Viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng đến hầu hết mọi người nhưng rất hiếm khi gây tử vong.
Tuy nhiên ở viêm phế quản mãn tính từ từ phá hủy chức năng phổi và có thể đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm của các ống phế quản có chức năng mang không khí từ khí quản vào phổi.
Viêm phế quản cấp tính có các biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân:
- Viêm phế quản do virus: Cảm lạnh hoặc cảm cúm do nhiễm virus gây ra hầu hết các trường hợp viêm phế quản. Người mắc phải có thể bị ho hoặc khó thở.
- Viêm phế quản do vi khuẩn: Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây viêm phế quản. Một người có thể đột nhiên khó thở hoặc cảm nhận các vấn đề về hô hấp sau khi mắc phải một căn bệnh khác.
- Nhiễm nấm đôi khi gây viêm phế quản.
- Các nguyên nhân khác: Bên cạnh nhiễm trùng, tiếp xúc với các chất gây kích thích phổi như khói thuốc lá, bụi, khói, hơi và ô nhiễm không khí cũng có thể gây viêm phế quản.
Viêm phế quản mãn tính gây viêm đường hô hấp liên tục. Đây là một loại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Triệu chứng của viêm phế quản
Các triệu chứng của viêm phế quản là tương tự nhau. Tuy nhiên, viêm phế quản mãn tính không tự khỏi, mặc dù các triệu chứng có thể ít xuất hiện hơn. Viêm phế quản do vi-rút và vi khuẩn thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Một số triệu chứng bao gồm:
- Ho nhiều thường tiết ra đờm;
- Có đờm trong suốt, màu xanh lá cây hoặc màu vàng;
- Sốt hoặc ớn lạnh;
- Khò khè hoặc khó thở, đặc biệt là khi nằm;
- Cảm giác đầy hoặc căng ở ngực;
- Đau họng.
Điều trị viêm phế quản thế nào?
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính do vi-rút không đáp ứng với kháng sinh. Vì vậy, các lựa chọn điều trị sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng:
- Nghỉ ngơi;
- Uống nhiều nước;
- Thuốc giảm đau không kê đơn;
- Thuốc ho.
Máy tạo độ ẩm cũng có thể giảm ho vào ban đêm. Khi nhiễm vi khuẩn gây viêm phế quản, có thể sử dụng kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ.
Mặt khác, viêm phế quản mãn tính không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, có một số biện pháp can thiệp có thể giúp người bệnh dễ thở hơn. Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc hít, oxy, liệu pháp phục hồi chức năng phổi hoặc các loại thuốc khác để giúp giảm viêm trong đường thở.
Cả viêm phế quản cấp tính và mãn tính đều phổ biến hơn ở những người hút thuốc. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ viêm phế quản và ngăn ngừa tổn thương thêm cho đường thở.
Các yếu tố nguy cơ
Viêm phế quản mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tử vong do tổn thương tim hoặc phổi. Theo thời gian, cơ thể của một người có thể không thể nhận đủ oxy từ máu, gây tổn thương các cơ quan và có khả năng gây ra các bệnh khác.
Viêm phế quản mãn tính cũng làm tăng đáng kể nguy cơ viêm phổi đồng thời gây khó khăn cho việc điều trị và phục hồi viêm phổi.
Viêm phế quản cấp tính thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một người có hệ thống miễn dịch yếu có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng khác bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
Viêm phổi
Viêm phổi là một tình trạng bệnh lý rất nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Nguyên nhân của viêm phổi
Những người mắc các bệnh mãn tính có thể thường xuyên bị viêm phổi. Nhiều người bị viêm phổi sau khi bị nhiễm virus hay cũng có thể bị viêm phổi sau viêm phế quản.
Một số biện pháp tiêm chủng có thể làm giảm nguy cơ viêm phổi. Ví dụ việc tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn có thể giúp ngăn ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn. Loại viêm phổi này phổ biến ở những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Triệu chứng của viêm phổi là gì?
Các triệu chứng viêm phổi rất giống với viêm phế quản bao gồm:
- Ho nhiều, có đờm màu vàng, màu xanh hoặc kèm theo máu;
- Sốt, khó thở;
- Đau ngực có thể cảm thấy nhói theo nhịp thở;
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng;
- Đau họng.
Một số triệu chứng có thể giúp phân biệt viêm phổi với viêm phế quản bao gồm:
- Lú lẫn hoặc thay đổi về nhận thức ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi;
- Thở nhanh, nông thay vì thở khò khè;
- Buồn nôn và ói mửa, đặc biệt ở trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Ăn mất ngon;
- Ớn lạnh và đau cơ.
Điều trị viêm phổi
Phương pháp điều trị viêm phổi cần phụ thuộc vào loại viêm phổi mà người bệnh mắc phải. Thuốc kháng sinh có thể điều trị viêm phổi do vi khuẩn, thuốc chống nấm có thể điều trị viêm phổi do nấm, tuy nhiên không có cách điều trị cụ thể cho các dạng viêm phổi do virus. Một số biện pháp khác có hỗ trợ điều trị bao gồm:
- Uống thuốc giảm đau để giảm đau và hỗ trợ kiểm soát cơn sốt nếu có;
- Uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc hơi nước để giúp làm lỏng dịch đờm;
- Tránh hút thuốc.
Trong khi một số người cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng thuốc ho, tuy nhiên ho là một biện pháp để cơ thể thoát khỏi nhiễm trùng. Vì vậy, cần nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc ho.
Một số trường hợp bị viêm phổi cần được nhập viện để có sự chăm sóc y tế phù hợp. Truyền dịch và thuốc cho các tình trạng như sốt cao có thể giúp phục hồi nhanh hơn.
Các yếu tố nguy cơ
Viêm phổi có mức độ nghiêm trọng từ tương đối nhẹ đến nguy hiểm tính mạng khi việc thở trở nên khó khăn. Viêm phổi hiểm hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đồng thời mắc các bệnh khác.
Viêm phổi có thể làm giảm oxy máu và làm tổn thương các cơ quan. Những người bị viêm phổi có thể tử vong vì suy hô hấp, sốc, nhiễm trùng huyết và áp xe phổi.
Nhầm lẫn viêm phế quản và viêm phổi?
Nhiễm trùng gây viêm phế quản cũng có thể gây viêm phổi. Hơn nữa, viêm phế quản mãn tính là một yếu tố nguy cơ phát triển viêm phổi và các nhiễm trùng nghiêm trọng khác.
Người bệnh có chẩn đoán trước đó về một tình trạng nhiễm trùng vẫn có thể bị nhiễm trùng cơ quan còn lại. Điều quan trọng là phải theo dõi các dấu hiệu hoặc tình trạng xấu đi của các triệu chứng.
Các triệu chứng của hai bệnh hầu như không thể phân biệt được với hầu hết mọi người. Vì vậy, cần thăm khám bác sĩ để có thể chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở và phương án điều trị phù hợp.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Cả viêm phế quản và viêm phổi có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, vì vậy không nên tự chẩn đoán bệnh. Nên đi khám bác sĩ nếu:
-
Khó thở;
-
Cảm thấy không thể ngừng ho;
-
Sốt rất cao.
-
Các triệu chứng viêm phổi hoặc viêm phế quản không cải thiện khi điều trị, hoặc các triệu chứng trở nên tốt hơn và sau đó tái phát;
-
Người bị bệnh mãn tính và khó thở;
-
Trẻ em hoặc trẻ nhỏ thở hổn hển, thở không đều hoặc không thể thở.
Tóm lược
Viêm phế quản và viêm phổi đều có khả năng điều trị cao, đặc biệt là ngay khi mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Cả hai tình trạng trên có các triệu chứng rất giống nhau, đó là lý do tại sao mọi người thường nhầm lẫn giữa các bệnh này. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ không thể nhận ra sự khác biệt nếu không có chẩn đoán từ bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác.
Chăm sóc y tế kịp thời có thể cải thiện tình trạng bệnh và giúp người bệnh trở lại cuộc sống thường nhật một cách nhanh chóng.
Xem thêm: Viêm tiểu phế quản cấp
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh