Bạch biến là một vấn đề y tế ảnh hưởng đến màu sắc da. Khi bạn bị bạch biến, các tế bào sản xuất ra các sắc tố da bị phá hủy và có thể không sản xuất sắc tố nữa. Vì vậy, một số vùng da của bạn bị mất màu hay còn gọi là sự mất sắc tố. Những mảng da sáng màu hơn có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể.
Theo Hiệp hội bạch biến Hoa Kỳ, chỉ khoảng 1% dân số thế giới bị bạch biến. Có đến 5 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi bệnh này và một nửa trong số đó là trẻ em và thiếu niên.
Nguyên nhân
Bạch biến không do các yếu tố đơn lẻ như tuổi, chủng tộc hoặc giói tính. Bệnh có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Theo Viện nghiên cứu về bệnh lí cơ xương khớp và da Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 30% những người bị bạch biến có một thành viên trong gia đình bị bệnh. Bạn cũng có nhiều khả năng phát triển vấn đề vế da nếu có các bệnh lí tự miễn như:
- Rụng tóc từng mảng (hói đầu)
- Thiếu máu ác tính (không có khả năng hấp thu vitamin B12)
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Lupus
- Viêm khớp dạng thấp
- Tiểu đường type I
Phân loại
Có 3 loại bạch biến. Bạn sẽ mất sắc tố da ở những vùng khác nhau trên cơ thể tùy thuộc vào loại bạch biến mà bạn mắc phải. Loại thường gặp nhất là bạch biến lan tỏa, có các triệu chứng xảy ra ở cả hai bên cơ thể, lan rộng và đối xứng. Bạch biến đứt đoạn chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, mặc dù nó vẫn có thể ảnh hưởng ở vùng da rộng. Bạch biến khu trú chỉ giới hạn ở những vùng da nhỏ.
Triệu chứng
Triệu chứng cơ bản của bạch biến là những đốm trắng trên da. Khu vực thường bị mất sắc tố là những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày:
- Bàn tay
- Bàn chân
- Mặt
- Môi
- Cánh tay
- Ngực
Các nếp gấp trên cơ thể ví dụ như vùng da dưới cánh tay, vùng bẹn cũng thường bị bạch biến. Lỗ mũi của bạn, bên trong miệng, khu vực xung quanh mắt, núm vú, rốn, và cơ quan sinh dục ngoài cũng có thể bị mất sắc tố. Những vùng da này có thể rộng hoặc nhỏ, ở một khu vực hoặc lan rộng trên cơ thể, tùy thuộc vào vị trí. Một số người bị bạch biến cũng bị bạc tóc sớm và có thể mất màu của lông mày hoặc lông tóc trên mặt.
Bạn có thể chú ý thấy sự thay đổi nhanh chóng của màu sắc da trong một thời gian và sau đó không có thay đổi nữa. Đó là một kiểu tiến triển bình thường của bạch biến.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bạch biến, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Bạn cần báo cáo lại bất kì sự kiện nào có thể là những yếu tố nguy cơ, ví dụ nhưng cháy nắng gần đây, bạc tóc sớm và bất kì bệnh tự miễn nào mà bạn mắc phải. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn nếu bất kì ai trong gia đình bị bạch biến hoặc các bệnh lí về da khác. Mẫu da và mẫu máu của bạn sẽ được lấy để làm xét nghiệm. Mẫu da được quan sát dưới kính hiển vi để tìm các tế bào sắc tố. Mẫu máu có thể giúp chẩn đoán những vấn đề khác có liên quan như bệnh lí tuyến giáp hoặc thiếu máu.
Điều trị
Những giải pháp điều trị bạch biến sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ bệnh của bạn. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm với vùng da bị mất sắc tố ít, bạn sẽ dễ đáp ứng với liệu pháp steroid hơn khi bệnh đã tiến triển. Kem bôi steroid tại những khu vực da bị ảnh hưởng để tái tạo lại màu sắc da bình thường. Thông thường, bạn sẽ cần ít nhất 3 tháng để điều trị trước khi thấy được hiệu quả của liệu pháp này. Liệu pháp ánh sánh phối hợp với sử dụng thuốc psoralen là một phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Với liệu pháp ánh sáng hay còn gọi là PUVA, bạn sẽ tiếp xúc với tia UVA sau khi bôi thuốc tại chỗ trên da. Đây là một giải pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh bạch biến.
Giải pháp thứ ba để điều trị bạch biến dành riêng cho những người bị những mảng trắng ở ít nhất một nửa cơ thể. Bạn sẽ sử dụng một loại thuốc có tên là ete monobezyl 2 lần mỗi ngày. Mất sắc tố cần được điều trị cẩn thận vì nó là vĩnh viễn. Điều trị cũng có thể gây ra tác dụng phụ như viêm, ngứa và khô da.
Mỹ phẩm cho những vùng da bị mất sắc tố
Mặc dù bạn đang điều trị bạch biến nhưng có thể chậm có kết quả. Một số bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm để che đi những vùng da mất sắc tố của họ. Tìm những loại mỹ phẩm hoặc kem chống nắng phù hợp với màu da tự nhiên trong những tình huống giao tiếp xã hội.
Phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không giúp bạn tái tạo lại sắc tố da, hãy hỏi bác sỹ về các phương pháp điều trị ngoại khoa. 3 loại phẫu thuật có thể được sử dụng trong bệnh bạch biến bao gồm:
Ghép da: phẫu thuật viên sẽ lấy vùng da lành, có sắc tố ghép vào vùng da mất sắc tố.
Cấy ghép tế bào tạo sắc tố: bác sĩ lấy những tế bào sản xuất sắc tố và nuôi cấy ở phòng thí nghiệm. Sau đó, những tế bào này sẽ được ghép vào vùng da bị mất sắc tố.
Phun xăm thẩm mỹ: những vùng da bị mất sắc tố ở môi được tái tạo lại sắc tố nhân tạo bằng thuốc nhuộm.
Thông thường, phẫu thuật chỉ được sử dụng cho những người bị bạch biến hơn 3 năm, khi bệnh của họ đã ổn định và không thay đổi.
Đối mặt với các khía cạnh về tình cảm của bạch biến
Bệnh bạch biến có thể gây sự chú ý cho những người khác, đặc biệt nếu bạn có làn da tối màu. Rối loạn này có thể gây ảnh hưởng tới diện mạo và làm bạn thiếu tự tin. Các nhóm hỗ trợ, nhóm tập trung những người cùng mắc bệnh và thêm vào đó là những biện pháp điều trị thông thường đóng vai trò to lớn với những người bị bạch biến. Những nhóm này cho bệnh nhân cơ hội được giãi bày và gặp gỡ với những người cùng hoàn cảnh. Hãy hỏi bác sỹ để được tư vấn hoặc giới thiệu đến những nhóm hỗ trợ trong khoảng thời gian bạn gặp khó khăn về mặt cảm xúc với bệnh bạch biến.
Tiên lượng
Bạch biến không thể chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát hiệu quả bằng nhiều giải pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa và thay đổi lối sống. Nhiều giải pháp hứa hẹn mang lại kết quả cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh lý da mạn tính này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh