Những lý do nên tạm hoãn việc tiêm vắc xin cho trẻ

Một điều quan trọng mà các bậc cha mẹ nên ghi nhớ, đó là: vắc xin gần như an toàn cho đa số trẻ em. Dưới đây là một số trường hợp bạn có thể trì hoãn việc tiêm vắc xin hoặc thậm chí bỏ qua việc tiêm phòng cho trẻ. Nhưng để tốt nhất cho con bạn, nên trao đổi với bác sỹ hoặc cán bộ tiêm chủng trước khi quyết định.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc xin trước đó

Một trong số những lý do chính để tránh tiêm vắc xin cho trẻ là khi trẻ có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với loại vắc xin trước đó hoặc với một thành phần trong vắc xin. Phản ứng dị ứng gần như không bao giờ xảy ra, nhưng nếu có, thì có thể bao gồm nổi mề đay, khó thở hoặc tụt huyết áp. Các phản ứng nghiêm trọng khác, ví dụ như sốt cao, đau đầu và không tỉnh táo thường rất hiếm gặp. Rất nhiều các phản ứng phụ của vắc xin như đỏ tại vết tiêm hoặc sốt nhẹ, bị hiểu lầm là phản ứng dị ứng.

Hãy kiểm tra lại và hỏi ý kiến bác sỹ xem các triệu chứng của con bạn có phải là dấu hiệu nên thận trọng ở những lần tiêm sau hay không.

 

Dị ứng trứng

Vắc xin phòng cúm và vắc xin sởi được tạo ra trong trứng gà. Tuy nhiên, những loại vắc xin này vẫn có thể an toàn cho trẻ nếu trẻ bị dị ứng trứng gà.

Một cách để tiêm vắc xin cúm cho trẻ bị dị ứng trứng gà là tiêm vắc xin từ từ, tăng dần liều, tại các cơ sở y tế có sẵn việc cấp cứu. Ủy ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng Hoa Kỳ gần đây khuyến nghị rằng, những người bị dị ứng trứng gà vẫn có thể tiêm vắc xin cúm. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người bị dị ứng trứng gà không phản ứng lại với vắc xin, có thể là bởi lượng protein trứng có trong vắc xin là rất nhỏ.

 

Sốt cao

Nếu con bạn sốt cao trên 38 độ C, hãy hỏi ý kiến bác sỹ xem có nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ không. Nguyên nhân không chỉ là vì vắc xin có thể sẽ khiến trẻ đau mà cơn sốt có thể làm trẻ có những phản ứng tiêu cực với vắc xin mà không thể đoán trước được. Cơn sốt do bệnh trước khi tiêm và cơn sốt do phản ứng phụ của vắc xin có thể rất khó phân biệt. Do vậy, nếu tiêm vắc xin cho trẻ trong lúc này, vô tình bạn đã đặt trẻ vào nguy cơ gặp phản ứng với các loại vắc xin khác trong tương lai.

Nếu bạn hoãn việc tiêm phòng cho trẻ, hãy nhớ đưa trẻ đi tiêm lần sau, khi sức khỏe trẻ đã tốt hơn.

 

Bị hen suyễn hoặc các bệnh về phổi

Trẻ em bị hen suyễn hoặc các bệnh khác về phổi nên được ưu tiên trong việc tiêm phòng cúm hàng năm vì cúm có thể là một vấn đề lớn với những người thường bị khó thở. Nhưng bạn nên tránh những loại vắc xin cúm sống vì virus chỉ bị làm yếu đi. Thay vào đó, hãy cho trẻ tiêm loại vắc xin cúm mà virus đã bị tiêu diệt. Vắc xin sống sẽ làm trẻ lên cơn hen. Trẻ không mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi, lớn hơn 2 tuổi và không bị dị ứng trứng sẽ không gặp vấn đề gì với bất cứ loại vắc xin cúm nào.

 

Steroid liều cao

Nếu con bạn đang dùng corticosteroid liều cao (để giảm các phản ứng miễn dịch quá mức), bạn không nên cho trẻ tiêm các loại vắc xin sống, bao gồm vắc xin cúm, vắc xin phòng rota virus, vắc xin MMR (sởi – quai bị - rubella), vắc xin thủy đậu và zona. Hãy đợi vài tuần sau khi trẻ ngưng dùng thuốc rồi mới cho trẻ tiêm.

Steroid liều cao đường uống trong thời gian ngắn có thể dùng để điều trị hen suyễn hoặc một số bệnh khác. Những thuốc này có thể làm giảm hoạt động của các tế bào miễn dịch để chống lại tình trạng nhiễm virus. Tuy nhiên, steroid liều thấp (thường dùng trong các loại thuốc hít) không ảnh hưởng gì đến việc tiêm chủng.

 

Suy giảm miễn dịch

Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu do hóa trị hoặc những trẻ đang điều trị ức chế miễn dịch để điều trị các bệnh tự miễn như hội chứng ruột kích thích, hoặc viêm khớp dạng thấp cũng nên tránh tiêm các loại vắc xin có chứa virus sống.

Mặc dù vắc xin có chứa virus đã bị tiêu diệt là an toàn và cần thiết để bảo vệ trẻ, nhưng mũi tiêm lúc này có thể không có tác dụng bảo vệ tốt như việc tiêm cho những trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

 

HIV dương tính

Thông thường, trẻ bị HIV vẫn có thể tiêm vắc xin như bình thường, miễn là hệ miễn dịch của trẻ không bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoại lệ duy nhất là vắc xin cúm sống. Còn nếu trẻ bị HIV nhưng lượng tế bào T vẫn ở mức chấp nhận được thì trẻ hoàn toàn có thể tiêm được các loại vắc xin có chứa virus sống khác, bao gồm vắc xin sởi – quai bị - rubella, vắc xin phòng rota virus và vắc xin thủy đậu

 

Trong nhà có người ốm

Một số loại vắc xin sống không nên tiêm cho trẻ nếu trẻ đang sống với những người có hệ miễn dịch suy yếu (do điều trị hóa trị hoặc do nhiễm HIV) hoặc nếu trẻ đang sống với những người dùng thuốc ức chế miễn dịch. Bởi trong những trường hợp đặc biệt, vắc xin có thể sẽ “truyền nhiễm”. Về mặt lý thuyết, vắc xin có thể sẽ được tiết ra ở mũi và đường hô hấp với một lượng rất nhỏ. Và với những người suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, một lượng rất nhỏ vắc xin sống rất có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top