✅ Các biện pháp giúp giảm nổi mề đay mạn tính

Nội dung

Ngoài màu sắc đa dạng, mề đay cũng có nhiều hình dạng. Một số có dạng đốm hoặc nốt li ti, số khác trông giống các đường mỏng, gồ lên. Mề đay cũng xuất hiện trên da với nhiều kích cỡ. Chúng có thể nhỏ bằng đinh ghim, to bằng cái đĩa, hay bất cứ kích thước nào. Nổi mề đay có thể do:

  • Một phản ứng dị ứng;
  • Một tác nhân vật lý, như lạnh, nước hay đè ép;
  • Một tình trạng bệnh lý, như nhiễm trùng hay bệnh tự miễn.

Tình trạng nổi mề đay ở mỗi người là không giống nhau. Nếu bạn tiếp tục bị nổi mề đay hàng ngày hoặc hầu như mỗi ngày trong 6 tuần hoặc lâu hơn thì thuật ngữ y khoa cho tình trạng này là “nổi mề đay mạn tính”.

Khi bạn bị mề đay mạn tính, phương pháp điều trị hiệu quả nhất thường phụ thuộc vào dạng mề đay và tiền sử bệnh của bạn.

Khi bạn có nhiều đợt bùng phát trong 6 tuần hoặc lâu hơn, sau đây là những gì bác sĩ da liễu khuyến nghị

1. Đặt lịch khám với bác sĩ da liễu hoặc các chuyên gia về dị ứng. Mặc dù hầu hết những người bị nổi mề đay đều khỏe mạnh, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên đi khám.Thăm khám kĩ lưỡng giúp loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra, chẳng hạn như nhiễm trùng hay do thuốc.

Cũng có thể một bệnh lý, như bệnh lý tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, hay đái tháo đường gây nổi mề đay. Nếu các dấu hiệu cho thấy đây có thể là nguyên nhân, một số xét nghiệm có thể tìm hoặc loại trừ những nguyên nhân này.

Mặc dù thuốc và các tình trạng y khoa có thể gây nổi mề đay, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác, bao gồm thức ăn, côn trùng cắn và đè ép lên trên da. Đôi khi, không thể tìm được nguyên nhân. Khi đó, bác sĩ da liễu khuyên bạn nên thay đổi lối sống và hướng dẫn sử dụng thuốc nhằm giảm các đợt bùng phát.

2. Theo dõi các đợt bùng phát.  Mặc dù không phải lúc nào cũng tìm được nguyên nhân, nhưng việc theo dõi các đợt bùng phát giúp bạn tìm ra tác nhân gây nổi mề đay. Dưới đây là một số các tác nhân có thể gây nổi mề đay kéo dài.

Tác nhân

Thời điểm mề đay xuất hiện

Thức ăn: Nhiều loại thực phẩm có thể làm nổi mề đay, bao gồm đậu phộng và các loại hạt, trứng và hải sản có vỏ.

Mề đay thường nổi trong vòng 1 tiếng sau ăn.

Thức ăn (nếu bạn bị dị ứng nhựa mủ thực vật): Nếu bạn đã bị dị ứng nhựa mủ thực vật thì chuối, hạt dẻ, kiwi, hay xoài có thể làm nổi mề đay.

Mề đay xuất hiện 12 đến 24 giờ sau khi ăn các thực phẩm gây dị ứng.

Các chất phụ gia: Màu và chất bảo quản trong thực phẩm, vitamin và thực phẩm chức năng, gia vị, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da, kem đánh răng, hay các hóa mỹ phẩm khác có thể gây nổi mề đay.

Mề đay thường xuất hiện trong vòng 12 đến 24 giờ.

Thuốc: Nhiều loại thuốc, như kháng sinh, aspirin, và ibuprofen có thể gây nổi mề đay.

Mề đay thường xuất hiện ngay lập tức, vài ngày, vài tuần hoặc vài năm sau khi bạn bắt đầu sử dụng thuốc.

Lạnh

Mề đay hay vùng phát ban ngứa xuất hiện khi bạn bắt đầu ấm dần sau khi tắm nước lạnh hoặc ở ngoài trời lạnh. Mề đay cũng có thể xuất hiện gần như ngay lập tức khi bạn đi vào phòng có điều hòa hoặc đứng gần tủ lạnh.

Hơi nóng

Mề đay nổi lên trong vài phút.

Tia cực tím (nắng mặt trời, giường tắm nắng)

Mề đay thường xuất hiện trong vài phút.

Sự rung lắc, chấn động (nguyên nhân hiếm gặp)

Bị sưng và ngứa khi gặp phải bất kì sự chấn động nào.

Adrenalin: Căng thẳng, tập thể dục, hơi nóng, tắm nước nóng là một số ít nguyên nhân khiến cơ thể bạn tiết ra adrenalin.

Mề đay nổi lên nhanh và kéo dài trong 30 đến 60 phút.

Đè ép lên da: Quần áo bó sát, ngồi, hay dây đeo túi có thể tạo ra đủ áp lực gây nổi mề đay.

Mề đay có thể nổi lên khi có áp lực lên da hoặc 4 đến 24 giờ sau đó.

Nước (nguyên nhân hiếm gặp)

Mề đay thường xuất hiện trong vòng 1 đến 3 phút khi nước tiếp xúc với da.

Chạm phải cây cối, động vật hoặc hóa chất: gai cây tầm ma, sứa, quế, axit sorbic, hay cao su là những tác nhân phổ biến.

Thường trong vài phút sẽ xuất hiện mề đay (và thỉnh thoảng có khó thở).

3. Chụp lại hình ảnh mề đay. Khi bạn đi khám da liễu, bạn có thể không nổi mề đay. Chụp hình mề đay có thể giúp bác sĩ da liễu đưa ra chẩn đoán. Một số sang thương da khác có thể trông giống mề đay.

4. Giảm ngứa tại nhà. Ngứa thường gặp ở những người bị mề đay mạn tính. Sau đây là một số cách giảm ngứa tạm thời:

  • Tránh bị nóng quá;
  • Mặc đồ rộng rãi, chất liệu cotton;
  • Chườm lạnh, chẳng hạn như bọc đá viên trong khăn và chườm lên vùng da ngứa vài lần mỗi ngày – trừ khi lạnh là tác nhân khiến bạn bị nổi mề đay;
  • Sử dụng thuốc chống ngứa, như các loại kem kháng histamine hay calamine;
  • Ngăn không để da bị khô bằng cách sử dụng kem làm ẩm không chứa nước hoa vài lần mỗi ngày.

5. Hãy giữ bình tĩnh. Căng thẳng có thể gây nổi mề đay. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng thường xuyên, có nhiều cách để làm giảm stress như tập thể dục mỗi ngày, thiền hay thực hành chánh niệm.

6. Tin rằng điều trị sẽ có hiệu quả khi nguyên nhân nổi mề đay của bạn vẫn chưa rõ. Sẽ rất hữu ích nếu tìm được nguyên nhân gây nổi mề đay, nhưng đôi khi, bạn không thể tìm ra nguyên nhân. Khoảng 50% người bị nổi mề đay mạn tính không bao giờ tìm ra nguyên nhân của các đợt bùng phát.

Ngay cả khi bạn không thể tìm ra nguyên nhân, điều trị có thể giúp bạn không nổi mề đay nữa và ngăn các đợt bùng phát mới.

7. Tuân thủ kế hoạch điều trị. Để điều trị có hiệu quả, bạn cần phải tuân thủ kế hoạch điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Điều trị có thể không hiệu quả khi bạn dùng thuốc không thường xuyên như được dặn dò. Ví dụ, nếu bác sĩ cho bạn thuốc kháng histamine hàng ngày và bạn chỉ uống khi có đợt bùng phát, thì bạn vẫn có thể tiếp tục bị nổi mề đay.

8. Hãy nói với bác sĩ nếu điều trị không có hiệu quả. Nếu bạn đang làm theo kế hoạch điều trị như được hướng dẫn, bạn vẫn có thể còn những đợt bùng phát. Mề đay rất cứng đầu, nhưng điều trị vẫn có thể hiệu quả.

Để làm nhẹ triệu chứng, bác sĩ da liễu có thể:

  • Tăng liều thuốc;
  • Thêm thuốc vào kế hoạch điều trị;
  • Đổi thuốc.

Trước khi thay đổi kế hoạch điều trị, hãy chắc chắn rằng bạn đã làm theo kế hoạch điều trị ban đầu.

9. Xét nghiệm dị ứng trên diện rộng hiếm khi hiệu quả. Nhiều người tin rằng mề đay chỉ biến mất khi tìm được nguyên nhân gây nổi mề đay. Kể cả khi chưa xác định được nguyên nhân, điều trị có thể giúp hết mề đay.

10. Nổi mề đay mạn tính có thể tự khỏi. Khoảng một nửa số người bị nổi mề đay mạn tính sẽ khỏi bệnh trong 1 năm.

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top