Bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em là nhóm các bệnh lý thường gặp ở trẻ. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa còn non nớt, dễ chịu tổn thương. Nhận biết được các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em giúp các bậc cha mẹ có biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả.
– Tiêu chảy:
Đây là bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em rất phổ biến. Bệnh tiêu chảy ở trẻ em xảy ra do đường ruột trẻ bị viêm nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Bệnh tiêu chảy có thể cấp tính hoặc mạn tính. Dấu hiệu bị tiêu chảy là trẻ đi đại tiện trên 3 lần/ngày kéo theo dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước. Phân lỏng, có thể lẫn dịch nhày. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định mức độ bệnh, làm xét nghiệm nếu cần và được bác sĩ tư vấn, chỉ định cách điều trị. Khi trẻ bị bệnh này phải được chữa trị nhanh chóng, tránh để kéo dài gây mất nước rất nguy hiểm.
– Táo bón:
Trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu đau khi đi đại tiện, đại tiện khó, đại tiện ra máu, phân cứng, khô, vón cục.
Nguyên nhân gây táo bón là do thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, do tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh, do viêm nhiễm, do thiếu nước… Ngoài ra còn do yếu tố tâm lý, rối loạn cảm xúc, sợ sệt, stress cao cũng là nguyên nhân dễ gây bệnh táo bón ở trẻ em.
– Đại tràng co thắt: Trẻ bị bệnh này thường đau bụng, đi ngoài, hoặc đau bụng khó chịu kèm theo tình trạng táo bón. Khi trẻ đi khám thường được thử máu, thử phân, siêu âm, chụp X-quang để chẩn đoán các chứng bệnh khác về đường ruột. Cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa bệnh này bằng cách thực hiện chế độ ăn phù hợp. Bữa ăn của trẻ nên chia thành nhiều bữa, tránh dùng chất kích thích, cay nóng. Bên cạnh đó nên duy trì cuộc sống không stress, giúp trẻ giảm áp lực trong môi trường sống, cho trẻ vận động đều đặn và phù hợp.
– Nôn chớ: Tình trạng nôn chớ ở trẻ thường diễn ra theo chu kì. Các đợt nôn chớ đột ngột kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, sau đó lại tái phát. Đến nay, bệnh này vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Khi trẻ đi khám, bác sĩ thường kê đơn thuốc phù hợp nhằm hạn chế triệu chứng nôn chớ. Ngoài ra, trẻ em cần được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất và hạn chế bị căng thẳng đầu óc.
Các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị sớm nhất có thể để nhanh chóng ổn định lại hệ tiêu hóa cho trẻ, tránh các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì đây là nhóm bệnh liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Cần cho trẻ ăn đúng bữa, khoa học, cân bằng hàm lượng dinh dưỡng… Khi thấy có dấu hiệu của các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em, cha mẹ cần đưa trẻ đến các chuyên khoa Nhi uy tín tại bệnh viện lớn để khám và được chỉ định cách điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh