Các bệnh nguy hiểm kháng thuốc

Kháng thuốc không còn là dự đoán trong tương lai, nó đang xảy ra trên toàn thế giới và làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm trùng. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp, loài người sẽ tiến dần tới kỷ nguyên ‘hậu kháng sinh’, khi các căn bệnh nhiễm trùng thông thường hay những thương tích đơn giản - vốn có thể điều trị dễ dàng - sẽ lại gây chết người, như khi chưa hề có kháng sinh.

Bức tranh toàn cầu trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014 về giám sát tình trạng kháng thuốc thật không mấy sáng sủa. Hàng loạt bệnh nguy hiểm trở nên khó kiểm soát do tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. 

Các bệnh nguy hiểm kháng thuốc 

1. Nhiễm khuẩn kháng thuốc

Thất bại trong điều trị bệnh lậu bằng cephalosporin thế hệ thứ ba - thuốc kháng sinh dự phòng chỉ dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng hoặc khi các kháng sinh khác bị vô hiệu hóa - đã được xác nhận tại một số quốc gia. Nhiễm lậu không được điều trị sẽ làm tăng số người bị bệnh cũng như số trường hợp biến chứng như vô sinh, bất thường trong thai kỳ (sẩy thai, sinh non, tiền sản giật, sản giật, chậm phát triển trong bào thai, thai chết lưu), gây mù ở trẻ sơ sinh và làm tiêu tan những nỗ lực kiểm soát bệnh lậu từ trước tới nay.
Tình trạng kháng với fluoroquinolones - một trong các thuốc kháng sinh đường uống sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị nhiễm trùng tiết niệu do E.coli - đang rất phổ biến.

Tình trạng kháng với các thuốc đầu bảng trong điều trị nhiễm trùng do tụ cầu vàng - nguyên nhân phổ biến gây bệnh nghiêm trọng tại bệnh viện và cộng đồng - cũng rất phổ biến.

Tình trạng kháng các thuốc carbapenem - kháng sinh dự phòng cuối cùng cho nhiễm trùng đe dọa tính mạng bởi vi khuẩn đường ruột thông dụng - đã lan rộng trên toàn thế giới.

2. Lao kháng thuốc

Năm 2012, thế giới ghi nhận thêm 450.000 trường hợp nhiễm lao kháng đa thuốc. Khoảng 6% các ca mắc mới và 20% trường hợp mắc lao đang điều trị đã trở nên kháng thuốc. 92 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lao siêu kháng thuốc - lao kháng đa thuốc chỉ đáp ứng với rất ít loại thuốc.  

3. Sốt rét kháng thuốc

Tình trạng kháng thuốc chống sốt rét thế hệ cũ đang lan rộng tại tất cả các nước có dịch. Đặc biệt sự xuất hiện các chủng ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin tại Tiểu vùng sống Mê kong mở rộng đang đe dọa phá hủy những thành quả quan trọng mới đạt được trong kiểm soát sốt rét.  

4. HIV kháng thuốc 

Tình trạng kháng thuốc cũng bắt đầu xuất hiện trong điều trị nhiễm HIV. Cuối năm 2011, khoảng 8 triệu người nhiễm HIV tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã được cấp phát thuốc điều trị. Mặc dù thông qua các chương trình huấn luyện, có thể hạn chế đến mức tối đa tình trạng kháng thuốc, song các nhà khoa học dự đoán tình trạng kháng một số thuốc điều trị HIV sẽ xuất hiện.

5. Cúm kháng thuốc

Trong 10 năm qua, thuốc kháng virus đã trở thành công cụ quan trọng trong điều trị dịch cúm và đại dịch cúm. Khả năng biến đổi không ngừng của virus cúm đồng nghĩa với tình trạng kháng thuốc chống virus liên tục xuất hiện. Năm 2012, tất cả các virus cúm A lưu hành ở người đều kháng các loại thuốc trị cúm thông dụng (amantadine và rimantadine).

 

Vì sao vi khuẩn kháng thuốc?

  • Kháng thuốc là tình trạng vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) không đáp ứng với các thuốc trước đó từng có tác dụng. Kết quả là điều trị thông thường không còn hiệu quả, khiến bệnh tồn tại dai dẳng, làm tăng nguy cơ lan truyền sang những người khác.

  • Sự phát triển của tình trạng kháng thuốc là một hiện tượng tự nhiên. Các chủng kháng thuốc tiến hóa bằng cách tự thay đổi khi nhân lên hoặc trao đổi chéo với nhau.  

  • Một số hành động của con người cũng góp phần đẩy nhanh sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng kháng thuốc: sử dụng rộng rãi và sử dụng không đúng cách các thuốc kháng vi sinh, bao gồm cả thuốc dùng trong chăn nuôi; yếu kém trong kiểm soát và phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn. 

 

Chung tay hạn chế tình trạng kháng thuốc 

 Cộng đồng: 

  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định. 

  • Hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị cả khi thấy bệnh đã thuyên giảm.

  • Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đúng cách, an toàn.

Nhân viên y tế và các dược sĩ:

  • Tăng cường công tác phòng và chống nhiễm khuẩn.

  • Chỉ kê đơn và cho kháng sinh khi thực sự cần thiết. 

  • Kê đơn và sử dụng kháng sinh phù hợp khi điều trị bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top