ĐẠI CƯƠNG.
Định nghĩa.
Những thuốc khí vị cay thơm, tính thiên về ôn táo, có tác dụng hoá thấp vận tỳ gọi là thuốc hoá thấp.
Chỉ định chung.
Tỳ ghét thấp, nếu thấp trọc nội trệ ở trung tiêu làm cho công năng vận hoá thủy cốc của tỳ vị bị trở trệ mà gây nên bệnh. Thuốc cay thơm mà có tác dụng hoá thấp tỉnh tỳ, ôn táo đều có tác dụng kiện tỳ táo thấp.
Thuốc hoá thấp dùng trong thấp trọc ứ trệ ở bên trong, tỳ bị thấp khốn, vận hoá thất thường gây nên chứng bụng đầy chướng, buồn nôn, ợ chua, đại tiện lỏng nát, ăn ít, miệng ngọt, chảy nhiều dãi, rêu lưỡi trắng bẩn.
Thuốc còn có tác dụng giải thử, dùng để điều trị các chứng thấp thử, thấp ôn…
Chú ý khi dùng.
Điều trị tỳ vị hư nhược, thường phối hợp với thuốc bổ tỳ kiện vị; thấp trở khí trệ, bụng chướng đầy thường phối hợp thuốc hành khí; nếu hàn thấp ứ trệ ở trung tiêu, thường phối hợp thuốc ôn lý; nếu lý thấp hoá nhiệt, phối hợp thuốc thanh nhiệt hoá thấp.
Thuốc hoá thấp phần lớn cay - ấm nóng - thơm - táo, dễ làm hao khí thương âm, nên dùng thận trọng khi âm hư huyết táo, khí hư.
Thuốc có nhiều tinh dầu nên khi sắc thường cho vào sau, không nên sắc lâu.
CÁC VỊ THUỐC.
Hoắc hương:
Hoắc hương (Herba Pogostemonis) là cành và lá phơi hay sấy khô của cây hoắc hương Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ hoa môi Labiatae.
Tính vị: cay, hơi ấm. Quy kinh tỳ, phế, vị.
Tác dụng: hoá thấp, giải thử, chỉ ẩu (cầm nôn).
Chỉ định:
Chứng thấp trọc nội trệ, trung khí bất vận gây ra bụng căng chướng tức, ăn ít, buồn nôn, mệt mỏi thường dùng cùng thương truật, hậu phác như bài Bất hoán kim chính khí tán.
Chứng ngoại cảm phong hàn, nội thương sinh lạnh gây nên sợ lạnh, phát sốt, đau đầu buồn nôn, nôn và ỉa lỏng, thường phối hợp dùng với tử tô, hậu phác, bán hạ như bài hương nhu chính khí tán.
Điều trị bệnh thấp ôn giai đoạn đầu, thấp nhiệt nặng thường phối hợp với hoàng cầm, hoạt thạch, nhân trần như bài cam lộ tiêu độc đan.
Chứng thấp trọc ứ trệ trung tiêu gây buồn nôn, thường dùng cùng bán hạ; nếu thiên về hàn thấp thì phối hợp với đinh hương, bạch đậu khấu; thiên về thấp nhiệt phối hợp với hoàng liên, trúc nhự; nếu có thai buồn nôn dùng cùng với sa nhân, tô ngạnh; tỳ vị hư nhược dùng cùng với đẳng sâm, bạch truật. - Liều dùng: 5 - 10g.
Tác dụng dược lý: tinh dầu có tác dụng tăng tiết dịch vị dạ dày, tăng khả năng tiêu hoá, giảm co thắt đường tiêu hoá. Hoắc hương có tác dụng phòng tạo mủ và kháng khuẩn. Ngoài ra có tác dụng thu liễm chỉ tả, chống giãn vi huyết quản, lá hoắc hương có tác dụng giải biểu, cành có tác dụng hoà trung.
Bội lan.
Bội lan (Herba Eupatorii) là toàn cây trừ rễ của cây bội lan Eupatorium fortunei Turcz, thuộc họ cúc Compositae.
Tính vị: cay, bình. Quy kinh tỳ, phế, vị.
Tác dụng: hoá thấp giải thử.
Chỉ định:
Chứng thấp trệ trung tiêu, thường phối hợp dùng với thương truật, hậu phác.
Chứng thử thấp thường phối hợp dùng với hoắc hương, hà diệp, thanh cao. Điều trị thấp ôn thường dùng cùng hoạt thạch, ý dĩ, hoắc hương.
Liều dùng: 5 - 10g.
Tác dụng dược lý: ức chế vi rút gây cảm cúm.
Thương truật.
Thương truật (Rhizoma Atractylodis) là thân rễ phơi khô của cây thương truật Atractylodes Lancea (Thumb.) DC, thuộc họ cúc Compositae.
Tính vị: cay, đắng, ôn. Quy kinh tỳ, vị.
Tác dụng: táo thấp kiện tỳ, khứ phong thấp.
Chỉ định:
Chứng thấp trệ trung tiêu, tỳ mất kiện vận gây bụng chướng đầy, buồn nôn, ăn ít, ỉa lỏng, rêu lưỡi trắng nhớp, thường dùng cùng hậu phác, trần bì như bài Bình vị tán. Điều trị chứng thấp nhiệt, thấp ôn, đàm ẩm thường phối hợp thuốc thanh nhiệt.
Chứng phong thấp tý chứng, thường dùng với độc hoạt, tần cửu. Điều trị thấp nhiệt tý thống, phối hợp thạch cao, tri mẫu như bài bạch hổ gia thương truật thang. Phối hợp với hoàng bá thành bài nhị diệu tán dùng để điều trị thấp trọc đới hạ, thấp sang, thấp chẩn.
Chứng ngoại cảm phong hàn hiệp thấp, gây sợ lạnh phát sốt, toàn thân đau nhức, đau đầu, không mồ hôi thường dùng cùng với bạch chỉ, tế tân như bài thần truật tán. Ngoài ra thương truật có tác dụng minh mục dùng trong điều trị chứng quáng gà, sắc nước thương truật uống, hoặc sắc cùng với gan dê, gan lợn để ăn.
Liều dùng: 5 - 10g.
Tác dụng dược lý: liều nhỏ tinh dầu có tác dụng trấn tĩnh, tăng phản xạ gân xương, liều cao gây ức chế.
Hậu phác.
Hậu phác (Cortex Magnoliae) là vỏ thân cây phơi hay sấy khô của cây hậu phác Magnolia offcinalis Rehd. et Wils, thuộc họ mộc lan Magnoliaceae. Việt nam thay bằng cây vối rừng Magolia hypoleuca, họ mộc lan Magnoliaceae.
Tính vị: đắng, cay, ấm. Quy kinh tỳ, vị, phế, đại trường.
Tác dụng: hành khí táo thấp, tiêu tích bình xuyễn.
Chỉ định:
Chứng thấp trệ trung tiêu, khí trệ gây nên đầy chướng bụng, đau bụng, hoặc buồn nôn, nôn, thường phối hợp dùng với thương truật, trần bì như bài bình vị tán (thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo, can khương, đại táo).
Chứng trường vị tích trệ, bụng đầy ậm ạch, đại tiện bí, thường dùng cùng với đại hoàng, chỉ thực như bài Hậu phác tam vật thang. Nếu do nhiệt kết tiện bí, điều trị phối hợp dùng với đại hoàng, mang tiêu, chỉ thực là bài đại thừa khí thang.
Điều trị chứng ho có đờm, khó thở do phong hàn ngoại cảm mà phát bệnh, có thể phối hợp với quế chi, hạnh nhân như bài quế chi gia hậu phác hạnh tử thang (quế chi, thược dược, tích thảo, sinh khương, đại táo, hậu phác, hạnh nhân).
Điều trị chứng đàm thấp nội trệ, tức ngực, khó thở, ho thường phối hợp dùng với tô tử, trần bì như bài tô tử giáng khí thang (tô tử, trần bì, bán hạ, đương quy, tiền hồ, hậu phác, nhục quế, cam thảo, sinh khương).
Liều dùng: 3 - 10g.
Tác dụng dược lý: ức chế tụ cầu, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu tan huyết, tụ cầu vàng, TK lỵ. Đối với đường tiêu hoá, liều thấp gây hưng phấn, liều cao gây ức chế. Đối với khí quản có tác dụng hưng phấn. Hậu phác có tác dụng gây tê mạt đoạn thần kinh vận động, làm giãn cân cơ toàn thân; hạ huyết áp, khi huyết áp hạ làm tăng tính phản xạ hưng phấn hô hấp, tăng nhịp tim.
Sa nhân:
Sa nhân (Fructus Amomi) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây sa nhân Amomum villosum Lour, thuộchọ gừng Zingiberaceae.
Tính vị: cay, ôn. Quy kinh tỳ, vị.
Tác dụng: hoá thấp, hành khí, ôn trung chỉ ẩu, chỉ tả, an thai.
Chỉ định:
Chứng thấp khốn tỳ thổ, tỳ vị khí trệ, thường phối hợp dùng với hậu phác, trần bì, chỉ thực. Điều trị chứng tỳ hư khí trệ, thường phối hợp dùng với đẳng sâm, bạch truật, phục linh như bài Hương sa lục quân tử thang.
Chứng tỳ vị hư hàn gây nôn và đại tiện lỏng nát, có thể dùng bột sa nhân uống hoặc dùng cùng với phụ tử, can khương.
Chứng có thai mà buồn nôn, không ăn uống được thì dùng sa nhân sao lên, tán bột uống. Nếu động thai không yên, dùng cùng với nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật như bài thái sơn bàn thạch tán (nhân sâm, hoàng kỳ, đương quy, tục đoạn, hoàng cầm, bạch truật, xuyên khung, bạch thược, thục địa, sa nhân, chích thảo).
Liều dùng: 5 - 10g, nên cho sau.
Tác dụng dược lý: tinh dầu sa nhân có tác dụng phương hương kiện vị, tăng tiết dịch vị, bài trừ sự tích trệ ở đường tiêu hoá nên có tác dụng hành khí tiêu chướng.
Bạch đậu khấu:
Bạch đậu khấu (Fructus Amomi Rotundus) là quả chưa chín phơi hay sấy khô của cây bạch đậu khấu Amomun Kravanh Pirre ex Gagnep, thuộc họ gừng
Zingiberaceae.
Tính vị: cay, ấm. Quy kinh phế, tỳ, vị.
Tác dụng: hoá thấp hành khí, ôn trung chỉ ẩu.
Chỉ định:
Chứng thấp trệ trung tiêu, tỳ vị khí trệ, không muốn ăn, thường phối hợp dùng với hậu phác, trần bì. Thấp ôn giai đoạn đầu, bụng đầy không muốn ăn, rêu lưỡi nhớp; thiên về thấp tà thì phối hợp với hoạt thạch, ý dĩ, hạnh nhân như bài tam nhân thang; nếu thiên về nhiệt tà thì dùng với hoàng cầm, hoạt thạch như bài hoàng cầm hoạt thạch thang (hoàng cầm, hoạt thạch, trư linh, phục linh, đại phúc bì, bạch đậu khấu, thông thảo).
Chứng buồn nôn, nôn, có thể tán bột uống, hoặc dùng cùng với hoắc hương, bán hạ. Trẻ em vị hàn nôn trớ ra sữa, thường dùng với sa nhân, cam thảo, nghiền bột uống.
Liều dùng: 3 - 6 g, nên cho vào sau.
Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch vị dạ dày, tăng nhu động ruột, giảm ứ đọng khí ở vị trường tích khí, cầm nôn, ức chế lỵ trực khuẩn.
Thảo quả.
Thảo quả (Fructus Amomi tsao - ko) là quả chín phơi hay sấy khô cây thảo quả Amomum tsao – ko Crevost et Lemaire, thuộc họ gừng Zingiberaceae.
Tính vị: cay, ấm. Quy kinh tỳ, vị.
Tác dụng: táo thấp tán hàn, trừ đàm tiệt ngược.
Chỉ định:
Điều trị bụng đầy đau do hàn thấp ứ trệ trung tiêu, buồn nôn tiết tả, rêu lưỡi nhớp, thường dùng với sa nhân, hậu phác, thương truật.
Chứng ngược tật, thường phối hợp với thường sơn, tri mẫu như bài thường sơn ẩm (thường sơn, tri mẫu, thảo quả, chích thảo, cao lương khương, ô mai).
Liều dùng: 3 - 6g.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh