Rửa tay phẫu thuật là biện pháp sử dụng các tác nhân lý học (cọ rửa), hoá học (các hoá chất) làm sạch các chất bẩn, vi khuẩn trên bề mặt da tay để tiến hành làm thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Da tay thường xuyên tiếp xúc với các vật dụng phương tiện sinh hoạt còn chứa nhiều loại vi khuẩn.
Bề mặt da tay có nhiều nếp, nhiều khe kẽ, nhiều lỗ tuyến thường xuyên tiết dịch (tuyến bã, mồ hôi). là nơi dễ đọng các chất bẩn, chỗ ẩn náu của vi khuẩn.
Da tay không thể sử dụng các phương pháp khử trùng bằng nhiệt độ cao, các tia có năng lượng lớn, các chất oxy hoá mạnh, đậm độ cao (Iode, thuốc tím, hợp chất chlor...).
Sạch hết chất bẩn, vi khuẩn trên bề mặt da tay để vết thương, vết mổ bệnh nhân không bị bội nhiễm bởi các thao tác của người làm phẫu thuật, thủ thuật (thay băng, tiêm...).
Hạn chế sự tiết dịch (mồ hôi, tuyến bã) của da tay. Điều này được thực hiện bằng cách:
Pha vào các dung dịch rửa tay, ngâm tay các chất làm săn da, co các lỗ tuyến (các chất có chứa Tanin...).
Các chất phủ mặt da (dạng Vaselin...) làm che lấp các lỗ tuyến làm các dịch không tiết ra được trong thời gian phẫu thuật.
Bảo vệ da: Yêu cầu của mỗi phương pháp mỗi dung dịch rửa tay là không được làm hại da tay như: ăn mòn, bỏng rộp, khô cháy da.
Để đảm bảo các yêu cầu đã nêu trên, từ trước tới nay đã có nhiều phương pháp rửa tay phẫu thuật nhưng hiện nay có hai phương pháp chính thường áp dụng đó là:
Rửa tay phẫu thuật bằng bàn chải – xà phòng.
Rửa tay phẫu thuật bằng bàn chải - hoá chất.
Rửa tay phẫu thuật bằng xà phòng- bàn chải trước phẫu thuật thực hiện theo các bước sau:
Vào phòng mổ thay quần áo cá nhân, mặc quần áo vô trùng: Cởi bỏ tư trang ở tay (nhẫn, đồng hồ....), cắt ngắn móng tay.
Vào phòng rửa tay: Rửa qua tay bằng xà phòng không bàn chải lên tới 1/3 dưới cánh tay để giảm bớt chất bẩn, mồ hôi trên bề mặt da tay.
Đội mũ, khẩu trang vô trùng (nếu có). Khi áo mũ đã có khẩu trang sẵn thì không phải sử dụng khẩu trang rời đã hấp vô trùng.
Lấy bông thấm Iode 1% chấm các đầu ngón tay, kẽ ngón tay, bàn tay. Rửa lại bằng nước sạch.
Lấy bàn chải và xà phòng đã tiệt trùng (bàn chải ngâm trong dung dịch khử trùng). Rửa tay 2 lần bằng hai bàn chải khác nhau:
Lần 1: Từ ngón tay tới 1/3 dưới cánh tay.
Lần 2: Từ ngón tay tới khuỷu tay.
Khi rửa phải tuân theo nguyên tắc:
Rửa từ đầu ngón tay đến khuỷu tay, cánh tay.
Rửa phải đối xứng hai bên, không được rửa xong tay này rồi mới rửa sang tay kia.
Không để nước chảy vào lòng bàn tay khi rửa phần trên của tay.
Ngâm tay vào dung dịch sát khuẩn đến khuỷu tay: Chloramin B 1% ( hoặc cồn 70O). Thời gian ngâm 3 - 5phút
Lau khô tay bằng khăn vô trùng. Mỗi tay lau một mặt khăn.
Nếu không dùng khăn, có thể sử dụng máy sấy khô chuyên dụng .
Mở hộp áo đã hấp vô trùng, lấy áo vào phòng mổ. Nếu có điều kiện có thể sử dụng các túi áo đã tiệt trùng sẵn, dùng 1 lần (áo giấy).
Khi mặc áo mổ cần chú ý:
Tay chỉ tiếp xúc với mặt trong của áo.
Mặc ngoài áo không được tiếp xúc với bất kỳ đồ vật chưa được khử khuẩn. Thắt các dây áo, cổ áo phải nhờ một nhân viên khác làm.
Đi găng phẫu thuật đã tiệt trùng:
Tự đi găng phải tuân thủ theo nguyên tắc:
Tay chỉ tiếp xúc với mặt trong của găng.
Mặt ngoài găng tiếp xúc với mặt ngoài găng.
Từ trước tới nay trong nước và trên thế giới đã có rất nhiều loại hoá chất được sử dụng để rửa tay. Các loại hoá chất này đều có đặc tính chung là:
Tẩy chất bẩn và tạo bọt.
Diệt vi khuẩn.
Bao phủ da tay và hạn chế sự tiết dịch của các tuyến da tay.
Hoá chất thông dụng nhất được sử dụng ở nước ta là Microshelf (Hoa kỳ).
Quy trình rửa tay bằng hóa chất cũng giống như rửa tay bằng xà phòng bàn chải, nhưng xà phòng được thay bằng hoá chất.
Khi dùng hoá chất rửa tay, sau khi rửa tay hai lần bằng bàn chải và hóa chất xong, dùng máy sấy khô tay (hoặc dùng khăn vô trùng để lau khô tay), sau đó sử dụng “ gel rửa tay sạch khuẩn” ( một dạng cồn dạng gel) để sát trùng lại bàn tay. Cách dùng: lấy 2-3 ml dung dịch gel rửa tay sạch khuẩn xoa đều lòng bàn tay, các ngón tay và mu bàn tay, sau đó để khô tự nhiên, rồi mặc áo và đi găng vô trùng.
Giáo trình gây mê. Học viện quân y. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2012.
Điều dưỡng cơ sở ( giáo trình đại học. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010.
Kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh trong Quân đội. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2013.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh