Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Thời tiết mùa xuân tạo điều kiện cho nhiều vi-rút, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh tay chân miệng và ho gà hiện nay.

3 tháng đầu năm bệnh nhi chân tay miệng, ho gà tăng nhanh

Thời gian gần đây có tiếp nhận một số ca bệnh nghi ngờ trẻ mắc ho gà với biểu hiện ho dữ dội kéo dài, biến chứng viêm phổi… Tuy nhiên, khi tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn ho gà thì may mắn các trẻ này đều âm tính, mặc dù đều thuộc diện chưa tiêm phòng bệnh ho gà.

Ngoài ra, dịch tay chân miệng cũng bắt đầu bùng phát trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2016. Theo thống kê từ trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến ngày 13/3 Hà Nội đã ghi nhận 176 trường hợp mắc tay chân miệng. Còn tại TP.HCM, con số tuần qua là 72 ca, tăng 35% so với trung bình 4 tuần trước.

Trên thực tế, ho gà và tay chân miệng đều thuộc dạng bệnh truyền nhiễm, thường gặp vào mùa đông xuân và thời điểm hiện nay đang đúng mùa bệnh hoành hành. Khoảng gần chục năm gần đây, ho gà là bệnh ít gặp trên bệnh cảnh lâm sàng vì đa số trẻ nhỏ được chích ngừa đầy đủ vắc-xin DPT – vắc-xin tạo miễn dịch bạch hầu, uấn ván, ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, trước sự e ngại những tác dụng phụ của vắc-xin trong thời gian vừa qua khiến không ít bậc cha mẹ bỏ lỡ cho con những mũi tiêm phòng bệnh quan trọng.

Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu khôn lường đồng nghĩa với gia tăng ô nhiễm môi trường, nhiều chủng vi-rút dịch bệnh biến dạng xuất hiện và phát tán với tốc độ chóng mặt đe dọa sức khỏe của nhiều khu vực dân cư trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây cũng là giải thích cho việc vì sao nhiều dịch bệnh bùng phát không theo quy luật thông thường hoặc tăng mạnh trong thời gian vừa qua như vi-rút Zika, viêm màng não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà, chân tay miệng, sởi…

 

Mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà, chân tay miệng

Đối với bệnh nhi bị ho gà, trẻ có thể kéo dài từ đó suy kiệt sức lực do sức đề kháng còn rất yếu, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Ho gà còn gây ra tình trạng thiếu oxy trong cơ thể dẫn tới các biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não… thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm.

Tay chân miệng là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành đại dịch. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi-rút, nhưng đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh. Trẻ có thể sốt nhẹ, biếng ăn, đau họng. Tại vùng họng (lưỡi, nướu, bên trong má) của trẻ có thể thấy các chấm đỏ sau dần phát triển thành các bọng nước và tổn thương loét. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh dễ biến chứng thành viêm não dẫn tới tử vong.

 

Lưu ý chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông xuân

- Tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà ngay khi trẻ đến lịch tiêm chủng. Hiện nay loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) vẫn được sử dụng tại các địa phương.

Bệnh cạnh đó, các loại vắc-xin dịch vụ như Pentaxim (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib; Infanrix Hexa (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib) đang trong tình trạng khan hiếm. Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch hiệu quả phòng bệnh có thể đạt đến 90%. Ngoài ra cần cách ly trẻ với người có dấu hiệu ho gà vì bệnh rất dễ lây qua đường không khí.

- Bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin miễn dịch nên cách tốt nhất là phòng bệnh gồm:

  • Vệ sinh cơ thể hàng ngày, đặc biệt là bàn tay, súc miệng và làm sạch tai-mũi-họng

  • Dọn dẹp gọn gàng nơi ở của gia đình và phòng nghỉ của trẻ. Tẩy trùng nhà cửa, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.

  • Hạn chế tối đa để trẻ mút tay, cho đồ chơi vào miệng.

  • Theo dõi trẻ bị sốt đang sống trong vùng dịch. Không đưa trẻ đến trường trong thời gian nghi ngờ mắc bệnh lây truyền.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top