Trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ được 18 – 24 tháng nhằm tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ có sức đề kháng cao, ngăn ngừa nguy cơ mắc viêm phổi.
Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác.
Khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ.
Các nghiên cứu cũng đã cho kết quả rằng, chỉ cần khoảng 70mg kẽm mỗi tuần cũng có thể giúp ngăn ngừa các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tiêu chảy. Từ đó, làm giảm nguy cơ viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Một chế độ ăn uống cân bằng và chứa nhiều protein là điều cần thiết để tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu vitamin A và C như cam quýt và hoa quả… giúp ngăn ngừa các bệnh như viêm phổi.
Mùa hè thời tiết nóng bức khó chịu, nhưng không nên cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó có viêm phổi.
Tình trạng ô nhiễm không khí do cha mẹ hút thuốc lá trong nhà cũng có thể làm cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là nếu hệ thống miễn dịch của trẻ bị tổn thương do bệnh sởi, HIV, hoặc từ các bệnh khác.
Vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn (PCV) thường được sử dụng để tiêm cho trẻ em và người lớn. Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo trẻ em nên tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm vì trẻ sẽ dễ bị viêm phổi sau khi mắc bệnh cúm thông thường.
Trên đây là những cách phòng ngừa viêm phổi hiệu quả mà các bậc cha mẹ nên áp dụng để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh viêm phổi như ho, khó thở, tím tái…thì cần đưa bé tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh