✴️ Rối loạn tiêu hóa – chứng bệnh không chừa một ai

Nội dung

Các biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa thường do thói quen ăn uống không khoa học gây nên, một số trướng hợp bệnh xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc hay do ảnh hưởng từ các bệnh mạn tính về đường tiêu hóa khác. Thông thường, rối loạn tiêu hóa có thể gây ra một số triệu chứng sau:

– Đau bụng: người bệnh thường có những đau nhẹ kéo dài hoặc đau quặn từng cơn, vị trí đau thường là ở phần bụng dưới bên trái, một số trường hợp bị đau ở nhiều vị trí khác nhau hoặc đau toàn bụng.

– Thay đổi thói quen đại tiện: là triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể thay đổi về số lần đại tiện, bị táo bón hoặc tiêu chảy kèm theo đau bụng từng cơn…

– Đầy hơi, khó tiêu: biểu hiện căng bụng, ợ hơi hoặc đánh hơi liên tục. Một số trường hợp có thể có triệu chứng ợ chua, đắng hoặc hôi miệng…

– Nôn sau khi ăn: là triệu chứng thường gặp của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Khi nôn mửa cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, khó chịu.

Rối loạn tiêu hóa thường gây ra các triệu chứng đau bụng và nôn.

 

Đối phó với chứng rối loạn tiêu hóa

Để điều trị rối loạn tiêu hóa và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể như sau:

– Điều trị bằng thuốc: một số loại thuốc thường dùng trong điều trị rối loạn tiêu hóa là:

+ Thuốc giảm đau bụng

+ Thuốc kiểm soát tiêu chảy và táo bón

+ Thuốc kháng axit giúp điều chỉnh và trung hòa axit trong dạ dày

+ Thuốc kháng sinh chống vi khuẩn H. pylori

Người bệnh cần lưu ý không nên tự ý uống thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm bệnh phát triển nặng hơn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống thích hợp sẽ giúp cho quá trình điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa hiệu quả hơn

– Điều trị dinh dưỡng: người bệnh cần thay đổi và kiểm soát chế độ ăn uống một cách phù hợp để hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả:

+ Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không ăn thực phẩm ôi thiu hoặc nhiễm hóa chất độc hại.

+ Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn khó tiêu hóa.

+ Ăn uống điều độ, đủ bữa và đúng giờ, ăn nhiều vào bữa sáng và trưa và ăn nhẹ hơn vào bữa tối.

+ Hạn chế thịt, chất béo và cholesterol, tăng cường rau xanh và trái cây tươi. Nếu bị đầy hơi, khó tiêu thì không nên ăn nhiều chất xơ.

+ Ăn đủ no, không nên ăn quá no hoặc quá đói.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top