Tiểu đường từ lâu đã trở thành một bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Người bệnh tiểu đường có hệ thống miễn dịch bị rối loạn nên họ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi đã mắc các bệnh này thì tỷ lệ biến chứng và tử vong sẽ khá cao.
Số nằm viện và tử vong do bệnh phế cầu trùng và cúm thường gặp nhiều hơn ở người bệnh tiểu đường (tỷ lệ nhập viện do viêm phổi ở người bệnh tiểu đường lên đến 25 - 75%). Trong khi đó, người bệnh tiểu đường có đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắcxin vẫn là bình thường, tương tự như những người khỏe mạnh. Do đó, việc tiêm phòng các bệnh nhiễm khuẩn, mà trước hết là tiêm các vắcxin phòng cúm và phế cầu trùng, có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp cho người bệnh tiểu đường sống khỏe hơn và tránh được các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ học cách “tấn công” vi-rút hay vi khuẩn được tiêm ngừa. Vì vậy, cơ thể thực sự bị nhiễm những vi-rút hay vi khuẩn này, cơ thể chúng ta sẽ “tấn công” và “tiêu diệt” chúng hiệu quả. Điều này giúp chúng ta không bị bệnh hoặc chỉ bị bệnh rất nhẹ.
Cúm là một bệnh thường gặp và có thể thúc đẩy khởi phát các bệnh nghiêm trọng khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Người bệnh tiểu đường khi mắc bệnh cúm dễ bị nặng, tình trạng nhiễm khuẩn xấu hơn, nhiều biến chứng mạch vành, nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn 2 - 4 lần, tỷ lệ nhập viện cao hơn 6 lần trong mùa dịch cúm và tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.
Tiêm ngừa cúm ở phân nhóm này đạt hiệu quả to lớn về sức khỏe (giảm tử vong) cũng như về kinh tế (giảm số nhập viện, giảm các biến chứng phối hợp). Kết quả ghi nhận cho thấy không có người bệnh nào đã tiêm ngừa vắcxin bị cúm trong năm tiếp sau đó, điều này chứng minh việc tiêm ngừa bệnh cúm cho các người bệnh tiểu đường typ 1 hoặc typ 2 là có cơ sở vững chắc.
Tất cả người tiểu đường, kể cả phụ nữ mang thai, nên được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần. Thời điểm tốt nhất để tiêm ngừa là vào đầu mùa cúm mỗi năm (thường là mùa thu hay mùa đông).
Các bệnh do phế cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và dễ tử vong. Phế cầu có thể gây ra viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và viêm màng não...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong của các nhiễm khuẩn do phế cầu chiếm tỷ lệ trung bình 10 - 20% và có thể vượt quá 50% ở các nhóm có nguy cơ cao. Người ta ước tính, người bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao gấp gần 3 lần do biến chứng viêm phổi trong số những người nhập viện (4,4 lần ở tiểu đường typ 1 và 1,2 lần ở typ 2).
Người bệnh tiểu đường có chỉ số HbA1c ≥ 9% thường có nguy cơ nhập viện vì viêm phổi tăng 60%. Những người bệnh đái tháo đường với HbA1c < 7% có nguy cơ này tăng 22% so với những người không bị tiểu đường. Có nhiều bằng chứng cho thấy tiểu đường là một bệnh hay gặp nhất kết hợp với các nhiễm phế cầu.
Tiêm vắcxin phế cầu có thể giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm do phế cầu. Có thể tiêm vào cùng thời điểm với vắcxin cúm hay vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Người bệnh cần tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Mũi tiêm thứ 2 có thể cần thiết nếu tiêm mũi đầu trước đó ít nhất 5 năm và người bệnh đã trên 65 tuổi.
Virut viêm gan B (HBV) gây bệnh viêm gan siêu vi, nguy hiểm đến tính mạng, thường dẫn đến bệnh gan mạn tính, nguy cơ tử vong cao vì xơ gan và ung thư tế bào gan.
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ nhiễm HBV cao gấp 2,1 lần so với người không bị tiểu đường.
Ngoài ra, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị cho mình về việc tiêm các vắcxin khác: ngừa viêm gan A, ngừa sởi-quai bị-rubella, ngừa cầu khuẩn màng não, ngừa uốn ván-hạch hầu-ho gà, ngừa thủy đậu, ngừa zona.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh