Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B ở trẻ em
Phần lớn trẻ nhỏ bị nhiễm viêm gan virus B là do lây truyền từ mẹ sang con (mẹ bị nhiễm viêm gan virus B) hoặc qua đường máu, trong đó chủ yếu là do truyền từ mẹ sang con.
Nếu người mẹ bị bệnh viêm gan B ở thời kỳ đầu (3 tháng đầu) của thai kỳ nhưng được phát hiện và xử trí thì tỷ lệ mẹ truyền virus viêm gan B sang cho con thấp (khoảng 1%). Nếu mẹ bị bệnh viêm gan B vào 3 tháng giữa của thai kỳ thì khả năng truyền virus viêm gan B cho con là khoảng 10%. Tỷ lệ lây truyền này sẽ cao hơn ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, nếu người mẹ bị nhiễm viêm gan B thì khả năng lây truyền viêm gan virus B sang cho bé có thể lên tới 60-70%.
Cơ chế lây truyền là do virus có trong máu, các chất dịch của người mẹ (bị nhiễm virus viêm gan B) sẽ truyền vào cơ thể trẻ. Đặc biệt là trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sẽ không đủ sức đề kháng để tiêu diệt virus nếu như không có sự hỗ trợ can thiệp sớm nào từ y khoa thì khả năng lây nhiễm từ mẹ bị viêm gan B sang cho bé là khó tránh khỏi.
Bệnh viêm gan B ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan virus B có diễn biến rất âm thầm, chúng được ví như “kẻ giết người thầm lặng” ít biểu hiện triệu chứng, đến khi có các biểu hiện nặng phải nhập viện cấp cứu thì đa số đã ở giai đoạn muộn, biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Bệnh viêm gan ở trẻ em nếu không có biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát và điều trị bằng phác đồ đặc trị viêm gan virus thì có nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành.
Hiện nay, có đến 80% các trường hợp ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B, C gây ra, trong số đó có khoảng 57% số người bị nhiễm sẽ tiến triển thành xơ gan và 78% số người bệnh này sẽ mắc ung thư gan tiên phát.
Không phải tự nhiên mà ung thư gan lại lọt vào top 5 loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu hiện nay. Đây là căn bệnh ung thư có tỷ lệ người mắc mới lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Trong số các bệnh nhân mắc ung thư gan có không ít các ca bệnh là những người trẻ tuổi chỉ mới 24 tuổi. Cũng có nhiều ca bệnh bị nhiễm viêm gan B không hề hay biết cho đến khi kiểm tra mới phát hiện ra là mẹ của bé khi mang thai cũng từng bị nhiễm viêm gan B.
Ngoài vấn đề lây nhiễm, bệnh lý phát sinh, thì thai phụ bị viêm gan B trong quá trình mang thai không được chủ quan, do đây là một trong những nguyên nhân làm lây truyền virus viêm gan B cho con.
Làm thế nào để tránh lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con?
Phần lớn hiện nay, trong quá trình xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe thai nhi, mẹ bầu đã được kiểm tra (test) viêm gan B. Nếu mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp cũng như phòng ngừa cho mẹ trong quá trình mang thai để không làm lây truyền cho con. Ngay sau sinh trong vòng 12 giờ, bé được tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) và một mũi vắc xin ngừa viêm gan B thông thường. HBIG không phải là vắc xin tiêm phòng mà là kháng thể dự phòng cho bé có kháng thể ngay để đề kháng với viêm gan B nếu mẹ bé mang virus viêm gan B.
Hiện nay phần lớn các mẹ bầu được làm xét nghiệm kiểm tra viêm gan virus B khi mang thai. Trẻ sau khi sinh đều được tiêm ngừa viêm gan B đầy đủ. Vì vậy mẹ cũng đừng quá lo lắng, nhưng cũng không nên chủ quan, cần cho con kiểm tra sức khỏe sau sinh và có biện pháp phòng ngừa viêm gan B cho con như thực hiện tiêm phòng vắc xin viêm gan B đầy đủ.
Biểu hiện bệnh viêm gan B ở trẻ em
Bệnh viêm gan virus B thường diễn biến rất âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Với trẻ sơ sinh viêm gan B cấp tính có thể có một số biểu hiện như vàng da, bú chậm, nước tiểu vàng. Khi xét nghiệm máu thấy chỉ số men gan tăng cao.
Phần lớn trẻ bị nhiễm virus viêm gan B ít có biểu hiện ra bên ngoài, do đó mà việc tiêm ngừa vắc -xin viêm gan B là điều rất cần thiết để phòng ngừa căn bệnh này. Bên cạnh đó việc cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một cách để kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại của bé và sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh