✴️ Những dấu hiệu cảnh báo trẻ sơ sinh bị táo bón

Nội dung

9+ dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Hình dạng phân của trẻ sơ sinh bị táo bón

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón dễ nhận biết nhất là thông qua hình dáng của phân. Phân của trẻ sơ sinh bị táo bón thường cứng, khô và vón cục giống như phân dê hoặc ở dạng sệt quánh, keo dính trong một số trường hợp.

Cha mẹ có thể nhận biết phân của trẻ sơ sinh bị táo bón dựa vào thang phân loại táo bón của bệnh viện Bristol tại Anh. Thông thường sẽ có 3 kiểu phân táo bón của trẻ sơ sinh:

– Kiểu 1: Hình dạng của phân như các khối rắn riêng biệt, rất khó để tống ra ngoài.

– Kiểu 2: Phân tạo khối khô rắn, sần sùi.

– Kiểu 3: Phân tạo khối khô rắn, có các vết nứt trên bề mặt.

Phân của trẻ bị táo bón thuộc type 1,2,3

Tần suất đi đại tiện giảm là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Trẻ sơ sinh ở mỗi độ tuổi sẽ có tần suất đi ngoài khác nhau;

– Trẻ dưới 6 tháng: khoảng 3 – 4 lần/ngày

– Trẻ 6 – 12 tháng: 1 – 2 lần/ngày

Sau khi theo dõi tần suất đi ngoài của trẻ, nếu thấy giảm số lần đi ngoài, khoảng 2 – 3 lần/tuần hoặc lâu hơn và trẻ có các biểu hiện kèm theo như rặn đỏ mặt thì khả năng cao trẻ sơ sinh bị táo bón.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có tần suất đi ngoài giảm còn do giai đoạn giãn ruột sinh lý nên cha mẹ cần theo dõi thêm những biểu hiện khác mới khắng định được trẻ có bị táo bón hay không. Giai đoạn giãn ruột sinh lý xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi trở lên và kéo dài trong khoảng 2 – 3 tháng từ khi trẻ bắt đầu gặp phải.

Trẻ bị táo bón căng thẳng mỗi lần đi đại tiện

Phân của trẻ bị táo bón thường khô, cứng và vón cục khiến cho việc đẩy phân ra ngoài rất khó khăn. Trẻ nhỏ với cơ bụng yếu sẽ phải dùng sức rặn nhiều, gồng mình và siết chặt mông, mặt đỏ ứng mỗi khi đi ngoài. Việc làm này không chỉ khiến trẻ căng thẳng mỗi làn đi đại tiện mà còn gây tổn thương hậu môn của bé.

Trẻ bị táo bón kéo dài không được điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ cao bị trĩ, táo bón mãn tính, rò hậu môn, sa trực tràng…

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón khi xuất hiện chướng bụng, đầy hơi

Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng khi thức ăn nạp vào cơ thể sau khi qua quá trình tiêu hóa nhưng không được đào thải ra ngoài. Mẹ đặt tay lên bụng trẻ sẽ thấy bụng căng trướng, xì hơi nặng mùi.

Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào một dấu hiệu trẻ bị chướng bụng, đầy hơi sẽ không thể khẳng định trẻ sơ sinh bị táo bón mà cần theo dõi thêm các dấu hiệu khác như tần suất đi ngoài, tính chất phân…

dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Chướng bụng, đầy hơi ở trẻ sơ sinh là triệu chứng báo hiệu táo bón

Thời gian đi đại tiện lâu hơn bình thường

Biểu hiện táo bón ở trẻ sơ sinh phải kể tới việc đi ngoài lâu hơn bình thường, trẻ sơ sinh bị táo bón không đi ngoài được. Trẻ phải rặn nhiều, gắng sức rặn, mặt mày đỏ bừng, khóc nhiều vì đau rát, khó chịu… nên thời gian đi đại tiện có thể kéo dài tới 30 phút hoặc lâu hơn.

Cảm giác đi ngoài chưa hết phân

Trẻ bị táo bón kéo dài sẽ làm phân bị dồn ứ lâu trong trực tràng, tạo thành các khối cứng, khó thải ra được bên ngoài khiến trẻ có cảm giác buồn đi vệ sinh nhưng khó đi hoặc đi chưa hết phân, sót phân.

Trẻ bị đau hậu môn khi đi ngoài

Khi bị táo bón, phân sẽ cứng, khô, rắn khiến trẻ phải gồng lên để rặn tống phân ra ngoài, việc này khiến phân cọ xát vào niêm mạc hậu môn gây đau, hậu môn bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn có trường hợp phân có kích thước lớn gây nứt kẽ hậu mốn.

Trẻ sơ sinh bị táo bón quấy khóc, biếng ăn

Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc vô cớ… khi lượng thức ăn nạp vào cơ thể không được đào thải ra ngoài, đây cũng là một trong nhiều dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ cần lưu ý.

Tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài nếu không có cách xử lý sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn…

dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Mẹ cần tìm lý do trẻ quấy khóc, rất có thể trẻ đang bị táo bón

Táo bón ra máu ở trẻ

Táo bón ra máu là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra khi cục phân to cọ xát vào niêm mạc hậu môn khi trẻ gắng sức rặn gây trầy xước, nứt kẽ hậu môn và hậu quả là trong phân trẻ có lẫn máu.

Phân có mùi khó chịu

Trẻ bị táo bón khi đi ngoài phân có mùi khó chịu vì phân bị ứ lại lâu trong trực tràng, không được đẩy ra ngoài sẽ lên men và sinh khí gây mùi khó chịu.

Mách mẹ cách xử lý tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị táo bón kéo dài lây ngày đều có nguy cơ mắc bệnh trĩ hoặc nặng nề hơn là nứt trực tràng. Vì vậy, cần thiết cha mẹ phải nhận biết sớm dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón và có biện pháp giải quyết kịp thời tình trạng này.

Gợi ý một số cách xử lý chứng táo bón ở trẻ cho mẹ:

– Nếu trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ thì mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho phù hợp, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và hạn chế ăn các đồ cay nóng,…

– Cho trẻ sơ sinh bú nhiều cữ để trẻ không bị thiếu nước.

– Nếu trẻ bị táo bón do uống sữa công thức thì mẹ cần đổi sữa khác phù hợp hơn với trẻ.

– Mẹ có thể massage bụng cho trẻ để làm mềm thức ăn không được hấp thu tích tụ lâu ngày trong bụng bé và chuyển xuống hậu môn để thải ra ngoài dễ dàng hơn. Thời gian massge kéo dài trong vòng 3 phút, bằng cách dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, sau đó đặt lên vùng bụng gần rốn rồi xoa nhẹ, đồng thời kết hợp với lực ấn vừa phải.

– Cho trẻ ngâm mình trong nước ẩm từ 1 – 2 lần/ngày, khoảng 5 phút sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và giảm bớt cảm giác khó chịu do táo bón gây ra. Vì nước ấm có tác dụng làm giãn cơ vòng hậu môn, đồng thời kích thích nhu động ruột giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn.

– Cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế trong trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài hơn 2 tuần hoặc xuất hiện các triệu chứng như: nôn ói, sốt, đi phân ra máu, bụng to lên…để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top