Bệnh viêm phế quản cấp dễ xảy ra ở trẻ nhỏ đặc biệt là những trẻ sinh non và bị suy dinh dưỡng. Biểu hiện của bệnh được chia ra làm hai giai đoạn: khởi phát và toàn phát.
Trong giai đoạn khởi phát bệnh có thể chia thành 2 chặng từ khởi phát từ từ và khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, trẻ ho khan, hắt hơi, ngạt mũi và quấy khóc nhiều, do các triệu chứng ban đầu của bệnh còn nhẹ nên nhiều cha mẹ thường chủ quan, tự theo dõi ở nhà mà không đưa trẻ tới bệnh viện. Bệnh viêm phế quản cấp ở giai đoạn khởi phát nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm có thể chuyển sang giai đoạn toàn phát, bệnh nặng hơn và thời gian điều trị lâu hơn.
Ở giai đoạn toàn phát: Trong giai đoạn này, trẻ bị viêm phế quản cấp sẽ xuất hiện triệu chứng sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 40 độ C, trẻ có thể li bì, co giật, thậm chí bị hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.
Ngoài ra, các triệu chứng kèm theo như trẻ bị ho dữ dội và liên tục, ho co thắt, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng, trẻ có thể cảm thấy khó thở, tím tái, rối loạn tiêu hóa,…
Nhận biết sớm biểu hiện bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ nhỏ có vai trò quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả, nhanh chóng. Do hệ thống miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn chỉnh, bản thân trẻ chưa tự “sản xuất” ra đủ các yếu tố chống lại vi khuẩn mỗi khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, khi mắc bệnh sẽ chuyển biến nhanh và nặng hơn ở người lớn.
Quá trình điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh, đồng thời tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe của từng trẻ. Phát hiện kịp thời biểu hiện ban đầu của bệnh sẽ nâng cao hiệu quả điều trị. Những trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có diễn biến nhanh, thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ. Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Những trường hợp trẻ bị viêm phế quản nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Vẫn cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước.
Làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn.
Nhỏ mũi 2 – 3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ.
Tránh để trẻ tiếp xúc khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này.
Thực hiện khám và tái khám đúng hẹn của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh