✴️ Kỹ thuật khối tế bào dịch các khoang cơ thể

NGUYÊN TẮC

Nhằm tập trung các tế bào đơn lẻ, rải rác trong dịch thành một khối có thể đưa vào chuyển, đúc, cắt nhuộm giống quy trình mô học thường qui.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                       01 

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:          01

Phương tiện, hóa chất

Lọ thủy tinh có nắp, thể tích 250 ml.

Ống nghiệm thủy tinh kích thước 10 x 1,6cm hoặc loại ống ly tâm thể tích 50ml.

Heparin (loại dung dịch tiêm)

Cytorich Red, Mucolexx

Formol đệm trung tính 10%

Máy ly tâm, khuôn nhựa, phiến kính, giấy gói mô học (loại không dính) -Que gỗ nhỏ, bông gòn (loại không thấm nước).

Các dụng cụ, hóa chất kỹ thuật của quy trình mô học thường qui (nhuộm HE, PAS).

Người bệnh            

Người bệnh có tràn dịch các khoang cơ thể (màng tim, màng phổi, màng bụng, dịch não tủy…), dịch rửa phế quản, nước tiểu, dịch các u nang, dịch khớp...

Phiếu xét nghiệm

Được điền đầy đủ các thông tin hành chính của người bệnh (tên, tuổi, số giường, số phòng, khoa phòng), chẩn đoán lâm sàng, tóm tắt các thông tin lâm sàng và cận lâm sàng, yêu cầu xét nghiệm khối tế bào dịch, ngày, giờ lấy dịch, nhận xét đại thể (màu sắc, số lượng dịch, máu, nhày…)

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Lấy bệnh phẩm

Lọ thủy tinh 250 ml được tráng đều thành và đáy lọ bằng 1000 đơn vị heparin trước khi đổ dịch. Heparin làm cho dịch máu không bị đông lại, do vậy không bị mắc kẹt tế bào vào trong cục máu đông.

Dịch được lấy tại các khoa lâm sàng và/hoặc khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học. Lấy dịch cho vào lọ thủy tinh. Số lượng dịch tùy thuộc từng người bệnh, nhưng nên lấy từ 50 đến 250 ml để có được nhiều mẫu bệnh phẩm (nếu điều kiện Người bệnh cho phép).

Đậy nắp, dán nhãn (tên, tuổi, khoa phòng, chẩn đoán lâm sàng) rồi gửi ngay về khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học. Nếu không có điều kiện gửi ngay, bảo quản bệnh phẩm trong ngăn dưới tủ lạnh ở 4oC. Bệnh phẩm được bảo quản không quá 2 tuần.

Tiến hành kỹ thuật

Đánh giá đại thể: màu sắc, số lượng dịch, có/không có nhiều máu hoặc chất nhày.

Nếu dịch có nhiều máu thì cho 1ml Cytorich red/50ml dịch, nếu dịch có nhiều chất nhầy thì cho 1ml Mucolex/50ml dịch, lắc đều rồi để khoảng 5 phút cho tan bớt nhầy.

Nếu có máy ly tâm ống lớn 50 ml thì tiến hành bước 1 luôn.

Nếu không có máy ly tâm ống lớn thì để lọ dịch từ 8 – 10 giờ để các tế bào lắng cặn xuống dưới, sau đó loại bỏ lớp dịch trong phía bề mặt, lắc đều cặn tế bào, rồi chia vào các ống nghiệm nhỏ (1,6 x 10cm), nút chặt bằng bông không thấm nước rồi tiến hành từ bước 1. 

Lưu ý: nếu dịch đã được bảo quản ở các khoa lâm sàng từ 8 - 10 giờ, tế bào đã lắng xuống dưới thì tiến hành thực hiện kỹ thuật luôn (như mô tả ở trên).

Bước 1: cho các ống nghiệm chứa dịch vào máy ly tâm trong 10 phút với tốc độ 2.000 vòng/phút.

Bước 2: loại bỏ lớp dịch trong phía trên để lấy lắng cặn tế bào rồi cố định cặn tế bào trong formol đệm trung tính 10% trong tủ ấm 60oC, khoảng 2 giờ.

Bước 3: ly tâm bệnh phẩm lần nữa với tốc độ 2000 vòng/phút trong 10 phút nếu cần (nếu bệnh phẩm đã hình thành khối chắc thì quy trình có thể chuyển trực tiếp từ bước 2 sang bước 4).

Bước 4: loại bỏ formol trong ống vào lọ đựng nước thải..

Bước 5: dùng que gỗ nhỏ để lấy khối tế bào ra khỏi ống và đặt lên một tờ giấy (loại giấy không dính có trong phòng xét nghiệm mô bệnh học). Gói khối tế bào trong giấy này và đặt vào trong khuôn nhựa đã được dán nhãn với tên và mã số Người bệnh.

Bước 6: cho khuôn nhựa có chứa khối tế bào tiếp tục được thực hiện các bước như vào quy trình mô học thường qui. 

Bước 7: các mảnh cắt từ khối tế bào có độ dày từ 3 - 5 µm, thường được nhuộm Hematoxylin - Eosin và nhuộm đặc biệt (PAS, mucicarmin...) hoặc nhuộm hóa mô miễn dịch (nếu cần).

 

KẾT QUẢ

Khối tế bào lưu giữ được các loại tế bào và gợi lại một phần cấu trúc mô tốt hơn so với phiến đồ, cho phép cắt được nhiều mảnh cắt giống nhau. Nhuộm HE, nhuộm đặc biệt và nhuộm hóa mô miễn dịch cho phép chẩn đoán xác định được nhiều loại tổn thương như nấm, tổn thương ác tính hoặc định hướng nguồn gốc của các u nguyên phát. 

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Trong quá trình làm kỹ thuật có thể bị nhầm lẫn bệnh phẩm do quy trình gồm nhiều bước, rơi vỡ ống xét nghiệm làm mất bệnh phẩm… Cần phải làm việc tập trung, luôn luôn có sự kiểm tra, đối chiếu để tránh những sai sót không đáng có. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top