Nhận biết trẻ ho cảm thông thường
Để biết chắc con mình chỉ bị ho cảm thông thường, phụ huynh cần thực hiện các bước sau:
Kiểm tra 4 dấu hiệu nguy hiểm:
– Không uống được hoặc bỏ bú: nghĩa là khi đút từng thìa (muỗng cà phê) nước hay sữa cho trẻ uống nhưng trẻ không nuốt được, hoặc trẻ không thể tự mút khi đưa vú mẹ vào miệng trẻ.
– Nôn tất cả mọi thứ: khi đút từng thìa nước hoặc sữa, trẻ uống được nhưng ngay lập tức trẻ nôn ra ngay. Cho trẻ ngưng vài phút, lặp lại như trên nếu trẻ vẫn ói ngay nghĩa là trẻ có dấu hiệu “nôn tất cả mọi thứ”.
– Co giật: trong cơn co giật, mắt trẻ thường giật giật hoặc trợn ngược lên. Các cơ vùng mặt cũng bị co giật theo, tay với chân co quắp lại. Có trẻ bị sốt cao hoặc cũng có thể không bị sốt.
– Li bì: trẻ ngủ nhiều hơn bình thường và khó lay gọi, hoặc khi lay gọi trẻ mở mắt nhưng sau đó lại thiếp đi.
Kiểm tra các dấu hiệu nặng:
– Thở nhanh: đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên trong một phút. Nếu nhịp thở từ 60 lần trở lên (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), 50 lần (đối với trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi) và 40 lần (đối với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi) thì trẻ đó thở nhanh.
– Thở co lõm ngực: hãy để bé nằm yên và quan sát. Thông thường khi hít vào, lồng ngực hai bên nở ra, còn khi bị ho, khi hít vào, hai bên lồng ngực của trẻ sẽ lõm vào.
– Thở rít: phụ huynh để tai ở vùng mũi miệng trẻ, mắt quan sát vùng ngực – bụng. Bình thường khi trẻ hít vào, tai ta nghe được tiếng thở của bé có âm sắc nhẹ nhàng. Nếu tai ta nghe một âm sắc thô ráp khi trẻ hít vào, trẻ có dấu hiệu thở rít. Trẻ bị ho cảm thông thường là trẻ chỉ ho, sổ mũi và không có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm và dấu hiệu nặng nào ở trên.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị ho cảm
Chăm sóc trẻ bị ho cảm đúng cách như sau:
– Tiếp tục cho trẻ ăn, bú: khi bị bệnh trẻ thường biếng ăn, biếng bú. Phụ huynh nên khuyến khích và cho trẻ ăn, bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, cần làm thông thoáng mũi trước khi cho bú.
Hãy cố gắng cho bé bú và uống nhiều nước khi bé bị ho, bị cảm
– Cho trẻ uống đủ nước. Nếu trẻ ho nhiều, có thể cho trẻ uống thuốc ho an toàn như: tắc chưng đường, mật ong, tần dày lá hoặc các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, làm thông thoáng mũi.
– Trẻ lớn: hướng dẫn trẻ hỉ mũi đúng cách. Hỉ mũi từng bên. Dùng ngón tay đè một bên mũi, hỉ mạnh bên kia và làm ngược lại. Lưu ý: không được bịt hai mũi cùng một lúc.
– Trẻ nhỏ: phụ huynh dùng giấy mềm xếp góc nhọn (bấc sâu kèn), đưa vừa đủ vào mũi trẻ. Làm vài lần đến khi sạch nước mũi. Trong trường hợp nước mũi đặc gây nghẹt mũi nhiều, phụ huynh nên dùng dung dịch natriclorua 0,9% nhỏ 2 – 3 giọt mỗi bên mũi, sau đó dùng giấy mềm làm sạch mũi như trên.
Theo dõi để phát hiện các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện khám tổng quát cho bé ngay như: không uống được hoặc bỏ bú, thở mệt, sốt cao.
Những điều không nên làm khi chăm sóc trẻ bị ho cảm
Khi trẻ bị ho, ba mẹ tuyệt đối không nên:
– Tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi có chất co mạch vì có thể gây ngộ độc cho trẻ – rất nguy hiểm.
– Dùng miệng để hút mũi trẻ vì có thể lây bệnh truyền nhiễm.
– Dùng tăm bông để ngoáy mũi vì có thể làm tổn thương mũi trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh