✴️ Cảnh báo an toàn, bảo vệ hiện trường, an toàn cho người chăm sóc và nạn nhân

Nội dung

KHÁI NIỆM

An toàn hiện trường là yêu cầu đầu tiên của người cấp cứu. Trước khi tiến hành cấp cứu cần phải quan sát và loại bỏ hoặc tránh gây các nguy cơ tại hiện trường như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất, tai nạn … Đồng thời phải có động tác cảnh báo hiện trường để tránh nguy cơ cho người xung quanh và phục vụ công tác điều tra sau này.

An toàn cho người chăm sóc và nạn nhân là áp dụng các kiến thức, hiểu biết, trang bị dụng cụ và các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho người cấp cứu và khẩn trương sơ cấp cứu y tế cho nạn nhân.

 

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Bước 1: Thực hiện an toàn hiện trường

Để coi và kiểm tra sơ nạn nhân trước hết cần khảo sát nhanh hiện trường xung quanh để đảm bảo sự an toàn.

Cần loại bỏ ngay các mối nguy hiểm từ hiện trường như cháy, nổ, điện giật, khí gas, hóa chất, sập nhà, đổ tường, tai nạn … Các mối nguy hiểm từ con người tại hiện trường (kể cả nạn nhân) như chất thải, máu có thể là tác nhân lây nhiễm như bệnh HIV, viêm gan … Nếu không đủ khả năng thì kêu gọi trợ giúp và chờ những người có chuyên môn xử trí đến giải quyết.

Khi hiện trường đã an toàn cần nhanh chóng coi và kiểm tra sơ bộ nạn nhân, tìm hiểu nhanh tình huống, nguyên nhân xảy ra, không được vội vàng di chuyển nạn nhân trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.

Bước 2: Gọi số cấp cứu 115

Sau khi kiểm tra nạn nhân, hãy chỉ định một người thực hiện cuộc gọi cấp cứu theo số 115. Nếu bạn là người duy nhất ở đó ngoài nạn nhân thì bạn hãy là người gọi cấp cứu. Cần nói rõ vị trí hiện tại, mô tả bệnh nhân. Sau khi thực hiện cuộc gọi, hãy bình tĩnh chăm sóc tốt nhất có thể cho nạn nhân.

Bước 3: Thực hiện an toàn cho người cấp cứu

Trước hết phải bình tĩnh, cố gắng giải tán đám đông, chấn an những người xung quanh và nạn nhân. Khi cần có thể yêu cầu một số người cùng giúp đở giải quyết an toàn hiện trường.

Cần cách ly ngay đường điện đứt, rơi, lộ trần trong khu vực tai nạn, cháy nổ, rò rỉ gas, hóa chất ...

Tai nạn giao thông: nhờ người cảnh báo đoạn đường phía trước và sau tai nạn.

Những mối nguy hiểm đặc biệt mà bạn không thể giảm thiểu được như vật nặng rơi xuống, tòa nhà cháy … thì hãy tránh xa và gọi các dịch vụ khẩn cấp trợ giúp, nhớ rằng không bao giờ được đặt bản thân bạn vào nguy hiểm.

Một số trang bị cần thiết đối với người cấp cứu:

Những dụng cụ sơ cứu cơ bản và vật tư y tế: găng tay, bông băng gạc, kẹp, kéo, nẹp cố định xương khớp.

Các loại thuốc sơ cứu: thuốc sát khuẩn, thuốc giảm đau, dịch truyền …

Sổ tay hướng dẫn sơ cấp cứu.

Bước 4: An toàn cho nạn nhân

Thăm khám ban đầu cho nạn nhân: Bắt đầu bằng cách thăm khám theo trình tự A,B,C,D,E

Đường thở (A: Airway): trước hết cần nhận biết nạn nhân tỉnh, còn tiếp xúc được không, nếu đường thở tắc nghẽn cần mở miệng kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật thì phải móc lấy sạch. Nếu có tụt lưỡi cần tiến hành kéo lưỡi, nâng cằm, đẩy hàm, giữ cho đường thở thẳng trục, đảm bảo thông khí.

Hô hấp (B: Breathing): nếu có ngừng thở, tím tái phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng-miệng hoặc miệng-mũi.

Tuần hoàn (C: Circulation): kiểm tra mạch cổ tay hoặc mạch bẹn, nếu có vết thương chảy máu cần băng ép ngay. Nạn nhân có dấu hiệu lơ mơ, da nhợt, vã mồ hôi là dấu hiệu shock mất máu cần hồi sức ngay bằng dịch truyền, thở oxy nếu có điều kiện. Trường hợp nạn nhân có ngừng tim cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực phối hợp với hô hấp nhân tạo.

Thần kinh (D: Disability): kiểm tra xem có mê hoặc liệt vận động không. Nếu nạn nhân đã hôn mê sâu cần cho thở oxy và vận chuyển sớm đến cơ sở y tế.

Bộc lộ toàn thân (E: Exposure): Để xác định vị trí các thương tổn còn chưa rõ, nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng cần bất động trên ván cứng, ở phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không.

 

Các bước kiểm tra

Kiểm tra tri giác của nạn nhân: vỗ nhẹ vào má và hỏi, nếu nạn nhân mất tri giác thì thực hiện quy trình A,B,C,D,E.

Kiểm tra đường thở: lau sạch vùng miệng-hầu-họng để cổ ngửa thẳng đảm bảo thông khí.

Kiểm tra hô hấp và tuần hoàn: đặt tai của bạn gần với miệng nạn nhân để nghe hoặc cảm nhận tiếng thở đồng thời nhìn ngực nạn nhân có biểu hiện hít vào thở ra hay không. Dùng ngón tay kiểm tra mạch đập ở cổ nạn nhân.

3 bước trên giúp xác định xem có cần tiến hành hô hấp nhân tạo hay không.

 

Một số lưu ý an toàn khác cho nạn nhân

Vấn đề tháo bỏ mũ bảo hiểm: khuyên không nên thực hiện tại hiện trường nếu nạn nhân không khó thở, không cần can thiệt vào đường thở hoặc hồi sức tim phổi. Trường hợp cần thiết cần tiến hành an toàn gốm 2 thì tháo mũ và đặt nẹp cố định cột sống cổ. Cả 2 thì đều cần 2 người, 1 người ở sau đầu và 1 người ở bên đầu phối hợp thực hiện.

Ghi chép thông tin cá nhân: họ, tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại … của nạn nhân để lưu hồ sơ cấp cứu.

Câu hỏi dạng AMPLE giúp cho nắm thông tin nạn nhân để cấp cứu: Bạn có dị ứng (Allergy-A) với thuốc gì không?

Bạn có đang dùng thuốc (Medicatión-M) gì không?

Tiền sử bệnh tật (Past medical history-P)?

Bữa ăn cuối gần đây từ khi nào (Last meal-L)? Do đâu mà bạn bị tai nạn (Events-E)?

 

Tóm lại thực hiện an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân nhằm:

Cấp cứu, giữ mạng sống của nạn nhân luôn ưu tiên hàng đầu, giảm chấn thương thêm, gia tăng khả năng hồi phục, cần tiến hành khẩn trương theo nguyên tắc tận dụng giờ vàng (Golden hours).

Các bước thao tác để bảo vệ cảnh báo hiện trường, an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân là những việc rất cần thiết, cần thực hiện nhanh trước khi cấp cứu nạn nhân. Vì nếu không an toàn cho người cấp cứu thì bạn không thể cứu được ai cả.

Sau khi hiện trường an toàn thì tiến hành cấp cứu theo quy định phân loại bệnh nhân, ưu tiên cấp cứu bệnh nhân nặng hơn trước. Qui trình thăm khám và xử trí ban đầu theo A,B,C,D,E.

Gọi 115, yêu cầu giúp đỡ và thu xếp vận chuyển nạn nhân an toàn đến cơ sở y tế. Tiếp tục chăm sóc, an ủi nạn nhân để tránh gây thêm những thương tổn và biến chứng về sau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top