Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trẻ nhanh khỏi bệnh cũng như hạn chế các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức hữu ích để xử trí nếu không may trẻ mắc tay chân miệng.
Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách, các phụ huynh cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để kịp thời nhận diện.
Tay chân miệng là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, loét miệng, đau miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông…
– Giai đoạn ủ bệnh: Vi rút xâm nhập vào cơ thể trẻ và ủ bệnh từ 3 – 7 ngày.
– Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1 – 2 ngày, trẻ có triệu chứng sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C), mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.
– Giai đoạn toàn phát: Kéo dài từ 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình như:
+ Loét miệng: Xuất hiện các vết loét đỏ, phỏng nước có đường kính từ 2 – 3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi khiến trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.
+ Các nốt phát ban dạng phỏng nước: Xuất hiện các bóng nước từ 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, ấn không đau; bóng nước vùng mông và gối xuất hiện trên nền hồng ban. Các nốt phát ban sẽ tồn tại khoảng 7 ngày và tự biến mất nhưng sẽ để lại vết thâm, không loét và ít khi bội nhiễm. Ngoài ra trẻ có thể bị sốt nhẹ, nôn trớ.
Đa số các trường hợp mắc tay chân miệng nhẹ, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8 – 10 ngày. Trường hợp trẻ sốt cao kéo dài và nôn nhiều có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này xuất hiện từ 2 – 5 ngày của bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách
Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý:
– Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không cho trẻ ăn uống thực phẩm có vị chua, cay nóng. Dùng thìa mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa.
– Về thuốc điều trị: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn; tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
– Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng.
Vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly/cốc uống nước, chén/bát ăn cơm… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
– Theo dõi sát tình trạng bệnh: Trong 7 ngày kể từ lúc trẻ mắc bệnh, ngoài việc dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường.
Chú ý: Nếu thấy trẻ sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 giờ, quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều, ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn… thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được xử trí kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Một số sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà
– Theo quan niệm nhiều phụ huynh, khi trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gió, kiêng nước dẫn đến việc không tắm cho trẻ. Đây là quan niệm sai lầm, bởi khi trẻ bị sốt, mồ hôi và dịch tiết ra từ các nốt phỏng bị vỡ là môi trường thuân lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, cha mẹ không nên kiêng tắm cho trẻ, thay vào đó hãy sử dụng xà bông diệt khuẩn để vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho bé, sau đó lau khô, nhất là cổ, nách, bẹn… và cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, nằm ở nơi thoáng mát.
– Khi nhiễm bệnh, trẻ thường sốt, tuy nhiên cha mẹ chỉ cần cho bé mặc đồ rộng, chườm mát cho con, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng. Không lạm dụng thuốc hạ sốt, chỉ nên dùng khi trẻ sốt trên 38, 5 độ C.
– Không ép trẻ ăn quá nhiều, khi bé đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay. Việc ép trẻ ăn quá sẽ làm trẻ khóc và mệt mỏi hơn.
Cần lưu ý các mẹ là bệnh tay chân miệng ban đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như các nhiễm vi rút thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh. Do đó, khi thấy có bất cứ bất thường, dù đang mùa dịch hay không cũng nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh