✴️ Cảm lạnh ở bé điều trị bằng cách nào?

Nội dung

Nguyên nhân cảm lạnh ở trẻ

Cảm lạnh có thể bắt nguồn từ một bệnh viêm đường hô hấp trên (mũi, miệng và cổ họng), gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Bé rất dễ bị cảm lạnh bởi hệ thống miễn dịch của bé còn đang hoàn thiện.

Bé có thể bị nhiễm cảm lạnh do lây từ người bị cảm (người đó ho, hắt hơi làm bắn virus cảm lạnh vào không khí và khiến bé hít phải). Bệnh cũng có thể được truyền qua tiếp xúc bằng tay. Vì thế, cha mẹ cần luôn che miệng khi ho gần con hoặc rửa sạch tay sau khi vừa xì mũi mình.  Nếu em bé của bạn mắc cảm lạnh thông thường, bạn có thể thấy những triệu chứng dưới đây: 

– Sốt trên 38ºC

– Ho, đỏ mắt, đau họng, nghẹt mũi (hoặc chảy nước mũi)

– Mất cảm giác ngon miệng, khó chịu, bồn chồn.

– Sưng hạch bạch huyết (dưới nách, sau cổ). Nếu bị nghẹt mũi, bé sẽ rất khó thở bằng mũi. Do đó, việc cho bú sẽ khó khăn hơn. Bé vẫn chưa biết tự xì mũi cho đến khi được 4 tuổi.

Vì thế, bạn nên thường xuyên xì mũi cho con. Khi bị “khụt khịt”, bé rất khó để ngủ ngon cả đêm (có khi bé tỉnh giấc nhiều lần vào ban đêm). Thông thường, cảm lạnh kéo dài khoảng 10 ngày nhưng với những bé nhỏ hơn, nó có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần. 

trẻ cảm lạnh

Trẻ nhỏ rất dễ cảm lạnh do hệ thống miễn dịch còn yếu

Điều trị cảm lạnh 

Điều trị cảm lạnh thông thường sẽ tự nhiên biến mất. Tuy nhiên, có vài điều bạn có thể làm để giảm bớt khó chịu cho con: 

– Chắc chắn rằng bé được nghỉ ngơi nhiều.

– Khuyến khích bé bú thêm nhiều cữ nhỏ. Nếu bé đã ăn dặm thì bạn nên cho bé uống thêm nước lọc. Điều này giúp bé không bị mất nước và nhanh hạ sốt nếu bé bị sốt. 

– Giúp bé xì mũi bằng cách nhẹ nhàng lau nước mũi cho con. Bạn cũng có thể thoa ít kem dưỡng da bên ngoài lỗ mũi cho bé để giảm bớt kích thích. 

– Dùng paracetamol hoặc ibuprofen trẻ em để hạ sốt nhưng chỉ khi bé được trên 3 tháng và phải theo ý kiến bác sĩ. Kiểm tra thông tin về liều lượng trên bao bì, hoặc tốt nhất là hỏi bác sĩ. Một số người cho rằng, có mối liên quan giữa paracetamol và tỷ lệ thở khò khè, hen suyễn ở bé. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định là không có bằng chứng paracetamol gây ra vấn đề này.  

– Nếu bé khó chịu vì nghẹt mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp đỡ bé. Bạn có thể mua từ hiệu thuốc. Nhỏ nước muối cho bé 15 phút trước khi cho bú hoặc cho ăn. 

– Máy tạo hơi nước trong phòng giúp bé thở dễ. Tuy nhiên, cẩn thận với những máy tạo hơi nước nóng vì bé có thể bị bỏng. Một lựa chọn an toàn hơn là bạn bật vòi nước nóng trong nhà tắm, đóng cửa và ngồi trong phòng tắm đầy hơi nước với bé trong ít phút. Sau đó, cần thay quần áo khô cho bé. 

Lưu ý: Nếu bé chỉ nghẹt mũi mà không có triệu chứng nào kèm theo thì có thể, có dị vật mắc trong mũi của bé. Ngay cả với những bé còn nhỏ cũng có thể bị kẹt thứ gì đó trong mũi. 

trẻ cảm lạnh

Mẹ nhớ rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý khi trẻ cảm lạnh

Thời điểm nên đưa bé đi khám

Với những bé dưới 3 tháng tuổi, bạn cần đưa bé đi khám ngay khi bé có dấu hiệu bệnh. Với những bé lớn hơn, bạn cũng cần đưa con đi khám để bác sĩ xác nhận rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường. Nên đưa bé đi khám, nếu: 

– Cảm lạnh không được cải thiện sau vài ngày.

– Sốt cao. Khó thở. Ho dai dẳng. Bé dường như bị kích thích tai 

– Có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai. 

– Ho ra đờm có màu xanh lá cây, vàng hoặc nâu hoặc dịch mũi tiết ra những màu trên. 

Ngăn ngừa cảm lạnh 

Cảm lạnh có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu ba mẹ biết cách chăm sóc bé. Hãy áp dụng những cách sau:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé. Nếu trẻ lớn rồi thì dạy bé rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với động vật và sau khi đi vệ sinh.

  • Không cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang bị cúm, cảm lạnh hoặc nghi ngờ bị cảm lạnh.

  • Dạy trẻ che tay khi ho, hắt hơi.

  • Nhắc trẻ không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Không được mút tay, cắn móng tay.

  • Vệ sinh phòng ở, đồ chơi, đồ dùng của bé thường xuyên.

  • Nên mang theo chai rửa tay khô khi cho bé ra ngoài để vệ sinh tay cho bé khi cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top