (nếu trẻ còn nhỏ, hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức trong vòng ít nhất 6 tháng, trừ khi bác sỹ có chỉ định khác).
Cần hết sức lưu ý rằng, việc uống nhiều nước sẽ không đem lại tác dụng nếu như bạn không kèm theo dưỡng ẩm da cho trẻ. Việc này sẽ giống như là đổ nước vào một cái xô thủng. Nếu không sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ nước, ngay cả uống nhiều nước thì da của trẻ vẫn bị khô như thường.
Bảo vệ trẻ khỏi một số yếu tố môi trường
Vào mùa đông, hãy cho trẻ đeo găng tay để giữ cho tay khỏi bị khô và cóng. Ngoài ra, bất kể vào mùa nào thì bạn cũng nên có những biện pháp bảo vệ trẻ khỏi tác động của gió, nóng và ánh nắng mặt trời.
Tránh sử dụng những thành phần gây khô hay gây kích ứng
Không nên bôi các loại phấn bột hay nước hoa lên da trẻ, đồng thời cân nhắc kỹ càng để sử dụng các sản phẩm giặt khô không mùi hoặc các chất giặt tẩy thiên nhiên.
Nếu da của trẻ thuộc loại đặc biệt nhạy cảm, khi giặt quần áo cho trẻ nên lưu ý xả thật sạch để phòng cặn xà phòng còn sót lại. Cân nhắc không nên sử dụng các loại chất làm mềm vải.
Ngoài ra, không nên cho trẻ mặc những quần áo quá chật hoặc chất liệu quá thô ráp. Nên nhớ rằng một số loại chất liệu như lên cũng có thể gây kích ứng đối với làn da khô.
Bạn cần lưu ý chăm sóc móng tay cho trẻ bằng cách cắt ngắn và làm sạch thường xuyên để không làm tổn thương da khi trẻ bị ngứa và cào gãi da.
Khô da có thể là dấu hiệu của bệnh nào khác
Nếu trên da trẻ xuất hiện những mảng đỏ rất ngứa, rất có thể trẻ đang bị mắc bệnh eczema hay còn gọi là viêm da dị ứng. Đôi khi bệnh eczema có thể tự khỏi bằng cách sử dụng các chất dưỡng ẩm thông thường, do vậy bạn cũng không cần thiết phải gọi bác sỹ ngay trừ khi các vết chàm không được cải thiện hoặc nếu trẻ cảm thấy vô cùng ngứa ngáy, khó chịu.
Trong một số trường hợp hiếm, khô da có thể là triệu chứng của một căn bệnh di truyền hiếm gặp có tên là bệnh vảy cá (ichthyosis). Bệnh vảy cá là một bệnh lý của da biểu hiện bằng da khô như vảy cá, đặc biệt ở tay và cẳng chân. Trong trường hợp này, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
Đưa trẻ đi khám
Khi đưa trẻ đi khám định kỳ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ về những biện pháp giúp ngăn ngừa khô da cho trẻ.
Hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay trong trường hợp bạn nghi ngờ trẻ có những triệu chứng của eczema (không được cải thiện) và bệnh da vảy cá.
Ngoài ra khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu trên da khác cũng cần thiết phải được can thiệp ngay, bao gồm nhiễm trùng da, mụn mủ, mụn nước trên da hoặc có những mảng sưng tấy xung quanh vết nứt trên da.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh