Tổng quan
Bú, ngủ, tè, ị, và lặp lại là những hoạt động nổi bật trong 1 ngày của trẻ sơ sinh.
Và nếu như đây là đứa con đầu tiên của bạn, thì có lẽ bạn sẽ có rất nhiều thắc mắc và lo lắng về chuyện cho trẻ bú. Cho con bú bao nhiêu là đủ? Có nên đánh thức con dậy để bú không? Tại sao con có vẻ như đói liên tục? Bao giờ thì mới cho con ăn dặm được?
Câu trả lời cho hàng ngàn thắc mắc của bạn đã thay đổi rất nhiều kể từ lúc bạn còn trong nôi, mặc cho các bà các cô có khăng khăng khẳng định thế nào đi nữa. Hiện nay thì trẻ sơ sinh được khuyến cao nên được cho bú theo nhu cầu của trẻ, dù bú sữa công thức hay bú sữa mẹ (cứ xem đây như là sự chuẩn bị tâm lý sẵn cho phụ huynh dành cho lúc trẻ bước vào tuổi dậy thì) và nên chờ đến lúc trẻ được 4-6 tháng tuổi thì mới bắt đầu cho ăn dặm.
Lịch cho trẻ ăn dựa theo tuổi.
Ngày đầu sau khi được sinh ra, dạ dày của trẻ chỉ to bằng viên bi và chỉ có thế chứa khoảng 5-7ml chất lỏng cùng một lúc. Khi trẻ lớn hơn, dạ dày cũng lớn và to ra.
Rất khó (thật ra là không thể) để có thể biết được lượng sữa trẻ bú trong 1 lần bú sữa mẹ. Nhưng nếu trẻ được cho bú bình thì sẽ dễ dàng đo lường hơn một chút.
Dưới đây là lịch cho trẻ bú dành cho trẻ được bú bình, theo Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP)
Tuổi |
Lượng sữa một lần bú |
Ăn dặm |
Nhỏ hơn 2 tuần |
15 ml trong ngày đầu tiên và 30 – 90 ml trong những ngày tiếp theo. |
Không |
2 tuần – 2 tháng |
60 – 120 ml |
Không |
2 – 4 tháng |
120 – 180 ml |
Không |
4 – 6 tháng |
120 – 240 ml |
Có thể, nếu trẻ có thể tự giữ được đầu thẳng và nặng ít nhất 6 kg. Nhưng cũng chưa cần thiết phải cho trẻ ăn dặm ngay lúc này |
6 – 12 tháng |
240 ml |
Bắt đầu cho ăn thức ăn mềm, ví dụ như: bột ăn dặm, rau, thịt, trái cây được xay nhuyễn, hay các loại thức ăn được thái mỏng. Cho trẻ ăn mỗi lần một món mới. Vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức |
Bao lâu thì cho trẻ ăn một lần?
Mỗi trẻ mỗi khác nhưng có một điều chắc chắn là trẻ bú mẹ sẽ đói nhanh hơn trẻ bú bình. Lý do bởi vì sữa mẹ dễ được hấp thu và tiêu hóa hơn, nên dạ dày sẽ mau trống hơn trẻ dùng sữa công thức.
Trẻ bú mẹ
Không có thời gian để nghỉ ngơi. Theo Hiệp hội quốc tế La Leche, trẻ nên được bú trong vòng 1 giờ đầu sau sanh, và cần được cho bú 8-12 cử trong 1 ngày suốt tuần đầu tiên (nghe khá là mệt nhỉ).
Điều lưu ý quan trọng đầu tiên là không nên để các cử bú cách nhau quá 4 giờ. Nếu cần thì bạn cũng nên đánh thức trẻ dậy để cho bú, ít nhất là cho đến khi trẻ bú mẹ tốt và tăng cân đều đặn.
Khi trẻ lớn hơn và lượng sữa của mẹ dồi dào hơn, trong một cử thì trẻ sẽ có thể bú nhiều sữa hơn trong thời gian ngắn hơn. Đó chính là lúc mà bạn có thể nhận ra được nhịp độ tần suất bú của trẻ.
- 1 đến 3 tháng: 7-9 cử 1 ngày
- 3 tháng: 6-8 cử 1 ngày
- 6 tháng: khoảng 6 cử 1 ngày
- 12 tháng: có thể sẽ giảm xuống còn 4 cử 1 ngày. Bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi sẽ giúp trẻ bổ sung được lượng dinh dưỡng thiết yếu.
Cần nhớ rằng lịch ở phía trên chỉ là 1 ví dụ. Mỗi trẻ sẽ có mỗi nhịp độ và sở thích khác nhau, và còn nhiều yếu tố khác làm ảnh hưởng đến tần suất bú của trẻ.
Trẻ bú bình
Cũng giống như trẻ bú mẹ, trẻ bú bình cũng cần được cho bú theo nhu cầu. Trung bình thì khoảng 2 đến 3 tiếng 1 lần. Lịch cho bú điển hình giống như sau:
- Sơ sinh: mỗi 2-3 tiếng
- 2 tháng tuổi: mỗi 3-4 tiếng
- 4-6 tháng: mỗi 4-5 tiếng
- Trên 6 tháng: mỗi 4-5 tiếng.
Cả trẻ bú sữa mẹ và bú bình
- Không nên cho trẻ dưới 1 năm tuổi bú bất kỳ chất lỏng nào khác (bao gồm cả nước ép và sữa bò) ngoại trừ sữa mẹ và sữa công thức. Bởi các chất lỏng đó không cung cấp được, thậm chí không có, các chất dinh dưỡng cần thiết, và còn có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Trẻ có thể được cho uống nước vào lúc 6 tháng tuổi.
- Không được cho ngũ cốc vào bình sữa
- Có thể làm cho trẻ bị mắc nghẹn
- Đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa đủ mạnh để tiêu hóa ngũ cốc cho đến khi trẻ được khoảng 4-6 tháng tuổi.
- Có thể làm cho trẻ quá no.
- Không cho trẻ dung mật ong ở dưới bất cứ dạng gì cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi. Mật ong có thể gây nguy hiểm cho trẻ, thỉnh thoảng gây ra tình trạng ngộ độc trẻ sơ sinh.
- Nên điều chỉnh lịch và lượng sữa bú dựa vào nhu cầu riêng biệt của từng trẻ. Trẻ sanh non thường sẽ được điều chỉnh theo độ tuổi của chúng. Nếu trẻ gặp các tình trạng như trào ngược, chậm phát triển, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn về lịch và lượng sữa trẻ nên được cho bú theo.
Làm thế nào để trẻ quen với lịch bú
Quá trình phát triển của trẻ có đầy sự háo hức của ba mẹ. Trẻ sẽ quen dần với lịch bú khi bao tử lớn lên và trẻ có thể bú nhiều hơn trong 1 cử. Chuyện này sẽ xảy ra khi trẻ được 2-4 tháng tuổi.
Nhưng còn ngay lúc này thì bạn nên chú ý đến các dấu hiệu đói của trẻ, ví dụ như:
- Đưa đầu vào ngực bạn để tìm núm vú.
- Đưa tay vào miệng
- Chóp chép miệng hay liếm môi.
- Quấy khóc càng lúc càng nhiều.
Khi trẻ được vài tháng tuổi, bạn nên thử tập cho trẻ theo 1 lịch bú/ngủ phù hợp với bạn.
Ví dụ như: con bạn được 4 tháng tuổi và bé sẽ thức dậy bú mỗi 5 tiếng. Có nghĩa là nếu bạn cho bé bú lúc 9 giờ tối thì 5 tiếng sau, tức là 2 giờ sáng, bé sẽ thức dậy và đòi bú. Nhưng nếu bạn cho bé bú lúc 11 giờ tối thì phải đến 4 giờ sáng trẻ mới thức dậy đòi bú, bạn sẽ được ngủ nhiều hơn.
Nếu trẻ còn đói thì sao?
Nhìn chung thì nếu trẻ đói thì cứ cho trẻ bú. Trẻ sẽ ăn, bú nhiều hơn ở những thời điểm phát triển nhanh của cơ thể, cụ thể là vào khoảng 3 tuần, 3 tháng, và 6 tháng tuổi.
Một vài trẻ có thể sẽ đòi bú liên tục trong một vài giai đoạn nhất định nhưng lại ít hơn ở những lúc khác. Ví dụ như trẻ đòi bú liên tục trong buổi chiều tối nhưng lại ngủ nhiều hơn lâu hơn vào buổi tối (Yeah!!). Việc này thường gặp ở trẻ bú mẹ hơn là trẻ bú bình.
Bạn lo lắng về việc cho trẻ bú quá mức? Chuyện này không thể xảy ra với trẻ bú mẹ, nhưng với trẻ bú bình thì có – đặc biệt là khi chúng ngậm núm vú để chơi hay ngưng khóc. Nên theo dõi các dấu hiệu đói cảu trẻ, nhưng cũng cần phải nói với bác sĩ nếu như bạn nghĩ rằng trẻ đang bú quá nhiều.
Làm sao để bắt đầu ăn dặm
Trẻ có thể bắt đầu ăn dặm khi được 4-6 tháng tuổi và:
- Cử động đầu tốt.
- Cảm thấy thèm ăn những thức ăn của bạn.
- Với lấy thức ăn.
- Cân nặng từ 6 kg trở lên.
Nên bắt đầu cho trẻ ăn gì? Hội AAP cho rằng chuyện bạn bắt đầu từ món gì không quan trọng. Chỉ có 1 nguyên tắc chính xác: Chỉ cho trẻ ăn 1 loại thức ăn trong vong 3-5 ngày trước khi cho ăn thêm 1 loại khác. Nếu như có phản ứng dị ứng xảy ra (ban đỏ, tiêu chảy, nôn ói là các dấu hiệu đầu tiên), thì bạn sẽ biết ngay vấn đề nằm ở món nào.
Khi trẻ lớn hơn, nên thay thức ăn xay nhuyễn bằng các món đặc hơn (ví dụ như chuối nghiền, trứng đánh chiên hay nấu kỹ, mì bằm nhỏ). Giai đoạn này thường vào lúc 8-10 tháng tuổi).
Siêu thị bày bán rất nhiều loại thức ăn cho trẻ, nhưng nếu bạn muốn tự tay nấu cho con thì nên tránh sử dụng đường và muối. Thêm nữa, ở giai đoạn này thì không nên cho trẻ ăn bất kỳ thứ gì có nguy cơ gây nghẹn cho trẻ, bao gồm:
- Thức ăn cứng, như là bắp rang hay hạt.
- Trái cây cứng như là táo; đối với trường hợp này nên nấu cho mềm và thái nhỏ ra thì mới cho trẻ ăn được.
- Bất cứ loại thịt nào mà chưa được nấu kỹ hay thái nhỏ (kể cả xúc xích)
- Phô mai viên
- Bơ đậu phộng (nên hỏi trước với bác sĩ về trường hợp này – và các lợi ích của việc cho trẻ ăn bơ đậu phộng pha loãng trước 1 tuổi)
Càng gần 1 tuổi thì trẻ nên ăn được nhiều loại thức ăn và khoảng 115gr thức ăn đặc một bữa. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Khi được 8 tháng tuổi, trẻ đã có thể bú được 850 ml 1ngày.
Những lo lắng khác
- Trẻ con không phải là chung 1 một khuôn mẫu. Một vài trẻ sẽ lên cân dễ dàng, trong khi những trẻ khác gặp rắc rối. Những việc có thể làm ảnh hưởng đến quá trình lên cân của trẻ:
- Bị dị tật bẩm sinh như sứt môi hay hở vòm, làm ảnh hưởng đến việc ăn, bú.
- Rối loạn dung nạp protein sữa.
- Sinh non
- Bú bình thay vì bú mẹ.
Một nghiên cứu năm 2012 trên 1800 trẻ phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh bú bình – cho dù là sữa công thức hay sữa mẹ - tăng cân nhiều hơn trong năm đầu tiên so với trẻ bú mẹ.
Bác sĩ là người tư vấn tốt nhất cho bạn về số cân nặng khỏe mạnh của trẻ.
Kết luận
Cho trẻ bú, ăn cái gì, khi nào, và như thế nào là những mối ưu tư hàng đầu của các ba các mẹ - nhưng tin tốt là hầu hết các trẻ đều biết được mình đói hay no khi nào- chúng sẽ cho bạn biết điều đó.
Bạn chỉ cần cho trẻ bú, ăn những món đúng vào thời điểm đúng và chú ý quan sát đến các dấu hiệu của con bạn. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng hay câu hỏi nào, hãy đến gặp bác sĩ để họ có thể giúp bạn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh