QUẢN LÝ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH TẠI TRUNG ƯƠNG
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em:
Chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện có bệnh nhi thực hiện theo nội dung hướng dẫn kỹ thuật và hướng dẫn triển khai hoạt động được Bộ Y tế ban hành.
Viện Dinh dưỡng:
Tổng hợp báo cáo các tuyến thành báo cáo hàng năm của chương trình, báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Có phản hồi cho các đơn vị báo cáo.
Hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho các tuyến.
Tập huấn nâng cao năng lực quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng và bệnh viện cho các tuyến.
Giám sát hỗ trợ định kỳ và lồng ghép với các hoạt động dinh dưỡng khác.
Bệnh Viện Nhi:
Nội dung thực hiện:
Ngoài nội dung như tuyến tỉnh, thì cần phải thêm:
Phải có qui định đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sàng lọc nguy cơ dinh dưỡng trên bệnh án điện tử cho tất cả bệnh nhân đến khám và nhập viện.
Có phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sàng lọc nguy cơ dinh dưỡng cho tất cả bệnh nhân khám và nhập viện. Các chỉ số nhân trắc và phân loại tình trạng dinh dưỡng phải được in rõ ràng trong giấy vào viện và ra viện.
Có qui định phòng công nghệ thông tin phải báo cáo số liệu trẻ SDD ngoại trú và nội trú hàng tháng theo mẫu cho khoa dinh dưỡng
Đào tạo, chỉ đạo tuyến các bệnh viện tuyến dưới
Nghiên cứu khoa học để ứng dụng trong thực hành lâm sàng
Tư vấn cho cấp trên về xây dựng các qui trình chăm sóc trẻ SDD, tiêu chuẩn đầu ra cho mỗi bệnh lý SDD.
Có qui trình kỹ thuật chăm sóc cho trẻ SDD, qui trình pha chế và chế biến sản phẩm dinh dưỡng điều trị.
Xây dựng các qui trình, tờ rơi truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng cho mỗi bệnh lý chuyên khoa.
Điều trị những trẻ SDD cấp nặng có biến chứng và không đáp ứng với điều trị của tuyến tỉnh. Những trẻ cần phải hỗ trợ dinh dưỡng bằng các can thiệp dinh dưỡng chuyên biệt như nuôi dưỡng tĩnh mạch với đủ thành phần, nuôi ăn đường ruột bằng các sản phẩm dinh dưỡng tự chế hay sản phẩm công thức đặc biệt đã được chứng minh lâm sàng.
Chẩn đoán và điều trị bệnh lý nền kèm theo. Đánh giá lâm sàng phải thực hiện cẩn thận, thường xuyên và nhắc lại nhằm đảm bảo tất cả các vấn đề sức khỏe được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tư vấn cá thể cho từng bệnh nhi nhằm ổn định và duy trì các nuôi dưỡng trẻ phù hợp sau này.
Quản lý tái khám cho trẻ SDD được xuất viện tại tuyến này bằng cấp chế phẩm điều trị và thuốc cho trẻ trong thời gian 1 tháng, nếu ổn định chuyển điều trị ngoại trú hoặc thuyên giảm cần nuôi dưỡng kéo dài chuyển tuyến dưới theo dõi điều trị.
Thực hiện qui trình xuất với những trẻ đủ tiêu chuẩn:
Giải quyết hay kiểm soát được biến chứng, bệnh nền kèm theo.
Cảm giác ăn ngon miệng trở lại.
Gia đình/người nuôi dưỡng trẻ có đủ khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tại cơ sở tuyến dưới hoặc ngoại trú.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Phải có khoa Khoa Dinh dưỡng điều trị. Khoa phải có khu vực cách ly cho những trường hợp có nguy cơ truyền nhiễm cao, có phòng cấp cứu dành cho theo dõi bệnh nhân nặng. Phòng phải đảm bảo đủ ấm, tránh gió lùa, có nhà vệ sinh riêng, trong phòng có bồn rửa tay, nước sạch và xà phòng rửa tay và giấy lau tay, có phương tiện cấp cứu đầy đủ. Khoa phải có phòng pha chế sữa, chuẩn bị thức ăn và pha chế ReSomal/ORS cho bệnh nhân. Phòng đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh sạch sẽ.
Có đơn vị chế biến các sản phẩm dinh dưỡng bệnh lý và vận chuyển suất ăn đến tận tay người bệnh(súp ăn sonde, súp hậu phẫu, súp cho bệnh lý kém hấp thu) hoặc cung cấp sản phẩm dinh dưỡng công thức đặc trị cho từng loại bệnh (chế phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ bệnh lý rối loạn hóa, hấp thu v..v) và khoa Dinh Dưỡng phải chịu trách nhiệm cung cấp hoặc quản lý (nếu đơn vị chế biến đấu thầu).
Các chế phẩm dinh dưỡng công thức phải được quản lý như thuốc điều trị (kê đơn, bán, cấp phát...) tuân thủ như cấp phát thuốc và khoa Dinh dưỡng chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm này.
Có bộ phận dược pha chế các sản phẩm nuôi dưỡng tĩnh mạch đủ thành phần theo yêu cầu của các khoa lâm sàng.
Đảm bảo đủ dụng cụ để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ hàng ngày tại các khoa khám và điều trị.
Khoa Dinh dưỡng: phải có Compa đo bề dày lớp mỡ dưới da: loại compa hay sử dụng nhất là Harpenden, với 2 đầu compa là hai mặt phẳng, tiết diện 1cm2. Có một áp lực kế gắn và compa, đảm bảo khi compa kẹp vào da bao giờ cũng có một áp lực không đổi khoảng 10 – 20 g/mm2. Có cân nhỏ để cân đo trong chế biến và chia suất ăn bệnh lý. Có trang thiết bị và dụng cụ pha chế sữa.
Tại khoa điều trị phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhi phải có các loại cân để đo lượng thực phẩm ăn vào và chất thải của bệnh nhân, cân đứng và cân nằm để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Phải có góc truyền thông dinh dưỡng tại các khoa khám và điều trị. Có các hướng dẫn cho bà mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ theo từng bệnh, ít nhất mỗi chuyên khoa có một hướng dẫn dinh dưỡng bệnh lý.
Có phần mềm quản lý SDD hoặc áp dụng công nghệ thông tin trong sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Có phần mềm kiểm soát chế độ dinh dưỡng trong bệnh nhân
Phòng khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ: khám lại cho trẻ SDD theo hẹn. Tư vấn xây dựng thực đơn .
Thuốc: Ngoài các thuốc, dịch truyền thiết yếu, cần thiết điều trị cho trẻ, cần có các chế phẩm đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng công thức, sản phẩm dinh dưỡng tự chế tại bệnh viện.
Tài liệu truyền thông: Tờ rơi, áp phích treo tường về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm chủng mở rộng,ăn bổ sung,Hướng dẫn theo dõi tại nhà, phiếu hẹn khám lại, hướng dẫn dinh dưỡng cho một số bệnh lý
Nhân lực:
Có ít nhất 5 bác sĩ, 5 điều dưỡng nhi chuyên trách điều trị, chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng (phải có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng ít nhất 3-6 tháng)
Có ít nhất 2 cử nhân chuyên ngành dinh dưỡng tiết chế có nhiệm vụ xây dựng, kiểm soát chế độ ăn bệnh lý cho bệnh nhân.
Trưởng khoa dinh dưỡng phải là bác sỹ nhi khoa và có trình độ sau đại học chuyên ngành dinh dưỡng hoặc có chứng chỉ dinh dưỡng lâm sàng ít nhất 6 tháng và làm đề tài sau đại học về dinh dưỡng.
Báo cáo: Thực hiện báo cáo 6 tháng/lần cho Viện Dinh dưỡng
Tổng số trẻ SDD trong bệnh viện và mức độ SDD theo từng tháng
Số trẻ tiếp nhận mới.
Số trẻ tiếp nhận cũ (từ tuyến khác hoặc bỏ cuộc quay lại).
Số trẻ khỏi (đáp ứng tiêu chuẩn xuất).
Số trẻ tử vong.
Số trẻ bỏ cuộc (Nội trú: bỏ viện hoặc không chấp nhận thực phẩm điều trị).
Số trẻ không đáp ứng (Nội trú: không đạt tiêu chuẩn xuất viện sau 4 tháng điều trị, chuyển chương trình khác).
Số trẻ chuyển (sang tuyến khác, chuyển nhưng chưa khỏi).
Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả điều trị nội trú (tại bệnh viện)
Tỷ lệ tử vong: dưới 10%.
Tỷ lệ bỏ cuộc: dưới 15%.
Tỷ lệ hồi phục: trên 75%.
PHỤ LỤC 1 - ĐỊNH NGHĨA CÁC THUẬT TỪ SỬ DỤNG
Suy dinh dưỡng cấp tính:
Bệnh suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù.
Trẻ chỉ cần có 1 trong 2 điều kiện về nhân trắc là Chu vi vòng cánh tay (MUAC) hoặc Cân nặng theo chiều cao (CN/CC) thấp hơn so với ngưỡng là được chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng cấp tính.
Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính vừa có các biểu hiện sau:
Chu vi vòng cánh tay: MUAC từ 115mm đến dưới 125mm (màu vàng) (Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào MUAC chỉ áp dụng cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi).
Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC từ -3SD đến dưới -2SD
Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có các biểu hiện sau:
Chu vi vòng cánh tay: MUAC dưới 115mm (màu đỏ)
Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC dưới -3SD.
Hoặc có biểu hiện phù dinh dưỡng (phù đều hai bên, phù từ chân lên)
Huy động cộng đồng:
Bao gồm những hoạt động được thực hiện nhằm cho cộng đồng hiểu, tham gia, ủng hộ chương trình, giúp chương trình tầm soát phát hiện những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính đưa vào quản lý, điều trị và những hỗ trợ cần thiết để giữ trẻ trong chương trình cho đến khi điều trị khỏi.
Thước đo vòng cánh tay
Là băng giấy màu chia nhỏ đến milimet dùng để đo chu vi điểm giữa cánh tay của trẻ nhằm xác định xem trẻ có đáp ứng được tiêu chuẩn tiếp nhận vào các chương trình điều trị trẻ SDD cấp tính hay không. Vòng cánh tay dưới 115 mm (màu đỏ) biểu thị trẻ bị SDD cấp tính nặng và có nguy cơ tử vong cao.
Chế phẩm dinh dưỡng điều trị:
Là những chế phẩm được thiết kế đặc biệt theo từng giai đoạn điều trị, bao gồm
Chế phẩm dinh dưỡng điều trị trong bệnh viện: Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo 2 chế phẩm dinh dưỡng điều trị là F-75 và F-100 trong điều trị trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng. Trong đó F-75 được sử dụng trong giai đoạn điều trị cấp cứu và F-100 được sử dụng trong giai đoạn điều trị phục hồi.
Chế phẩm dinh dưỡng điều trị tại cộng đồng: Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo sử dụng Chế phẩm điều trị ăn liền (RUTF) trong điều trị trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là tại cộng đồng. RUTF là chế phẩm điều trị ăn liền có đậm độ năng lượng và protein cao, được bổ sung vitamin, khoáng chất, đặc biệt được thiết kế cho Trẻ mắc bệnh SDD nặng cấp, được phát triển từ năm 1998. Chế phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với công thức F-100.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh