Hơn một trăm năm trong chiều dài lịch sử đất nước chẳng là bao nhưng với một đơn vị y tế địa phương thì khoảng thời gian ấy là rất đáng kể. Sự trưởng thành của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hiện nay có phần đóng góp công sức, kinh nghiệm của nhiều thế hệ ngành y, cùng với sự tin yêu của nhân dân cũng như sự đóng góp của lãnh đạo bệnh viên qua các thời kỳ.
Với đội ngũ cán bộ, công nhân viên năng động, tận tâm, Bệnh viện đã thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận, xứng đáng với vai trò bệnh viện hạng I của Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động hiệu quả theo cơ chế viện – trường không chỉ giúp nâng cao hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh mà còn giúp bệnh viện trở thành cơ sở đào tạo quan trọng của nhiều trường Đại học lớn tại Tp.HCM và khu vực lân cận như: ĐH Y Dược Tp.HCM, ĐH Y Nguyễn Tất Thành, ĐH Trà Vinh, ĐH Nguyễn Tất Thành… Bệnh viện có có 05 mã ngành đào tạo CME do Bộ Y tế cấp cho các chuyên khoa: Lọc máu - Thần kinh - Chấn thương Chỉnh hình - Hô hấp. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng là nơi đầu tiên tại miền Nam triển khai kỹ thuật đặt điện cực vào não sâu (DBS_ Deep Brain Stimulation) để điều trị Parkinson, là nơi đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được chứng nhận Trung tâm Xuất sắc (ICE) của kỹ thuật mổ thay khớp háng superpath và thay khớp gối với kỹ thuật medical pivot theo chuẩn Mỹ. Bên cạnh đó bệnh viện cũng là nơi tiên phong xây dựng trung tâm Lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhờ vào hợp tác hiệu quả với Nippro và TUC.
Bệnh viện duy trì đầy đủ các chuyên khoa Nội - Ngoại - Sản - Nhi và hệ thống các chuyên khoa lẻ, các chuyên khoa cận lâm sàng đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu khám và điều trị đa khoa cũng như phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Một số chuyên khoa đã và đang dần trở thành mũi nhọn trong chuyên môn như: Nội tim mạch, Nội thận - Lọc máu, Nội tiết, Nội thần kinh có cả phòng khám chuyên khoa tâm thần, Cơ xương khớp, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng... Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng có những đơn vị khám - điều trị chuyên khoa như Đơn vị ung bướu, Đơn vị quản lý Hen và COPD, Đơn vị vi sinh, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da…
Bệnh viện cũng không ngừng đưa vào ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong chuyên môn và không ngừng cải tạo hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng điều trị tại các khoa nhiều bệnh nặng như Hồi sức tích cực - Chống độc, Gây mê hồi sức… Bệnh viện đã thành công triển khai kỹ thuật lọc máu CRRT (Continuous renal replacement therapy - CRRT) cứu sống nhiều ca bệnh nặng..., đang hoàn thiện triển khai kỹ thuật ECMO (hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể).
Phương châm Đông - Tây y kết hợp thể hiện rõ qua nhiều hoạt động khám và điều trị đa dạng tại khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu, cũng sự phương châm điều trị toàn diện được thực hiện bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa nội khoa và ngoại khoa trong điều trị nhiều bệnh lý: Parkinson, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống...
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Nguyễn Tri Phương trực thuộc Sở Y tế (là đơn vị y tế do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đảm nhận và chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế) trên cơ sở chuyển một phần công năng của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Theo đó, Bệnh viện đã chỉ đạo, điều hành việc tiếp nhận, điều trị 4.652 lượt bệnh nhân và lọc máu cho 998 lượt bệnh nhân nhiễm Covid-19. Với những máy móc thiết bị y tế được trang bị và tài trợ, cùng với sự tân tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế, Bệnh viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch giúp mang lại niềm vui cho cá nhân, gia đình bệnh nhân và đây cũng chính là niềm hạnh phúc của tập thể lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng bố trí trang thiết bị và phân công đội ngũ y bác sĩ chạy thận nhân tạo, lọc máu cho bệnh nhân bệnh thận mãn tính nhiễm Covid-19.
Công tác chích ngừa cho các cơ quan đoàn thể, bệnh nhân, thân nhân nhân viên y tế, đóng góp phần công tác đẩy lùi dịch bệnh. Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Bệnh viện đã tiêm 18.837 mũi 1, 20.978 mũi 2 (với 3 loại vắc xin là Pfizer, AstraZeneca, Moderna).
Với phương châm năng động trong việc kêu gọi nhiều nguồn lực, cùng với quan điểm “mỗi cá nhân, tổ chức đều là một địa chỉ nhân đạo”, Bệnh viện đã góp phần trong việc đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” thông qua việc xây dựng và vận hành hệ sinh thái chăm sóc bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn (tổng số tiền kêu gọi được cho hệ sinh thái là hơn 9 tỉ đồng từ 2019-2022). Khi đối mặt với đại dịch, Bệnh viện cũng đã chủ động trong nhiều hoạt động kêu gọi với tổng số tiền huy động được cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và cứu chữa bệnh nhân lên đến trên 100 tỉ đồng.
Với những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã được UBND Thành phố tặng Bằng khen; Sở Y tế tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các Bệnh viện dã chiến thu dung, Bệnh viện điều trị, Bệnh viện hồi sức Covid-19. Bên cạnh đó nhờ vào sự thành công trong chiến dịch tiêm ngừa nâng cao sức bảo vệ cộng đồng mà Công an Thành phố Hồ Chí Minh tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ lực lượng Công an Thành phố thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.