Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là bệnh của động mạch đi nuôi tim, xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp lại và bị các mảng bám bên trong mạch máu cản trở. Lúc này, động mạch sẽ trở nên cứng và hẹp hơn chứ không có sự đàn hồi và mềm mại như ban đầu.

Theo thời gian, nếu bệnh mạch vành trở nặng sẽ khiến máu lưu thông kém và khó khăn hơn. Hệ lụy của nó chính là không cung cấp đủ oxy và máu cho tim nên người bệnh xuất hiện các cơn đau thắt ngực và bị nhồi máu cơ tim.

 

Nguyên nhân

Bệnh mạch vành xảy ra do sự lắng đọng cholesterol trong máu gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng này bị viêm mãn tính. Khi bị viêm, cơ thể sẽ tự sản sinh phản ứng viêm khiến cho một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch được huy động về đây để làm liền cho vết thương. 

Theo thời gian, các tế bào này sẽ kết dính với calci và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa ở trên thành mạch. Các mảng này có thể bong lên hoặc dày hơn rồi lại làm tổn thương động mạch. Không những thế, khi các mảng ấy nứt vỡ chúng còn tăng dần về kích thước và tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu. Đến lúc đạt kích thước đủ lớn, nó khiến cho toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn và kết quả chính là cơn nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, bệnh động mạch vành cũng có thể có nguyên nhân không phải do xơ vữa: Bệnh này thường hiếm gặp. Các bệnh lý nhóm này bao gồm các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến động mạch vành, dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát... Các bệnh viêm nhiễm động mạch vành như bệnh Kawasaki, bệnh tắc động mạch vành do cục tắc từ nơi khác bắn đến, co thắt động mạch vành không liên quan xơ vữa...

 

Dấu hiệu, biến chứng và những ai có nguy cơ mắc bệnh động mạch

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là các yếu tố đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Những nghiên cứu cho thấy, các bệnh tim mạch thường gặp liên quan đến các yếu tố nguy cơ mang tính hành vi như: Hút thuốc lá, chế độ ăn và lười vận động thể lực... Điểm đặc biệt là các yếu tố nguy cơ thường đi cùng nhau và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân, dẫn đến khả năng bị bệnh và bị bệnh sớm.

Bệnh mạch vành có nguy cơ cao với:

- Người hút thuốc, ít hoạt động thể chất, thừa cân, thể trạng béo.

- Người có các bệnh lý: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, tăng mỡ máu.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tim mạch.

Những người có các yếu tố nguy cơ bên trên cần khám và kiểm tra định kỳ để điều trị và quản lý bệnh tốt nhất giúp hạn chế mắc bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu nhận biết sớm nhất và là triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành. Đau có thể thoáng qua, gây khó thở nhưng có khi bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực. Đau có thể sau xương ức, tim, giữa ngực hoặc lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái. Thời gian cơn đau xuất hiện thường rất ngắn, 10 – 30 giây hoặc vài phút. Một số trường hợp, cơn đau kéo dài trên 15 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm thì có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

Một số triệu chứng bệnh tim mạch vành khác như:

- Người bệnh thấy hồi hộp, hụt hơi.

- Thường xuyên chóng mặt, hoảng hốt.

- Mệt ở ngực, xuất hiện cơn đau ngực kèm theo buồn nôn.

Người bệnh tim mạch vành có thể bị tử vong ngay lập tức hoặc trong vài giờ động mạch vành bị tắc nghẽn, trước khi xuất hiện nhồi máu cơ tim. Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt bởi các cơn đau thắt ngực triền miên cùng nhiều biến chứng mạn tính như: Suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim.

 

Phương pháp điều trị và cách phòng ngừa

Điều trị các căn bệnh liên quan đến mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu tăng cường cung cấp máu cho tim, giảm triệu chứng và kéo dài đời sống người bệnh, bao gồm:

- Điều trị cơ bản trong tất cả các giai đoạn của bệnh là thay đổi lối sống và dùng thuốc.

- Điều trị can thiệp gồm có nong, đặt stent mạch vành và mổ bắc cầu mạch vành

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh mạch vành, các biện pháp được khuyến cáo bao gồm:

- Từ bỏ thuốc lá.

- Hoạt động thể chất đều và vừa sức.

- Nếu có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, huyết áp, cholesterol cao thì cần kiểm soát tốt các yếu tố này.

- Có chế độ ăn khoa học, lành mạnh gồm: giàu chất xơ, trái cây và ngũ cốc; ít muối, ít chất béo.

- Hạn chế hoặc quản lý tốt tình trạng căng thẳng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top