✴️ Những điều cha mẹ cần biết về viêm loét dạ dày ở trẻ em

Viêm loét dạ dày không phải là bệnh lý nhi khoa thường gặp. Tuy nhiên những năm trở lại đây viêm loét dạ dày ở trẻ em ngày càng gia tăng. Các triệu chứng bệnh ở trẻ em khác biệt so với người lớn nên cha mẹ thường khó phát hiện. Nếu viêm loét dạ dày kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

1. Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày ở trẻ em

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em được chia thành hai nhóm: Nhóm nguyên phát và thứ phát. 

– Viêm dạ dày nguyên phát do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hay có tên thường gọi là khuẩn HP

– Nguyên nhân viêm loét dạ dày thứ phát: Do uống quá nhiều loại thuốc (kháng viêm không steroids, aspirin,corticoides,…) hoặc do các bệnh lý gây ảnh hưởng tới dạ dày

– Viêm dạ dày ở trẻ em thường xuất hiện ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân do tình trạng kinh tế xã hội thấp, không có nguồn nước sạch, trình độ văn hóa thấp,… Bên cạnh đó một số nơi có tập quán nhai, mớm cơm cho bé dưới 2 tuổi dẫn tới lây truyền bệnh.

– Nguyên nhân một phần do chế độ ăn uống không phù hợp. Dạ dày của trẻ yếu hơn người lớn vì vậy nếu ăn nhiều thực phẩm chua cay, đồ uống có gas dễ khiến niêm mạc bị tổn thương

– Một số trẻ cũng bị căng thẳng, stress do áp lực học hành, thi cử cũng có thể gây viêm loét dạ dày.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em

 

2. Lưu ý các triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ

Dấu hiệu nhận biết viêm dạ dày ở trẻ khác so với người lớn. Vì vậy các bố mẹ cần hết sức lưu ý tới một số dấu hiệu đặc trưng nhằm giúp con phát hiện bệnh sớm.

2.1 Bé biếng ăn, chán ăn

Khi dạ dày bị viêm bé sẽ biếng ăn, chậm tăng cân và thường xuyên nôn ói. Một số cha mẹ cho rằng con giả vờ nôn vì vậy càng thúc ép con ăn nhiều khiến tình trạng dạ dày càng tiến triển tệ hơn. Điều này gây ảnh hưởng tới thể chất và tâm lý của trẻ. 

2.2 Bé hay đau bụng

Các cơn đau bụng của bé thường khiến phụ huynh nghỉ tới đau bụng giun nên chủ quan không đưa trẻ đi khám. Theo thống kế, 60% trẻ nhập viện do viêm loét dạ dày thì phần lớn đều đau bụng kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa được điều trị. Bạn cần để ý tới những cơn đau bụng bất thường của con. Vị trí đau dạ dày ở trẻ em thường ở vùng quanh rốn và trên rốn. Cơn đau có thể diễn ra gần bữa ăn hoặc đau về đêm khiến trẻ tỉnh giấc. Mức độ đau âm ỉ hay dữ dội sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

2.3 Đầy hơi, ợ chua, khó tiêu là dấu hiệu viêm loét dạ dày ở trẻ em

Dấu hiệu viêm loét dạ dày ở trẻ em phổ biến là đầy hơi và ợ chua. Các bé sẽ rất khó mô tả triệu chứng này cho cha mẹ. Dịch acid trong dạ dày trào ngược lên khiến bị bị ho và ợ. Nếu tình trạng này không được điều trị sớm sẽ khiến viêm dạ dày trở lên nặng hơn.

2.4 Bé thường xuyên nôn ói, thậm chí ói ra máu

Nôn ói là dấu hiệu đau dạ dày thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi. Do nôn ói nhiều khiến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém. Trẻ em sẽ chậm tăng cân dẫn tới suy dinh dưỡng. Nếu bé bị nôn ói ra máu cần đưa tới bệnh viện để điều trị ngay tránh mất nhiều máu dẫn tới tử vong.

2.5 Bé đi phân đen hoặc máu là dấu hiệu viêm loét dạ dày ở trẻ em

Nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do xuất huyết bao tử với tình trạng đi ngoài phân có máu tươi hoặc phân đen. Do các bậc phụ huynh không để chú ý quan sát phân của trẻ hàng ngày để tới khi bệnh nặng mới phát hiện ra

2.6 Xanh xao, hay chóng mặt

Trẻ bị viêm loét dạ dày và xuất huyết kéo dài dễ dẫn tới tổn thương mạch máu, thiếu máu mạn tính

– Niêm mạc nhợt nhạt, xanh xao

– Lòng bàn tay và chân màu trắng nhợt

– Trẻ hay kêu chóng mặt, mệt mỏi, khó tập trung

Ngay khi thấy một trong các dấu hiệu kể trên, bố mẹ cần đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và tư vấn về tình trạng bệnh bé đang mắc phải.

Cha mẹ cần chú ý khi bé bị nôn trớ quá nhiều

Cha mẹ cần chú ý khi bé bị nôn trớ quá nhiều

 

3. Chế độ ăn uống khi trẻ bị viêm loét dạ dày

Khi trẻ bị viêm loét dạ dày cha mẹ cần hết sức lưu tâm tới chế độ ăn uống. Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ hỗ trợ tình trạng bệnh nhanh cải thiện hơn. 

– Luôn đảm bảo yếu tố dinh dưỡng: Vitamin, muối khoáng, vi chất theo cân nặng và độ tuổi của trẻ

– Chia nhỏ các bữa ăn để giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa

– Thức ăn nên được nấu chín, nghiền nát 

– Bổ sung protein từ lườn gà, nạc vai lợn, trứng( Chế biến thành nhiều món để ăn đỡ ngán như súp, caramen), sữa tươi,…

– Hạn chế ăn thực phẩm gây kích thích dạ dày: Xúc xích, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán,…

– Không nên vừa ăn vừa uống trong bữa ăn, hạn chế uống nước ngọt

– Tận dụng nguồn vitamin C và  beta-caroten tự nhiên từ rau củ: Khoang lang, khoai tây

– Không cho trẻ ăn dặm quá sớm

– Với các bé còn nhỏ nên cho bú mẹ và chia thành nhiều lần trong ngày

– Các bé lớn đã có thể ăn cơm không nên chan nước canh vào cơm sẽ khiến trẻ không chịu nhai mà nuốt chửng gây ảnh hưởng tới dạ dày

Sữa chua là thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa

Sữa chua là thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa

 

4. Các biện pháp phòng viêm dạ dày ở trẻ 

Để hạn chế nguy cơ bị viêm loét dạ dày, các bố mẹ cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh. 

– Hướng dẫn và giúp trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đặc biệt bé cần rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

– Cho trẻ sử dụng riêng đồ vệ sinh cá nhân để hạn chế lây lan vi khuẩn qua việc dùng chung đồ

– Không cho trẻ vui chơi, nghịch ngợm ở các bãi rác bẩn. Đây là môi trường ẩn chứa nhiều tác nhân gây bệnh

– Luôn đảm bảo thức ăn của bé được nấu chín kỹ, bảo quản tốt. Không cho bé ăn đồ sống

– Nước uống của trẻ phải được đun sôi để nguội để tiêu diệt các vi khuẩn nếu có 

– Khuyến khích bé tập thể dục thể thao vừa sức để tạo đề kháng cho cơ thể

– Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc mỗi ngày 

– Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con để giải tỏa căng thẳng trong học tập cho bé

– Hạn chế cho trẻ xem điện thoại, ti vi quá nhiều

– Tuyệt đối không mớm cơm cho trẻ nhỏ vì đây có thể là nguồn lây bệnh

– Ngay khi thấy con có các dấu hiệu đau bụng bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tránh các biến chứng nguy hiểm

Bé cần được tạo thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn

Bé cần được tạo thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn

Mong rằng bài viết đã cung cấp đầy đủ kiến thức về viêm loét dạ dày ở trẻ em. Các bậc phụ huynh nên quan tâm, chú ý tới con để hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh cho trẻ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top