✅ Sốt xuất huyết Dengue: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng ngừa

Nội dung

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt Dengue hay sốt xuất huyết Dengue (gọi chung là sốt xuất huyết - SXH) là một bệnh do virus lây truyền qua vết cắn của bất kỳ chủng virus Dengue nào. Bệnh nhân nhiễm virus Dengue thường có biểu hiện sốt, đau đầu, phát ban, buồn nôn, nôn, đau mỏi cơ. Trong một số trường hợp, sốt Dengue có thể tiến triển nặng gọi là sốt xuất huyết nặng, đặc trưng bởi rò rỉ huyết tương có hoặc không có xuất huyết. Xuất huyết nặng hoặc tổn thương đa cơ quan có thể xảy ra, có hoặc không kèm theo sốc.

Ai bị sốt xuất huyết?

Vài trăm năm trước, virus SXH được cho đã chuyển từ chu kỳ lây truyền từ muỗi-khỉ-muỗi sang trở thành bệnh lưu hành ở người.

Ước tính có khoảng 400 triệu ca nhiễm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới mỗi năm, đặc biệt là ở khu vực nhiệt đới.

Trẻ em, người già và những người suy giảm miễn dịch có xu hướng dễ mắc virus SXH hơn, nhất là dạng không điển hình và thể nặng. Sốt xuất huyết nặng lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1950 trong các trận dịch ở Philippines và Thái Lan, nhưng hiện nay nó đã được báo cáo trên toàn cầu.

Sốt xuất huyết

 Sự lây lan nhanh chóng và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của bệnh được cho là do các yếu tố:

  • Dân số tăng
  • Du lịch toàn cầu
  • Biến đổi khí hậu với nhiệt độ ngày càng tăng ở các nước cận nhiệt đới
  • Nơi sinh sản của muỗi phong phú hơn (các vũng nước nhỏ như trong lốp xe bỏ đi, lọ hoa hoặc dụng cụ chứa nước không đậy nắp).

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Virus sốt xuất huyết thuộc họ Flavivirus, cùng họ với các loại virus bao gồm sốt vàng da và Zika. Chúng còn được gọi là Arbovirus, vì được truyền qua vết đốt của động vật chân đốt (trong trường hợp SXH là do muỗi Aedes, đặc biệt là Aedes aegypti).

Virus sốt xuất huyết (DENV) là những virus ARN sợi đơn, nhỏ, hình cầu với bốn kiểu huyết thanh virus riêng biệt DENV 1–4.

Khi một người bị nhiễm bệnh, virus sẽ xâm nhập và nhân lên trong máu, trở thành nguồn lây cho những con muỗi chưa bị nhiễm khác. Bệnh nhân đã bị nhiễm virus SXH có thể truyền bệnh qua muỗi sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện cho đến tối đa hai tuần sau đó.

Các đặc điểm lâm sàng

Một người bị nhiễm virus SXH sẽ phát triển các triệu chứng giống như cúm nặng. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh khác nhau tuỳ theo đặc điểm của mỗi người. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2–7 ngày sau giai đoạn ủ bệnh 4–10 ngày từ khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt.

Năm 2009, WHO đã phân loại lại bệnh SXH và chia thành ba nhóm:

  • Sốt Dengue ( Dengue Fever - DF ): gồm biểu hiện sốt (thường lên đến 40°C) cộng với hai trong số các triệu chứng sau:
  • Buồn nôn và/hoặc nôn
  • Phát ban (các chấm và đốm đỏ hoặc phát ban hợp lưu)
  • Giảm bạch cầu (bạch cầu máu thấp)
  • Đau nhức đặc biệt là tay và chân
  • Nghiệm pháp ga-rô dương tính
  • Nhức đầu sau mắt (đau sau mắt)

Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo ( Dengue hemorrhagic fever DHF ): Sốt Dengue cộng với ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng hoặc căng cơ
  • Nôn dai dẳng
  • Chảy máu niêm mạc (từ mũi và nướu răng)
  • Lơ mơ ( ngủ gà) hoặc bứt rứt
  • Gan to
  • Tăng hematocrit (một đặc điểm của mất dịch)
  • Giảm tiểu cầu
  • Tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng

Sốt xuất huyết nặng hay Sốc SXH ( Dengue shock syndrome - DSS ): Sốt Dengue cộng với ít nhất một trong những điều sau đây:

  • Suy thận
  • Phù phổi cấp
  • Sốc (huyết áp thấp, nhịp tim nhanh)
  • Xuất huyết nghiêm trọng
  • Suy tim, suy gan AST hoặc ALT > 1000 IU (xét nghiệm chức năng gan rất bất thường)
  • Rối loạn ý thức (Lơ mơ hoặc thậm chí hôn mê)

Biểu hiện da niêm của SXH Dengue

  • Da: ban xuất huyết đặc trưng của sốt Dengue

  • Xảy ra ở 50-82% bệnh nhân mắc bệnh

Biểu hiện ở da nổi bật trong các biểu hiện lâm sàng của DF và DHF

  • Phát ban ban đầu là ban đỏ thoáng qua trên mặt thường xảy ra ngay trước hoặc trong vòng 24-48 giờ đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng và là kết quả của sự giãn nở mao mạch

  • Phát ban thứ hai thường xảy ra 3-6 ngày sau khi bắt đầu sốt và đặc trưng bởi ban dát sẩn hoặc phát ban dạng sởi không có triệu chứng. Trong một số trường hợp, các tổn thương riêng lẻ có thể liên kết với nhau tạo ban đỏ hợp lưu toàn thân với chấm xuất huyết xen kẽ các đảo tròn da lành gọi là“ các đảo trắng trong biển đỏ” - đây là một đáp ứng miễn dịch với virus

  • Phát ban trong DF thường không có triệu chứng hoặc có ngứa kèm theo. Một số bệnh nhân chỉ phát ban ban đầu và hồi phục hoàn toàn, trong khi những người khác phát triển ban đỏ toàn thân

  • Phát ban toàn thân có đặc điểm bắt đầu ở mu bàn tay và bàn chân rồi lan ra cánh tay, chân và thân mình, kéo dài trong vài ngày và giảm dần mà không bong vảy

  • Phát ban dát sẩn, dạng sởi thường không có ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Sự xuất hiện của ban mịn trên các vùng da tỳ đè có thể đi kèm với tiền triệu và báo trước sự khởi phát của cơn sốt. Trong một số trường hợp, sự kết thúc của cơn sốt cũng được đánh dấu bằng những thay đổi ở da dưới dạng ban xuất huyết trên bàn tay, cẳng tay, bàn chân và cẳng chân, và trong miệng

  • Các biểu hiện xuất huyết trên da như chấm xuất huyết ,ban xuất huyết hoặc bầm máu với xét nghiệm garo dương tính thường thấy ở DHF và DSS và hiếm khi xảy ra ở DF

  • Nghiệm pháp garô được thực hiện bằng cách bơm hơi vòng đo huyết áp ở mặt trên của cánh tay đến điểm nằm giữa áp suất tâm thu và tâm trương trong 5 phút. Xét nghiệm được coi là dương tính khi quan sát thấy >20 đốm xuất huyết/2,5 cm2. Biểu hiện xuất huyết thường xuất hiện sau 4-5 ngày kể từ khi khởi phát sốt.

Niêm mạc:

Xảy ra ở 15% đến 30% bệnh nhân nhiễm virus sốt xuất huyết và phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc DHF so với DF

Các biểu hiện niêm mạc được ghi nhận trong nhiễm virus SXH là kết mạc và củng mạc, mụn nước nhỏ trên khẩu cái mềm hoặc ban đỏ, đóng vảy ở môi và lưỡi. Chadwick và cộng sự báo cáo liên quan đến kết mạc ở 14% bệnh nhân; tuy nhiên, một số báo cáo đã cho thấy tỷ lệ liên quan đến niêm mạc cao hơn, ví dụ: củng mạc (90%) và mụn nước trên khẩu cái mềm (> 50%).

Biến chứng

Biến chứng đáng sợ nhất là dạng nặng của SXH bao gồm: chảy máu nặng, sốc nặng, suy đa cơ quan và tổn thương não hoặc tim thường có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên điều may mắn là thể nặng thường ít gặp.

Chẩn đoán

SXH được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu trong 5 ngày đầu tiên khi mới có triệu chứng và/hoặc trong giai đoạn phục hồi sớm (hơn 5 ngày của các triệu chứng) để xác nhận sự hiện diện của virus.

Chẩn đoán cũng có thể được xác nhận bằng cách:

  • Sự hiện diện của IgM kháng virus sốt xuất huyết (IgM là kháng thể được tạo ra trong các bệnh nhiễm trùng cấp tính); hoặc
  • Sự gia tăng hiệu giá IgG chống lại virus Dengue ở hai mẫu máu khác nhau (IgG là kháng thể được tạo ra khi người đó đã bị nhiễm bệnh trước đó)

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt SXH với các bệnh lý nhiễm trùng và không nhiễm trùng khác

Phân biệt với các bệnh lý nhiễm trùng:

  • Virus: Chikungunya , Zika, cúm, HIV, sởi, Rubella
  • Vi khuẩn: Leptospirosis, sốt thương hàn, sốt phát ban, nhiễm trùng huyết , sốt Scarlet
  • Protozoa: sốt rét

Phân biệt với các bệnh lý không nhiễm trùng: 

  • Viêm: lupus ban đỏ hệ thống, dị ứng thuốc
  • Rối loạn huyết học: thiếu máu bất sản, bệnh bạch cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu…

Điều trị

  • Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh SXH. Bệnh nhân nên đi khám, nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

  • Có thể uống paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp.

  • Không nên dùng Aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

  • Trong trường hợp SXH nặng, bệnh nhân nên được nhập viện để duy trì thể tích tuần hoàn và kiểm soát các biến chứng.

Diễn tiến 

Sau khi phục hồi khỏi SXH, người bệnh có khả năng miễn dịch suốt đời chống lại típ huyết thanh virus Dengue cụ thể nhưng chỉ tạo ra sự miễn dịch một phần và tạm thời chống lại ba típ huyết thanh còn lại.

Nhiễm virus SXH lần tiếp theo dường như làm tăng nguy cơ phát triển bệnh SXH nặng.

Những người bị sốt xuất huyết không biến chứng hồi phục mà không để lại bất kỳ vấn đề gì.

Phòng chống sốt xuất huyết

Hiện đang có những nghiên cứu về các loại thuốc và vắc-xin chống virus SXH, cũng như để giảm và loại bỏ muỗi Aedes.

Kiểm soát Vector

Nơi sinh sản của muỗi nên được loại bỏ hoặc kiểm soát. Muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sinh sản trong các bể chứa nhân tạo và thùng chứa nước. Các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để giảm sự sinh sản của muỗi:

  • Đậy kín tất cả các bể nước, bể chứa nước, thùng phuy, thùng chứa rác
  • Loại bỏ hoặc đổ hết nước trong lốp xe cũ, lon thiếc, chai, khay
  • Kiểm tra và làm sạch máng xối bị tắc và mái nhà nơi nước có thể đọng lại
  • Thay nước thường xuyên trong đĩa đựng nước cho vật nuôi, chậu tắm cho chim và khay trồng cây
  • Nuôi cá diệt lăng quăng trong bể cá cảnh (chẳng hạn như cá bảy màu )
  • Cắt tỉa cỏ dại và cỏ cao, vì muỗi trưởng thành thường sống ở nơi có bóng mát.

Hạn chế bị muỗi đốt bằng cách

  • Mặc áo dài tay và quần dài
  • Lắp màn chắn muỗi cho cửa sổ và cửa ra vào để đuổi muỗi
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng như DEET
  • Ngủ màn hoặc lêù chống muỗi, điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ đang ngủ hoặc nghỉ ngơi vào ban ngày
  • Ở những nơi có nguy cơ cao, có thể sử dụng thuốc phun diệt côn trùng để diệt muỗi.

 

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da  -

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

return to top