Nhưng khi trẻ ở trạng thái tĩnh, là khi trẻ hoàn toàn không có chút vận động nào, đặc biệt là ban đêm mà đổ mồ hôi thì dân gian gọi là mồ hôi trộm. Mồ hôi thường ra nhiều nhất ở lưng, trán, nách, háng, bàn tay – bàn chân, vì đó là nơi có nhiều tuyến mồ hôi nằm dưới da.
Thành phần mồ hôi được thải ra hơn 90% là nước, còn lại một ít muối và các chất cặn bã mà cơ thể cần tống ra ngoài. Khi mồ hôi ra quá nhiều và liên tục, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và muối. Sự mất nước và muối sẽ khiến cơ thể trẻ yếu đi, người mệt hơn.
Nếu hiện tượng đó kéo dài và liên tục ngày này sang ngày khác, cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến hiện tượng này của trẻ để tìm cách khắc phục, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Chứng ra mồ hôi trộm này thường hay gặp ở những trẻ con thiếu vitamin D trong giai đoạn sớm. Triệu chứng cho thấy trẻ thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc hay giật mình, do tình trạng thần kinh bị kích thích, đồng thời trẻ hay ra mồ hôi ở trán, gáy ngay cả khi trời lạnh, đặc biệt ra nhiều mồ hôi lúc ngủ (mồ hôi trộm) nên trẻ hay rụng tóc vùng gáy.
Trẻ dưới một tuổi thường hay thiếu vitamin D, do đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất, trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, những trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, bị còi xương…
Do cha mẹ đắp quá nhiều chăn cho con mình, hoặc phòng ngủ quá bí hơi không có chỗ thông gió tạo nên sự nóng bức ngột ngạt, làm trẻ em khi ngủ cảm thấy khó chịu nên rất dễ toát mồ hôi. Khi đó ra mồ hôi trộm không phải là một chứng bệnh, mà chỉ cần cải thiện môi trường nơi bé ngủ.
Hệ thần kinh của bé chưa ổn định, đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện. Bởi mồ hôi bài tiết nhiều hay ít là tùy vào sự điều hòa của hệ thần kinh.
Bổ sung vitamin D: với khí hậu và mức chiếu nắng của chúng ta, nếu biết cách sử dụng, chúng ta có thể hoàn toàn cung cấp đủ vitamin D cho trẻ. Vì thế, những ngày có ánh nắng, bạn nên tận dụng ánh sáng mặt trời vào buổi sáng để tắm nắng cho bé bằng cách: sáng trước 10 giờ, thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 – 30 phút.
Để cho càng nhiều da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng càng tốt, không cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời chiếu vào. Giữ cho trẻ luôn mát (ăn, ngủ nơi rộng rãi, thoáng mát, chơi đùa trong bóng râm và luôn tắm rửa sạch sẽ hằng ngày). Cho trẻ uống đủ nước.
Nên cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát: rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam… Hạn chế các thức ăn sinh nhiệt, cay nóng. Các thức ăn này sinh nhiệt, do đó dễ làm cho cơ thể có nhiều mồ hôi, có thể gây ngứa hoặc mụn ngoài da. Nên cho trẻ uống ac-ti-sô, củ sen, bột sắn dây, hay bài thuốc lục vị ẩm…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh