Phân loại phẫu thuật và chiến lược kháng sinh dự phòng

Các phẫu thuật được phân loại theo bảng phân loại của Altemeier. Mỗi loại phẫu thuật có một nguy cơ nhiễm trùng sau mổ khác nhau thay đổi từ <5% đến >30%.

 

Chỉ định dùng kháng sinh dự phòng đối với từng loại phẫu thuật.

  • Phẫu thuật loại I (phẫu thuật sạch): trên lý thuyết, phẫu thuật loại I không cần dùng KSDP. Tuy nhiên, một số phẫu thuật sạch phải dùng KSDP vì nhiễm trùng sau mổ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sống còn và chức năng của bệnh nhân như phẫu thuật chỉnh hình lắp bộ phận giả hay phẫu thuật tim. Trong những kiểu phẫu thuật khác thuộc loại này, mặc dù nhiễm khuẩn không nặng nhưng tần suất xảy ra cao cũng cần xem xét sử dụng KSDP.
  • Phẫu thuật loại II (phẫu thuật sạch – nhiễm): tất cả phẫu thuật thuộc loại này đều phải dùng KSDP.
  • Phẫu thuật loại III và IV (phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn): trong trường hợp này, tình trạng nhiễm khuẩn đã xảy ra từ trước mổ và cần kháng sinh trị liệu dài ngày. Kháng sinh này không ngăn chặn được sự nhiễm khuẩn vào vết mổ mà chỉ ngăn chặn được nhiễm khuẩn đã xảy ra không phát triển, lây lan và diễn biến nặng thêm. Sử dụng kháng sinh trong trường hợp này được xem là điều trị thực sự. (Hướng dẫn sử dụng kháng sinh – Bộ Y Tế)

Kháng sinh dự phòng (KSDP) là việc sử dụng kháng sinh trước khi xảy ra nhiễm khuẩn, nhằm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn tại các vị trí, cơ quan được phẫu thuật, không dự phòng nhiễm khuẩn toàn thân hoặc những vị trí, cơ quan ở xa nơi phẫu thuật. Vì vậy, KSDP không được dùng cho các trường hợp:

  • Nhiễm khuẩn mắc phải trong lúc mổ.
  • Nhiễm khuẩn do kỹ thuật chăm sóc sau mổ. (Hướng dẫn sử dụng kháng sinh – Bộ Y Tế)

 

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP)

Có thể tóm gọn lại trong 3 nguyên tắc:

  • Chọn đúng kháng sinh 
  • Đưa thuốc đúng thời điểm 
  • Độ dài đợt điều trị phải đúng: Không dùng KSDPkéo dài quá 24 giờ sau phẫu thuật, tiếp tục kháng sinh sau 24 giờ tăng nguy cơ kháng thuốc. Riêng phẫu thuật tim mạch có thể kéo dài đến 48 giờ vì tuy là loại phẫu thuật sạch nhưng nếu nhiễm trùng thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. (Dược lâm sàng đại cương – ĐH Dược Hà Nội)
  • Sử dụng KSDP cần theo dõi diễn biến lâm sàng của người bệnh, nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn cần chuyển ngay sang kháng sinh điều trị.

 

Nguồn tham khảo: Nhịp cầu Dược lâm sàng

return to top