Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề tiêu hóa không hề hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Trong đa số trường hợp, tình trạng này sẽ được cải thiện khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên chủ quan. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên tình trạng này dễ xảy ra ở trẻ em do cấu trúc dạ dày chưa phát triển hoàn thiện, khó tiêu hóa và hấp thu thức ăn hơn người trưởng thành. Thông thường triệu chứng trào ngược sẽ thuyên giảm khi trẻ đủ 1 tuổi trở lên. Nếu sau khoảng thời gian này trẻ vẫn thường xuyên bị trào ngược dạ dày mức độ nặng hơn, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
Có nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ em, bao gồm:
Những năm đầu đời, dạ dày của trẻ còn tiếp tục phát triển hoàn thiện. Trẻ nhỏ có dạ dày chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt chức năng co thắt của tâm vị dạ dày chưa ổn định, đồng thời khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn còn kém. Chính vì vậy, thức ăn không tiêu hóa kịp sẽ bị trào ngược lên thực quản.
Không ít người mẹ cho trẻ bú sữa ở tư thế nằm ngang để không cần bế giữ trong suốt quá trình bé bú. Tuy nhiên, tư thế này lại khiến lượng sữa khó di chuyển xuống dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược thực quản.
Ở giai đoạn sơ sinh và dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ là sữa mẹ, bổ sung thêm sữa tổng hợp và một số thực phẩm khác. Khi trẻ lớn hơn, việc cha mẹ cho trẻ sử dụng thực phẩm cay nóng hoặc nhiều caffeine cũng là yếu tố tác động tăng khả năng trào ngược dạ dày thực quản.
Những khuyết tật bẩm sinh liên quan đến tiêu hóa (đặc biệt là dạ dày) như: thoát vị hoành, hẹp môn vị,… cũng là nguyên nhân đứng sau chứng trào ngược.
Bệnh lý này không phải chỉ gặp ở người trưởng thành như nhiều người vẫn nghĩ. Trên thực tế, trẻ em hoàn toàn có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng (nguyên phát hoặc thứ phát).
– Viêm loét dạ dày – tá tràng nguyên phát ở trẻ hầu hết do nhiễm vi khuẩn HP dạ dày (Helicobacter pylori). Trẻ nhiễm HP có thể do thói quen nhai mớm cơm của người lớn, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…
– Viêm loét dạ dày – tá tràng thứ phát có thể do tác dụng phụ của thuốc (thuốc kháng sinh, kháng viêm…), nhiễm trùng, suy thận,…
Tổn thương viêm loét có ảnh hưởng xấu đến chức năng dạ dày. Từ đó dẫn đến tình trạng trào ngược, thường gặp sau khi trẻ ăn hoặc bú.
– Trẻ sống trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất độc hại,…
– Hiện nay chưa tìm ra mối liên hệ di truyền của chứng trào ngược, tuy nhiên theo thống kê, trẻ em có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột…) có tiền sử mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn các trẻ khác.
Ở hội chứng này, thức ăn và acid dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Tình trạng trào ngược có thể khiến trẻ biếng ăn, nôn trớ nhiều, thường xuyên quấy khóc, ngủ không sâu giấc,… Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài còn có nguy cơ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng và thiếu máu. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị ho, khó thở, thở khò khè,… do hệ hô hấp của trẻ bị tác động.
Các bậc phụ huynh không nên lơ là trong việc điều trị và phòng ngừa chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ. Các trường hợp tiến triển nặng sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe cụ thể như sau:
– Viêm/ sưng thực quản, nóng rát thực quản, tức ngực.
– Xuất huyết thực quản, xuất huyết dạ dày.
– Thiếu máu do chảy máu tại thực quản và dạ dày.
– Rối loạn thần kinh.
– Xuất hiện mô sẹo tại thực quản, gây ra tình trạng khó nuốt, có thể gây hẹp thực quản kéo dài đến khi trẻ trưởng thành.
– Hình thành khối polyp trên bề mặt thực quản, gây chít hẹp thực quản và tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý khác (như barrett, ung thư,…).
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu dựa trên các biểu hiện lâm sàng (nôn trớ sữa sau ăn, bỏ bú, chán ăn, thường xuyên quấy khóc…) và thăm khám lâm sàng. Nếu thể chất của trẻ vẫn phát triển bình thường thì bác sĩ không cần chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng.
Ngược lại, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu hoặc có các biểu hiện liên quan đến hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như:
– Siêu âm: Giúp phát hiện các bệnh lý gây trào ngược dạ dày thực quản (như hẹp môn vị…).
– Xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu nhằm xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân khác gây tình trạng nôn ói và chậm tăng cân của trẻ.
– Đo pH thực quản để kiểm tra nồng độ axit trong thực quản của trẻ.
– Chụp X-quang: Giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh tại dạ dày – thực quản cũng như đường tiêu hóa (nếu có).
– Nội soi dạ dày – thực quản: Đây là được coi là phương pháp hữu hiệu hàng đầu trong chẩn đoán các bệnh lý tại đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, phụ huynh cần cho trẻ thực hiện nội soi theo đúng chỉ định của bác sĩ Tiêu hóa, tại cơ sở y tế uy tín được cấp phép thực hiện nội soi Nhi khoa.
Có thể kể đến một số phương pháp điều trị được ứng dụng phổ biến hiện nay như sau:
Cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt của sẽ góp phần khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
– Vuột ngực, lưng cho trẻ trong quá trình bú sữa.
– Sau khi trẻ bú, phụ huynh cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc thẳng đứng.
– Chia thành nhiều bữa ăn/ bú nhỏ trong ngày.
– Thêm ngũ cốc vào sữa theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Với những trẻ lớn hơn, đã sử dụng dinh dưỡng từ thực phẩm hoàn toàn và không cần phụ thuộc vào sẽ mẹ, phụ huynh cần lưu ý:
– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa phải, không ăn quá no.
– Nâng cao phần đầu giường, cho trẻ sử dụng gối chuyên dụng cho người bệnh trào ngược dạ dày.
– Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, đồ uống ngọt có gas.
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh cho trẻ, giảm cân đối với những trẻ thừa cân, béo phì.
– Tạo lập cho trẻ thói quen ăn tối sớm.
Trong trường hợp chế độ ăn uống không giúp cải thiện tình trạng trào ngược, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm acid dạ dày, từ đó cải thiện triệu chứng. Một số loại thuốc thường dùng gồm: thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm Proton, thuốc kháng Histamin,…
Phụ huynh cần lưu ý cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, tránh các hệ lụy nguy hiểm cho trẻ.
Phương pháp này ít được chỉ định vì nó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Chỉ các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng mới được xem xét thực hiện phẫu thuật, nhằm phòng ngừa các biến chứng như: suy dinh dưỡng nghiêm trọng, thường xuyên nôn ói, bị kích thích thực quản nghiêm trọng,…
Trên đây là các thông tin về nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em. Hy vọng các thông tin trong bài viết sẽ giúp phụ huynh chăm sóc tốt hơn cho trường hợp trẻ mắc bệnh. Khi trẻ có các triệu chứng cảnh báo vấn đề về tiêu hóa, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh