✅ Nguyên nhân nào hình thành nốt ruồi

Nốt ruồi là gì?

Nốt ruồi được xem là một tổn thương da lành tính do sự tăng sinh cục bộ của tế bào sắc tố thay vì trải đều trên lớp biểu bì của da.

Mỗi người chúng ta đều có ít nhất 1 nốt ruồi trên cơ thể. Chúng bắt đầu xuất hiện trên da từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành và phát triển tăng dần theo tuổi. Nó có thể nhạt màu hay đậm màu theo thời gian, những thay đổi này là bình thường và hiếm khi biến chuyển thành u hắc tố.

Ở người trưởng thành, những nốt ruồi mới xuất hiện gần đây hoặc có sự thay đổi đối với những nốt ruồi đã tồn tại từ trước có thể là dấu hiệu cảnh báo của u hắc tố.

Vậy u hắc tố là gì ? Nó là một loại ung thư da nguy hiểm nhất, có nguồn gốc từ các  tế bào hắc tố ở lớp đáy của lớp biểu bì bị đột biến và một số phát triển từ nốt ruồi.

Tại sao nốt ruồi hình thành

Hiện nay khoa học chưa giải thích được nguyên nhân tăng sinh cục bộ của tế bào sắc tố nhưng số lượng nốt ruồi của một người đã được chứng minh có liên quan đến yếu tố di truyền, cường độ tiếp xúc tia UV và tình trạng miễn dịch.

Nghiên cứu cho thấy người có làn da sáng màu sẽ có nhiều nốt ruồi hơn so với người có làn da tối, ví dụ như người New Zealander bình thường có khoảng 20-50 nốt ruồi trên người.

Đột biến gen BRAF, dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng làm tăng số lượng nốt ruồi đáng kể.

Người thường xuyên tiếp xúc tia cực tím hay mang thai không những số lượng mà màu sắc của nốt ruồi cũng trở nên tối màu hơn.

Dấu hiệu lâm sàng

Nốt ruồi bình thường có các dấu hiệu như sau:

  • Một màu: thường là màu nâu nhưng cũng có thể là màu đen, đỏ, hồng, xanh dương, màu da hoặc không màu;
  • Hình tròn;
  • Bằng hay hơi nhô lên so với bề mặt da;
  • Không thay đổi hay thay đổi rất chậm theo thời gian và thậm chí có thể biến mất.

Các nốt ruồi trên cùng một người không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau, chúng có thể khác nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc và có thể xuất hiện lông trên bề mặt.

Có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể như da đầu, lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ ngón hay thậm chí dưới móng.

U tế bào hắc tố

Tuy là loại ung thư da ác tính nhất nhưng nếu được chẩn đoán sớm thì vẫn có thể chữa khỏi được. Ngược lại, nếu bệnh đã tiến triển tới giai đoạn muộn và di căn sang các phần khác của cơ thể, việc điều trị rất khó và tỉ lệ tử vong cao. Dù bệnh này không phải là dạng phổ biến nhất trong các dạng ung thư da nhưng nó gây ra hầu hết các trường hợp tử vong.              

Dưới đây là các dấu hiện gợi ý:

A: Không đối xứng

Nốt ruồi lành tính có dạng đối xứng. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua tâm, nó sẽ chia nốt ruồi thành hai phần bằng nhau. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua nốt ruồi bất thường, hai nửa sẽ tạo hai phần không đối xứng, đây chính là một dấu hiệu cảnh báo cho khối u ác tính.

B: Bờ không đều 

Một nốt ruồi lành tính có bề mặt và viền bờ nhẵn. Trong khi đó, viền của một khối u hắc tố ác tính ở giai đoạn đầu có xu hướng không đồng đều, thường có dạng vỏ sò hoặc có các khe hình chữ V.

C: Màu sắc không đồng nhất

Hầu hết các nốt ruồi lành tính có màu đồng nhất, thường là màu nâu. Nốt ruồi ác tính thường pha lẫn nhiều màu như màu nâu, đen, đỏ ,trắng, xanh dương. Đây là một tín hiệu cảnh báo.

D: Kích thước

Nốt ruồi lành tính thường có đường kính nhỏ hơn so với những khối u ác tính. Đường kính u hắc tố thường lớn 6mm, nhưng đôi khi cũng có thể nhỏ hơn.

E: Phát triển

Thông thường, nốt ruồi lành tính không biến đổi theo thời gian. Hãy cảnh giác khi một nốt ruồi bắt đầu phát triển hoặc thay đổi theo bất kỳ cách nào. Những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc, độ cao, hoặc các triệu chứng như chảy máu, ngứa hoặc đóng vảy đều là những dấu hiệu nguy hiểm.

Nốt ruồi không điển hình:

Chúng có thể giống u hắc tố nhưng thật tế không phải, tuy nhiên nếu có thêm các yếu tố sau thì chúng có nguy cơ cao trở thành ung thư da.Các yếu tố đó là:

  • Trên 4 nốt ruồi không điển hình;
  • Đã từng mắc u hắc tố;
  • Cha, mẹ, anh chị em , con cái trong gia đình bị u hắc tố.

Trong thuật ngữ y khoa gọi nốt ruồi không điển hình là nevus loạn sản , nếu có nhiều nốt gọi là nevi loạn sản.

Đặc điểm:

  • Lớn hơn cục tẩy ở đuôi cây bút chì;
  • Hình dạng khác thường (không phải hình tròn);
  • Màu sắc pha lẫn nhiều màu: nâu, đen, đỏ, hồng.

Vị trí: mọi vị trí trên cơ thể, nhưng thường gặp ở thân mình, ngoài ra có thể gặp ở vùng đầu cổ nhưng hiếm khi xuất hiện ở vùng mặt.

Hội chứng FAMMM (familial atypical multiple mole melanoma): là hội chứng các thành viên trong gia đình có nhiều nốt ruồi (> 50), trong đó có vài nốt ruồi không điển hình và có tiền sử mắc ung thư hắc tố.

Nốt ruồi bẩm sinh: tức là sinh ra đã có, với tỉ lệ gặp 1:100 người, kích thước có thể thay đổi từ nhỏ đến khổng lồ. Nốt ruồi khổng lồ có nguy cơ cao trở thành ung thư hắc tố hơn.

Nevus Spitz

Nốt ruồi loại này khá giống ung thư hắc tố, ngay cả bác sĩ chuyên khoa da liễu cũng khó xác định có ác tính hay không nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.

Hầu hết nốt ruồi Spitz có màu hồng, hình vòm và to dần. Tuy nhiên đôi khi cũng có thể có màu đỏ, đen hay nâu, có thể bị chảy máu và có lỗ dò ra bên ngoài.

Nó thường xuất hiện trong 20 năm đầu đời, vài trường hợp có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Nốt ruồi mắc phải: là những nốt ruồi xuất hiện sau sinh, người có làn da sáng thường có từ 10-40 nốt , chúng thường là lành tính. Tuy nhiên nếu số lượng trên 50 nốt sẽ có nguy cơ bị ung thư hắc tố.

Điều trị nốt ruồi

Qua sự kiểm tra bằng mắt, nếu bác sĩ da liễu xác định đây là nốt ruồi bình thường thì không cần can thiệp trừ khi bệnh nhân muốn loại bỏ do yếu tố thẩm mỹ hay ở vị trí dễ bị chấn thương .

Bác sĩ có thể dùng phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ nốt ruồi, rồi khâu da lại. Nếu được huấn luyện thì bác sĩ có thể xem trực tiếp trên kính hiển vi để xác định lại chẩn đoán có phải ung thư hắc tố hay không một cách chính xác.

Ngoài phương pháp phẫu thuật bác sĩ có thể dùng laser để đốt nốt ruồi.

Như vậy loại bỏ nốt ruồi có thể thực hiện tại phòng khám mà không cần đến bệnh viện.

Da sẽ lành lại sau khi loại bỏ nốt ruồi nhưng nếu thấy nốt ruồi đen xuất hiện trở lại thì phải đến gặp bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố, loại ung thư da nguy hiểm nhất.

Lời khuyên của bác sĩ da liễu

Nên thường xuyên tự kiểm tra làn da của bạn để phát hiện các bất thường theo các dấu hiệu ABCDE đã đề cập.

Nếu thấy nốt ruồi có các dấu hiệu thay đổi so với lúc trước hoặc ngứa, chảy máu thì nên đến gặp bác sĩ da liễu ngay.

Luôn bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời vì tia UV làm gia tăng số lượng nốt ruồi và đã đươc chứng minh là tác nhân quan trọng gây ung thư da. Lưu ý rằng giường tắm đen da và đèn mặt trời cũng có thể gây ung thư da.

Nếu chỉ sử dụng kem chống nắng là chưa đủ, nên cần che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài trời bằng nón rộng vành, quần áo dài tay. Nên chọn chất liệu vải có độ chống nắng UPF 40+. Đối với những vùng không thể che phủ được thì nên dùng kem chống nắng SPF từ 50+

Không nên tự mình loại bỏ nốt ruồi vì:

  • Nếu là ung thư da việc không cắt bỏ hoàn toàn nốt ruồi thì các tế bào ung thư sẽ còn sót lại và phát triển rất nhanh;
  • Để sẹo xấu;
  • Không bảo đảm vô trùng;
  • Gây chảy máu khó cầm.

Tin tức cùng chuyên mục: Nốt ruồi - khi nào cần phá bỏ?

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

 

return to top