✴️ Vị thuốc Nguyệt quý

Nội dung

A. Mô tả

Cây gỗ nhỏ, cao 2-8m, vỏ hơi trăng trắng. Lá kép lông chim lẻ, có 5-9 lá chét mọc so le, nguyên, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn ở gốc, bóng láng, dai, có gân chính nổi rõ. Hoa lớn màu trắng vàng, thơm, thành xim ít hoa ở nách lá hay ở ngọn cây. Quả đỏ, nạc, hình cầu hay hình trứng, có đài tồn tại, với 1-2 hạt hơi hoá gỗ.

B. Bộ phận dùng

Rễ và lá – Radix et Folium Murrayae Paniculatae, thường có tên là Cửu lý hương.

C. Nơi sống và thu hái

Cây mọc hoang trong các rừng còi, cũng thường được trồng làm cảnh và làm hàng rào vì có hương thơm. Trồng bằng hạt. Thu hái rễ và lá quanh năm. Hoa và quả có khi cũng được dùng, thu hái vào mùa khô, dùng tươi hay phơi khô.

D. Tính vị, tác dụng

Vị cay, đắng, hơi ấm; có tác dụng gây tê, trấn kinh, giải biểu tiêu viêm, khư phong hoạt lạc; lá cũng kích thích và thu liễm.

E. Công dụng

  • Thường dùng trị: Đòn ngã tổn thương, phong thấp đau xương; Đau dạ dày và đau răng; Ỉa chảy, kiết lỵ; Sâu bọ và rắn cắn. Còn được dùng trị dịch viêm não và gây tê cục bộ. Ngày dùng 9-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, ngâm lá tươi để rửa đắp tại chỗ.
  • Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ rễ nghiền ra để ăn và sát lên những chỗ đau của cơ thể, bột lá dùng đắp vết thương và vết đứt; nước sắc lá dùng uống trị phù; lá cũng được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ; vỏ thân và rễ cũng được dùng trị ỉa chảy.

F. Đơn thuốc:

  1. Đau phong thấp: Nguyệt quý, rễ Bông ổi, rễ Móng bò (Champion) mỗi vị 15g, nấu súp với thịt mà ăn hoặc ngâm rượu uống.
  2. Đau nhức răng: Vỏ thân hoặc lá tươi nhai, ngậm.
  3. Bổ phổi: 5-8g hoa sao khô sắc uống.
  4. Ho có đờm: 8-16g lá khô sao vàng sắc uống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top