✅ Tăng tiết mồ hôi

Nội dung

Tổng quan

Tăng tiết mồ hôi là tình trạng tiết mồ hôi quá mức bình thường không nhất thiết liên quan đến nóng hay tập thể dục. Bạn có thể tiết mồ hôi quá nhiều đến mức thấm ướt quần áo hoặc chảy nhỏ giọt xuống tay. Bên cạnh việc cản trở hoạt động thường ngày, tăng tiết mồ hôi quá mức có thể gây ra cảm giác mất tự tin.

Việc điều trị tăng tiết mồ hôi thường hữu ích, bắt đầu với việc kê toa thuốc chống tiết mồ hôi. Nếu không có hiệu quả, bạn có thể thử một số thuốc và phương pháp điều trị khác. Ở những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ tuyến mồ hôi hoặc cắt dây thần kinh chi phối việc tiết quá nhiều mồ hôi.

Đôi khi một nguyên nhân nền có thể được tìm thấy và điều trị.

Tổng quan

 

Nguyên nhân

Tiết mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh tự động của cơ thể kích hoạt tuyến mồ hôi khi cơ thể tăng nhiệt độ. Việc tiết mồ hôi là bình thường, đặc biệt vùng dưới cánh tay hoặc khi bạn căng thẳng.

Dạng phổ biến nhất của tình trạng tăng tiết mồ hôi là tăng tiết mồ hôi nguyên phát khu trú. Đối với dạng tăng tiết mồ hôi này, các dây thần kinh chịu trách nhiệm phát tín hiệu cho tuyến mồ hôi trở nên hoạt động quá mức, mặc dù nó không bị kích hoạt bởi hoạt động thể chất hoặc tăng nhiệt độ. Khi bạn căng thẳng hay lo lắng tình trạng này sẽ càng tệ hơn. Dạng tăng tiết mồ hôi này thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi cả khuôn mặt.

Không có nguyên nhân bệnh lý nào gây ra dạng tăng tiết mồ hôi này. Quan sát cho thấy những người trong cùng gia đình thường cùng mắc bệnh này nên có thể bệnh liên quan đến di truyền.

Tăng tiết mồ hôi thứ phát xuất hiện khi tiết quá nhiều mồ hôi nguyên nhân do một tình trạng bệnh lý khác. Dạng này ít phổ biến hơn và có thể là nguyên nhân gây tiết mồ hôi toàn cơ thể. Những tình trạng có thể dẫn tới tăng tiết mồ hôi thứ phát gồm:

  • Đái tháo đường
  • Bốc hoả trong thời kì kinh nguyệt
  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Hạ đường máu
  • Ung thư
  • Đột quỵ tịm mạch
  • Rối loạn thần kinh
  • Nhiễm trùng

Một số loại thuốc cũng dẫn đến tăng tiết nhiều mồ hôi như là thuốc cai nghiện.

 

Triệu chứng

Hầu hết mọi người đổ mồ hôi khi tập thể dục hoặc gắng sức, môi trường nóng bức, lo âu hoặc căng thẳng. Tiết mồ hôi quá mức nghĩa là tăng tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường khá nhiều.

Tăng tiết mồ hôi thường ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân, vùng dưới cánh tay hoặc vùng mặt ít nhất một lần một tuần, trong lúc thức. Và tiết mồ hôi thường xảy ra ở cả 2 bên cơ thể.

 

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Đôi khi tăng tiết mồ hôi quá mức là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng.

Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn tiết quá nhiều mồ hôi kèm theo choáng váng, đau ngực và buồn nôn.

Bạn cần gặp bác sĩ nếu:

  • Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày.
  • Tăng tiết mồ hôi gây ra cảm xúc tiêu cực và thiếu tự tin trong giao tiếp xã hội.
  • Đột nhiên tiết mồ hôi nhiều hơn thường ngày.
  • Đổ mồ hôi buổi tối mà không có lí do rõ ràng.

 

Biến chứng

Biến chứng của tình trạng tăng tiết mồ hôi bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Những người đổ mồ hôi đầm đìa dễ bị nhiễm trùng da hơn.
  • Ảnh hưởng xà hội và cảm xúc: bạn dễ cảm thấy mất tự tin với bàn tay ướt đẫm hoặc chảy nước và quần áo đẫm mồ hôi. Trình trạng này có thể ảnh hưởng đến công việc và mục tiêu học tập của bản thân.

 

Chẩn đoán

Trong lúc thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử và các triệu chứng. Bạn có thể cần khám lâm sàng hoặc thực hiện một vài xét nghiệm để đánh giá thêm nguyên nhân gây ra vấn đề của mình.

Xét nghiệm tại phòng xét nghiệm:

Bác sĩ có thể xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc một số xét nghiệm khác để xác định tình trạng tăng tiết mồ hô của bạn có từ một nguyên nhân nền khác hay không, như là tăng hoạt động tuyến giáp (cường giáp), lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).

Thử nghiệm tại vùng tăng tiết mồ hôi:

Có một số loại thử nghiệm để xác định khu vực tiết mồ hôi và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng này bao gồm xét nghiệm iốt và tinh bột, xét nghiệm mồ hôi điều nhiệt.

Chẩn đoán

 

Điều trị

Nếu có bệnh nền dẫn đến tình trạng tăng tiết mồ hôi, cần điều trị bệnh nền trước. Nếu không thể tìm được nguyên nhân nào thì việc điều trị sẽ tập trung vào kiểm soát việc tiết mồ hôi. Đôi khi bạn cần được phối hợp điều trị. Và cho dù tình trạng tiết mồ hôi cải thiện sau khi điều trị thì bệnh vẫn có thể quay trở lại.

Điều trị dùng thuốc

Thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi bao gồm:

  • Thuốc chống tiết mồ hôi: bác sĩ có thể kê một toa thuốc chống tiết mồ hôi với nhôm chloride (Drysol, Xerac Ac). Thuốc này có thể gây kích ứng da và mắt. Bôi thuốc lên vùng da tăng tiết mồi hôi vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau đó rửa sạch khi thức dậy, cẩn thận không để thuốc tiếp xúc với mắt. Nếu da của bạn bị kích ứng, hydrocortisone dạng kem thoa có thể hữu ích.
  • Thuốc kem thoa: thuốc thoa dạng kem chứa glycopyrrolate có thể hiệu quả với tăng tiết mồ hôi vùng mặt và đầu.
  • Thuốc ngắt dẫn truyền thần kinh: một số loại thuốc uống có tác dụng ngăn chặn các hoá chất trung gian dẫn truyền thần kinh giúp giảm tiết mồ hôi ở một số trường hợp. Các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như khô miệng, mờ mắt, rối loạn co thắt bàng quang.
  • Thuốc chống trầm cảm: một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm tiết mồ hôi. Thêm vào đó, thuốc còn có thể giảm lo âu điều làm tình trạng tăng tiết mồ hôi trở nên tệ hơn.
  • Tiêm botulinum toxin: điều trị với botulinum toxin (Botox, Myobloc, …) làm ngắt tạm thời dây thần kinh dẫn đến tăng tiết mồ hôi. Da của bạn sẽ được chườm lạnh hoặc gây tê trước khi tiêm. Mỗi vùng trên cơ thể cần được tiêm khác nhau. Hiệu quả có thể duy trì 6 – 12 tháng và sau đó cần điều trị lặp lại. Phương pháp này có thể gây đau, một vài người bị yếu cơ tạm thời tại vùng điều trị.

Phẫu thuật và các phương pháp khác

Các phương pháp khác điều trị tăng tiết mồ hôi bao gồm:

  • Liệu pháp vi sóng (Microwave therapy): với liệu pháp này, một thiết bị phát năng lượng vi sóng được sử dụng để phá huỷ các tuyến mồ hôi. Liệu trình điều trị gồm 2 lần mỗi lần 20 -30 phút cách nhau 3 tháng. Tác dụng phụ có thể xảy ra là thay đổi cảm giác da và cảm giác khó chịu. Liệu pháp này tốn kém và không phổ biến rộng rãi.
  • Loại bỏ tuyến mồ hôi: nếu tình trạng tăng tiết mồ hôi chỉ xảy ra ở vùng dưới cánh tay thì việc loại bỏ tuyến mồ hôi có thể hiệu quả. Một kĩ thuật xâm lấn tối thiểu gọi là nạo hút có thể là một lựa chọn. Phương pháp này cũng có thể được lựa chọn nếu bạn không đáp ứng với các cách điều trị khác.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm (Sympathectomy): trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ cắt, đốt hoặc kẹp các hạch thần kinh tuỷ sống kiểm soát việc tiết mồ hôi ở tay bạn. Trong một số trường hợp, việc điều trị này gây ra tăng tiết mồ hôi ở vùng khác của cơ thể (cơ chế bù trừ). Phẫu thuật không phải là lựa chọn cho tăng tiết mồ hôi vùng đầu, cổ. Một biến thể của phương pháp này là làm ngắt các tín hiệu thần kinh mà không loại bỏ hạch thần kinh giao cảm (symphthotomy).

Thay đổi lối sống và điều trị tại nhà

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn đối phó với tăng tiết mồ hôi và mùi cơ thể:

  • Dùng thuốc chống tiết mồ hôi: thuốc chống tiết mồ hôi loại không cần kê toa có chứa các hoạt chất gốc nhôm giúp đóng tạm thời lỗ chân lông. Điều này làm giảm lượng mồ hôi tiết ra. Sản phẩm này có thể hữu ích với tăng tiết mồ hôi nhẹ.
  • Bôi chất se khít lỗ chân lông: thoa các sản phẩm không kê toa có chứa axit tannic (Zilactin) lên vùng bị tăng tiết mồ hôi.
  • Tắm mỗi ngày: tắm rửa thường xuyên giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn trên da. Lau khô người thật kĩ, đặc biệt vùng giữa các ngón chân và vùng dưới cánh tay.
  • Lựa chọn giày và vớ làm bằng chất liệu tự nhiên: giày làm bằng chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như da, có thể giúp ngăn tiết mồ hôi chân bằng cách cho phép chân của bạn “thở”. Khi bạn vận động, vớ thể thao hút ẩm là một lựa chọn tốt.
  • Thay vớ thường xuyên: thay vớ ngắn hoặc vớ dài 1 hoặc 2 lần mỗi ngày. Lau khô chân kĩ mỗi lần thay vớ. Bạn có thể dùng thử loại vớ quần có đế cotton. Sử dụng các loại phấn bột loại không kê toa giúp thấm hút mồ hôi.
  • Giữ chân thông thoáng: hãy đi chân trần khi có thể, hoặc ít nhất tháo giày ngay bây giờ.
  • Chọn quần áo phù hợp với hoạt động của bạn: hãy mặc các loại vải tự nhiên như cotton, len hoặc lụa giúp cơ thể được thông thoáng. Khi tập thể thao, bạn nên chọn các loại vải thiết kế để thấm hút ẩm khỏi da.
  • Thử trải nghiệm các phương pháp thư giãn: cân nhắc các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, liệu pháp phản hồi sinh học. Chúng có thể giúp bạn học cách kiểm soát áp lực, thứ dẫn đến tăng tiết mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi có thể là nguyên nhân gây ra khó chịu và ngại ngùng. Bạn có thể gặp vấn đề trong lúc làm việc hoặc tham gia hoạt động giải trí bởi vì bàn tay, bàn chân ướt hoặc quần áo đẫm mồ hôi. Bên cạnh việc trao đổi với bác sĩ, bạn có thể muốn nói chuyện với nhân viên tư vấn  tâm lý hoặc nhân viên y tế xã hội. hoặc bạn có thể thoải mái khi nói chuyện với những người khác cũng bị tình trạng tăng tiết mồ hôi.

Đừng ngần ngại đến tư vấn và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu tại một cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị tình trạng này một cách an toàn và hiệu quả.

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top