TÓM TẮT
Dù còn tiếp tục tranh cãi về tác dụng giảm đau của châm cứu, nhưng có một thực tế là việc sử dụng châm cứu để kiểm soát đau ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. 80% trong 129 quốc gia được khảo sát hiện có sử dụng châm cứu. Việc sử dụng châm cứu ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 1997 đến 2007. Đồng thời, những năm gần đây, những nghiên cứu cơ sở của châm cứu cũng đang nhanh chóng mở rộng. Nhờ vào những khám phá về giải phẫu sinh lý vào cuối thế kỷ 19 và đặc biệt những hiểu biết gần đây về thần kinh sinh học cộng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, công nghệ thông tin ứng dụng vào y sinh đã khiến cho những hiểu biết cập nhật về cảm giác đau, về ma trận đau, về nhóm huyệt Hoa Đà Giáp Tích, về yếu tố kỹ thuật trong châm cứu. Vận dụng tốt những hiểu biết mới cập nhật này sẽ khiến cho vai trò của châm cứu trong việc giảm đau trở nên hiệu quả hơn trong thực tế lâm sàng và hấp dẫn hơn trong nghiên cứu khoa học.
Từ khóa: châm cứu, đau.
ABSTRACT
Despite of controversy over the analgesic effects of acupuncture, there is a fact that the use of acupuncture for pain is growing deeply and widely worldwide. 80% of the 129 countries surveyed currently use acupuncture. Acupuncture use in the United States tripled between 1997 and 2007. In the recent years, the basic research of acupuncture is also rapidly expanding. The discoveries of physiological anatomy in the late 19th century and in particular the recent understanding of neuroscience plus the rapid development of technology, information technology applied to biomedical engineering has made up-to-date insights into pain, the matrix of pain, the Hoa Da Giap Tich acupuncture points and the different technical aspects of acupuncture. Applying these newly updated insights will make acupuncture's role in pain relief more effective in clinical practice and more attractive in scientific research.
Keywords: acupuncture, pain.
CHÂM CỨU NỔI LÊN VỚI VAI TRÒ CHỒNG ĐAU
Châm cứu, có lịch sử sử dụng 2000 năm, bao gồm châm kim tại nhiều điểm khác nhau, được gọi dưới tên huyệt vị châm cứu, trên khắp cơ thể để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và cải thiện chức năng. Mặc dù châm cứu đại diện cho một phần của Y học cổ truyền (YHCT) (là một hệ thống tổng thể bao gồm cả thảo dược, dinh dưỡng, dưỡng sinh thiền định và vận động), nó thường được xem như một liệu pháp độc lập. Về lịch sử châm cứu ở Việt Nam, thời vua Hùng (287-207 trước công nguyên), sử liệu trong ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ đã có ghi tên thầy châm cứu giỏi là An-Kỳ-Sinh, người làng Đông Triều, vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, đã dùng châm cứu trị cho 1 người tên là Thôi Văn Tứ ở Cao Lễ, Chí Linh.
Dù việc tranh luận về hiệu quả giảm đau của châm cứu vẫn tiếp tục, nhưng không thể không ghi nhận thực tế việc sử dụng châm cứu ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. Trong báo cáo về “Chiến lược y học cổ truyền của Tổ Chức Y tế Thế Giới-WHO 2014 - 2023 nhằm đáp ứng với nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới về y học cổ truyền (WHA62.13) có ghi nhận như sau: “Một thực hành YHCT đã phát triển đáng kể là châm cứu. Mặc dù châm cứu ban đầu là một tính năng của y học cổ truyền, nhưng hiện nay nó được sử dụng trên toàn thế giới”. Theo báo cáo được cung cấp bởi 129 quốc gia, 80% trong số họ hiện có sử dụng châm cứu. Việc sử dụng châm cứu ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 1997 đến 2007(1).
Không chỉ gia tăng rộng rãi và ngày càng nhiều việc sử dụng châm cứu trong chăm sóc và điều trị người bệnh trong thực hành lâm sàng hàng ngày, nghiên cứu cơ sở của châm cứu cũng đang nhanh chóng mở rộng. Từ năm 1991 đến năm 2009, gần 4000 nghiên cứu châm cứu đã được công bố, với các nghiên cứu về đau chiếm 41% các nghiên cứu về châm cứu(1).
Một câu hỏi cần đặt ra: “Nên vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của châm cứu ngày càng nhiều như hiện nay, lồng ghép chúng với những hiểu biết của người xưa như thế nào để phát huy cao hơn nữa kinh nghiệm quý từ lâu đời của tiền nhân vào lĩnh vực kiểm soát đau?”.
NHỮNG KIẾN THỨC CẦN CẬP NHẬT TRONG MỐI LIÊN QUAN GIỮA ĐAU VÀ CHÂM CỨU?
Kiến thức chung về đau
Đau theo quan niệm y học hiện đại
Đau là loại cảm giác đặc biệt, bất thường, khác biệt với các giác quan như vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và thị giác. Gần đây, sự hiểu biết về đau đã có nhiều thay đổi. Thời trước, đau được quan niệm như một loại cảm giác khó chịu, trái ngược với sự thoải mái. Đau không có con đường riêng và người ta xem nó như một kết quả của kích thích bật thường trên bất kỳ loại cảm thụ quan nào. Những khám phá về giải phẫu sinh lý vào cuối thế kỷ 19 và đặc biệt những hiểu biết gần đây về thần kinh sinh học cộng với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, công nghệ thông tin ứng dụng vào y sinh đã khiến cho cảm giác đau trở nên đặc biệt.
Đau có
Những cảm thụ quan riêng biệt. Cảm thụ quan đau đều là các vi thể trần (free nerve endings) có tế bào nằm ở hạch sau tủy sống hoặc nhân dây thần kinh số 5. Cảm thụ quan đau chỉ được kích hoạt khi kích thích vượt quá ngưỡng gây hại. Kích thích đau càng lớn, phản ứng càng mạnh. Cảm thụ quan đau không có hiện tượng “thích ứng” như các loại cảm thụ quan khác. Điều này có nghĩa là nếu kích thích đau liên tục có thể làm giảm ngưỡng đau.
Những đường dẫn riêng,
Những trung khu riêng. Và những trung khu này ngày càng được phát hiện thêm những điểm mới thú vị liên quan đến đau → MA TRẬN ĐAU.
Những tổ chức này sẽ được huy động ngay khi có 1 tác động được xem là đau làm ảnh hưởng đến sự sống của cơ thể. Hệ thống báo động này thường tỏ ra hiệu quả bởi vì nó tạo nên những hành vi ứng xử có tính bảo vệ, giúp con người tránh xa nguy hiểm hoặc hướng tớ những chăm sóc cấp cứu.
Thật sự rất khó có 1 định nghĩa đơn giản cho cảm giác đau. Theo Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Đau (IASP): “Đau là một trải nghiệm khó chịu về cảm giác và cảm xúc xuất hiện cùng lúc với tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô (International Association for the Study of Pain)(2).
Ngày nay, đau được xem như I cảm giác khó chịu, bao gồm những thành phần cảm giác, tình cảm (affective), nhận thức (cognitive) và hành vi ứng xử thay đổi tùy từng cá thể.
Thành phần cảm giác giúp nhận ra vị trí, thời gian và cường độ của kích thích đau.
Thành phần tình cảm tạo cho cảm giác đau có tính chất khó chịu, lo âu và biến đổi nó thành sự than thở.
Thành phần nhận thức giúp giải thích được ý nghĩa của đau, phân tích và bày tỏ biểu hiện đau.
Thành phần thái độ bao gồm những biểu hiện tạo ra bởi đau như: vận động (thoái lui, chạy trốn), ngôn ngữ (la, rên rỉ), thực vật (dãn đồng tử, mạch nhanh, rối loạn vận mạch).
Sự đa dạng của các thành phần nói trên thể hiện sự tham gia của nhiều cấu trúc thần kinh.
Phân loại đau
Đau chức năng còn được gọi là là đau có căn nguyên tâm lý
Ở loại đau này tình trạng rối loạn về tâm lý hoặc tâm thần đóng vai trò chủ yếu, trong khi những thương tổn thực thể hoặc không có hoặc không đáng kể.
Đau thực thể
Trong nhóm này, được phân biệt có 2 loại đau: đau do ghi nhận đau trở nên quá mức (đau cảm nhận) và đau do thương tổn thần kinh (đau thần kinh).
Đau gây bởi kích thích gây đau trở nên quá mức (Đau cảm nhận)
Loại đau này do tín hiệu đau quá mạnh, dữ dội. Trong loại đau này hệ thần kinh trung ương cũng như ngoại biên không có tổn thương thực thể hoặc bị rối loạn chức năng nào. Loại đau này có nguồn gốc từ các bệnh lý ở nội tạng, mạch máu và cơ quan vận động (khớp, xương, gân, cơ). Thường nguồn gốc của loại này nhiều nhất là “thấp”. Tình trạng mô “viêm” làm phóng thích một lượng lớn các hoạt chất trung gian thần kinh (kinine, prostaglandine, chất P..). Những chất này sẽ kích thích mạnh mẽ và kéo dài các “cảm thụ quan trần” của các sợi A và C, tạo nên tín hiệu đau, vượt qua được sự ức chế ở sừng sau tủy sống, sự ức chế của hệ thống á phiện nội sinh, đến được các đường và trung khu đau.
Đau do thương tổn hệ thần kinh
Loại đau này xuất hiện do hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên bị thương tổn hoặc bị rối loạn chức năng, còn gọi là đau có nguồn gốc thần kinh. Nguyên nhân của chúng gồm thương tổn các dây thần kinh ngoại biên (viêm dây thần kinh, bỏng buốt, đau chi ma…), thương tổn các rễ thần kinh (fibrose épidurale sau cắt bỏ đĩa đệm, zona, cắt bỏ rễ thần kinh…), những thương tổn mạch máu hoặc chấn thương của hệ thần kinh trung ương (H/C đồi thị, thương tổn mạch máu ở thân não và tủy sống…). Loại đau này do mất khả năng ức chế (do thương tổn các sợi lớn Aβ nên không còn phát huy được hệ thống kiểm soát cửa) kết hợp với tình trạng tăng cảm các sợi thần kinh dẫn truyền đau (hiện tượng sensitization). Những loại đau có nguồn gốc thần kinh xuất hiện ở các chi, thân và não. Chúng thường xuất hiện vài ngày cho đến vài tuần sau khi có thương tổn. Chúng có 1 điểm cơ bản là có 1 nền “cảm giác nóng như bỏng” thường trực với các cơn đau dữ dội trong vùng tương ứng, thường kèm theo có mất cảm giác trong vùng đau. Nếu tình trạng mất cảm giác không hoàn toàn. Thường có tình trạng hyperpathie (sờ và tiếng động làm cơn đau tái phát). Thường có kèm rối loạn dinh dưỡng và vận mạch (phù, nóng, đổ mồ hôi). Hơn nữa, đau thường tăng lên bởi cảm xúc và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý.
Đau cấp (trường hợp chấn thương, thống phong..)
Nhìn chung, được xem như 1 dấu cảnh báo thương tổn ở các mô. Theo Wall, đau cấp đòi hỏi phải nghỉ ngơi để được giảm đau (tương tự như cảm giác đói hay khát). Mặt khác đau cấp làm phát sinh kích thích giao cảm gây tăng trương lực cơ vùng đau, gây tăng huyết áp, co mạch, nhịp tim nhanh. Cuối cùng nó thường có kèm theo 1 trạng thái lo lắng ít hoặc nhiều(3).
Đau mạn
Nó không được xem là dấu hiệu báo nguy. Theo Leriche “đau mạn là 1 món quà tai hại, làm suy sụp con người, làm cho họ càng bệnh thêm”. Theo Sternbach trong đau mạn không có đáp ứng giao cảm mà xuất hiện các triệu chứng thực vật, triệu chứng trầm cảm (thể hiện ở cả mặt tinh thần và hành vi). Các bệnh nhân trở nên suy nhược, mất ngủ, dễ bị kích thích, không muốn ăn. Hoạt động thể chất và tình dục giảm sút. Mối liên hệ với gia đình và xã hội bị rối loạn. Họ luôn nghiên cứu tìm hiểu về thuốc và các phương pháp điều trị. Tuy nhiên tình trạng trầm cảm của họ luôn bị che giấu bởi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài(4).
Đau theo quan niệm Y học cổ truyền
Trong cách sách vỡ kinh điển của Y học cổ truyền, chứng đau nhức thường được trao đổi dưới các khái niệm Tý, Thống.
Chứng đau nhức có thể nói là chứng trạng thường khiến con người tìm đến sự hỗ trợ. Vì thế từ rất sớm trong các tài liệu kinh điển của Đông Y đã có dành rất nhiều phần để nói về vấn đề này. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nội dung liên quan rãi rác trong rất nhiều (nếu không nói là hầu hết) chương của các sách kinh điển. Đồng thời, người thầy thuốc cổ xưa cũng dành hẳn những chương để bàn luận về vấn đề này như Tý luận, Thích yêu thống, Cử thống luận (Tố Vấn)(5), Luận thống (Linh Khu)(6).
Những nhận xét, những luận giải của người thầy thuốc Đông Y cổ xưa về chứng Tý, Thống được ghi chép trong các y văn kinh điển từ lâu đời cũng giống như những khía cạnh mà giới khoa học hiện đại ngày nay quan tâm như đau cấp, cảm nhận đau của từng cá thể, đau mạn, rối loạn hành vi tình cảm trong đau, những nguyên nhân của đau. Điều này cho thấy người xưa đã rất quan tâm vấn đề này cũng như đã thể hiện rõ nét sự quan sát kỹ lưỡng, tinh tế; phân tích rất đáng để tìm hiểu và kết hợp.
Nguyên nhân gây đau theo YCT
Do hàn tà tấn công (cục bộ): Sở dĩ khí huyết không lưu thông được là do hàn khí tấn công vào kinh mạch làm mạch, cân co lại, làm khí huyết không lưu thông được. Kỳ bá khi phân giải về vấn đề này đã nêu: “Hàn khí ký túc ở ngoài mạch thời mạch hàn, mạch hàn thời co quắp, co quắp thời cân cấp, do đó bên ngoài dẫn tới các tiểu lạc, cho nên thốt nhiên đau. Được hơi nóng thời đau khỏi ngay”.
Do bệnh ngoại cảm (toàn thân): Mạch Dương duy, một trong 8 mạch kỳ lạ của hệ thống kinh mạch của cơ thể, là mạch nối liền tất cả các đường kinh dương của cơ thể. Vì thế mạch Dương duy chịu trách nhiệm bảo vệ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tà khí. Khi hệ thống này suy yếu, sẽ gây nên bệnh cảnh của ngoại cảm “Bệnh ở Dương Duy khiến người yêu thống đau mà nó nổi cồn lên như thũng”.
Do bất nội ngoại nhân: Do tư thế làm việc không phù hợp dẫn đến chấn thương gây xuất huyết, ứ huyết gây đau: "Bệnh ở mạch Hành lạc, khiến người yêu thống, không thể cúi ngửa. Nếu ngửa lên thời như muốn ngã. Bệnh này gây nên bởi mang vật nặng làm thương đến yêu (thắt lưng), ác huyết tụ lại đó”.
Do bệnh lâu ngày ở Tạng Phủ kết hợp ngoại tà. Kỳ bá khi phân giải về vấn đề này đã nêu: “Năm Tàng đều có “Hợp” bệnh mắc lâu không giải đi được, sẽ ký túc vào nơi “hợp” đó. Cho nên, nếu Cốt tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Thận, Cân tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Can, Mạch tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Tâm, Cơ tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Tỳ, Bì tý không dứt, lại cảm với tà, nó sẽ ký túc tại Phế...
Những hình thức của đau theo Y CT
Thốt thống: Đau cấp mà khí thực: Đau rõ ràng, và người bệnh tránh né không cho chạm vào chỗ đau (chối nắn). Đấy là do mạch đầy mà khí huyết loạn nên chối nắn: "Hàn khí ngừng trệ, khí nó vùng ngược lên, do đó mạch đầy lớn mà khí huyết loạn, cho nên đau không thể đấm bóp(5)".
Đau mơ hồ, không rõ (do hàn khí trú ở sâu). Vì nguyên nhân nằm ở sâu nên có đấm bóp cũng không đạt đến nơi cần thiết nhằm làm tán hàn khí ấy: "Hàn khí ký túc ấy ở mạch xương sống, cho nên án mạnh tay xuống cũng không tới, nên dù có đấm bóp cũng vô ích".
Biểu hiện của đau liên hệ rất chặt chẽ với khí huyết bị tắc trở ở vùng cơ thể, kinh mạch: Những sách kinh điển YHCT mô tả rất nhiều về nội dung này:
Hàn khí làm tắc mạch Xung (giữa bụng ngực lên trên) gây nên triệu chứng đau cấp vùng bụng kèm cảm giác nghẹn ở ngực, khó thở và mạch đi bức). "Hàn khí ký túc ở xung mạch, xung mạch khởi quan nguyên, theo “phúc bộ” dẫn lên. Hàn khí ký túc thời mạch không thông, mạch không thông khiến cho khí nghẽn lên ở Hung nên suyễn và mạch động bựt lên tay".
Hàn khí làm tắc trở ở hệ tiêu hóa gây đau kèm nôn mửa: "Hàn khí ký túc ở Trường vị, quyết nghịch ngược lên, cho nên đau mà nôn".
Hàn khí tắc trở ở Tiểu trường gây đau kèm tiêu chảy: "Hàn khí ký túc ở Tiểu trường, tại đó không thể gây thành chứng tụ, cho nên sau khi đau thời tiết hạ".
Đau có gây rối loạn tình cảm, tâm lý người bệnh: “Bệnh ở mạch Phi dương khiến người yêu thống, lúc đau tê tái rầu rĩ, quá lắm thời kiêm cả bi (buồn) và khủng (lo sợ)”. Biểu hiện này phù hợp với tình trạng đau mạn gây ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý người bệnh.
Có thể thấy, người thầy thuốc Đông Y cổ xưa cũng đã ghi nhận được và tìm cách giải thích sự cảm nhận khác nhau của từng cá thể với các tác nhân gây đau. Thiếu Du trong phần trao đổi với Hoàng Đế đã nhận định về vấn đề này như sau: “Có 1 số người, xương của họ cứng, gân của họ mềm, thịt của họ mềm mại, bì phu dày, họ có thể chịu được sự đau nhức, và do đó, họ cũng có thể chịu đựng được sự thống cảm do châm và cứu gây nên. Và ông cũng nêu rõ: “Nếu có người thân thể cường tráng, thêm vào đó, họ có bì phu mầu đen, xương cốt rắn đẹp, họ có thể chịu được sự thống cảm của sự cứu đốt”. “Người nào cơ nhục rắn chắc mà bì phu mỏng, đa số họ không chịu đựng được sự thống cảm của sự châm thích, do đó đối với sự thống cảm của việc cứu đốt, họ cũng không chịu được”(6).
Và người thầy thuốc châm cứu xưa rất chú ý khi tiến hành trị đau thông qua thái độ người thầy thuốc khi châm trị. Đó là khi chăm sóc và điều trị người bệnh, người thầy thuốc YHCT luôn được yêu cầu đặc biệt quan tâm đến ĐẠO CHÂM, ĐẠO KIM. Đó là phải chú tâm đến các yếu tố tinh thần, tình cảm của người bệnh, ngoài việc chú ý đến yếu tố kỹ thuật và năng lực của thầy thuốc(6).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh