Nguyên nhân
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi có một mạch máu bị vỡ và chảy máu vào bên trong não. Máu chàn ép vào các tế bào não và từ đó gây tổn thương chúng và gây ra các triệu chứng của hệ thần kinh.
Có nhiều dạng đột quỵ xuất huyết não khác nhau. Trong đó xuất huyết bên trong não là dạng thường gặp nhất. Xuất huyết dưới nhện xảy ra ở khoảng giữa não và các màng não.
Yếu tố nguy cơ
Các bệnh lý, tiền căn bệnh và thói quen sau đây có thể làm gia tăng yếu tố nguy cơ mắc đột quỵ:
- Tăng huyết áp
- Nồng độ cholesterol tỷ trọng thấp (LDL) cao
- Hút thuốc lá
- Đái tháo đường
- Các yếu tố di truyền và tiền căn gia đình
- Tiền căn bệnh tim, bệnh mạch vành hoặc đột quỵ
- Phình mạch máu não
- Nhiễm siêu vi gây viêm, ví dụ như viêm khớp dạng thấp
- Lo âu và stress nặng
- Ô nhiễm không khí
- Các bệnh lý như rối loạn đông cầm máu hoặc bệnh hồng cầu liềm
- Sử dụng các loại thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin)
- Sử dụng các thuốc kích thích như cocaine
- Ít tập thể dục
- Chế độ ăn không phong phú và ít dinh dưỡng
- Sử dụng thức uống có cồn
- Thiếu ngủ
- Thừa cân ở vùng bụng và hông
- Bệnh lý mạch máu dạng bột: protein tích tụ ở bên trong các mạch máu não dẫn đến nguy cơ làm tổn thương và rách mạch máu.
- Có dạng bệnh lý di truyền khiến cho các mạch máu tạo thành hình dạng một mạng lưới rối rắm (dị dạng động-tĩnh mạch)
Các dị dạng động tĩnh mạch thường xảy ra ở não và tủy sống. Nếu như chúng xảy ra tại não thì các mạch máu có thể vỡ ra gây xuất huyết vào trong não. Bệnh này thường hiếm gặp.
Các yếu tố nguy cơ đặc trưng của đột quỵ xuất huyết não
Bất thường trong việc tạo hình các mạch máu bên trong não, còn gọi là rối loạn thể hang não, là một yếu tố nguy cơ gây ra xuất huyết bên trong não. Các yếu tố nguy cơ đặc trưng của xuất huyết dưới nhện bao gồm:
- Rối loạn đông cầm máu
- Chấn thương đầu
- Sử dụng thuốc chống đông máu
- Phình mạch máu não
Phình mạch máu có thể tăng kích thước, làm cho thành mạch trở nên yếu đi. Nếu như phình bị vỡ thì xuất huyết không kiểm soát được có thể xảy ra.
Triệu chứng
Nhận diện các triệu chứng sớm của đột quỵ là các tốt nhất để giúp người bệnh được điều trị sớm nhất. Mọi người nên ghi nhớ chữ viết tắt sau FAST:
- F= Face (mặt): mặt người bệnh có bị lệch xuống một bên khi cười không?
- A= Arms (tay): người bệnh còn khả năng đưa cả 2 tay lên không?
- S= Speech (nói): người bệnh còn nói chuyện rõ không?
- T= Time (thời gian): gọi cấp cứu ngay khi nếu có 1 trong các dấu hiệu ở trên.
Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não có thể xuất hiện bất thình lình hoặc tiến triển dần dần qua nhiều ngày. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Đau đầu bất chợt và nặng
- Có vấn đề về thị lực
- Mất khả năng giữ thăng bằng và phối hợp động tác
- Không thể di chuyển
- Bị liệt hoặc yếu nửa người
- Lên cơn co giật
- Mất khả năng nói chuyện hoặc gặp vấn đề trong việc hiểu câu chữ
- Bị lú lẩn hoặc mất tỉnh táo
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Mất ý thức
- Liệt hoặc cảm giác tê ở bất kỳ phần nào trên cơ thể
- Không thể nhìn các nguồn ánh sáng
- Tê cứng và đau ở vùng cổ
- Thay đổi nhịp tim và nhịp thở
- Khó nuốt
Đột quỵ xuất huyết não ở trẻ em
Đột quỵ đa phần xảy ra ở người lớn tuổi nhưng đôi khi cũng có thể gặp ở trẻ em. Khoảng một nửa số lượng đột quỵ ở trẻ em là do xuất huyết não, so với con số 13% ở người trưởng thành.
Các nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ ở trẻ em bao gồm:
- Các vấn đề bẩm sinh về mạch máu
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến máu, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm
- Nhiễm trùng
- Chấn thương
- Ung thư
- Thuốc
- Các rối loạn chuyển hóa
Nếu như bệnh nhi bị đột quỵ xuất huyết não, các triệu chứng sau đây có thể sẽ gặp:
- Yếu một bên người
- Đau đầu
- Nôn ói
- Bất tỉnh hoặc không tỉnh táo
- Co giật
- Khó khăn khi nói
- Buồn ngủ
- Vấn đề về thị giác
Sốt cũng có thể gặp trước khi xuất hiện các triệu chứng khác.
Đôi khi, trẻ sơ sinh có thể bị đột quỵ ngay sau khi sinh, nhưng các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc trông giống như một bệnh khác. Trong một số trường hợp thì ảnh hưởng của đột quỵ chỉ trở nên rõ ràng khi trẻ lớn lên. Trẻ có thể có các triệu chứng yếu, ù lì, ngưng thở, khó khăn khi nói chuyện và một số triệu chứng khác như cơn đau đầu ngắn.
Một vài trẻ có thể gặp phải đột quỵ lặp lại nhiều lần, đôi khi chỉ là thoáng qua.
Các điều trị cấp cứu sẽ tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và làm giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp này bao gồm các thủ thuật làm giảm áp lực trong não và phòng ngừa thiếu nước.
Ảnh hưởng lâu dài phụ thuộc vào vị trí và mức độ của đột quỵ. Nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bệnh nhân, và khả năng học tập cũng như giao tiếp xã hội.
Biện pháp điều trị lâu dài như vật lý trị hiệu hay liệu pháp ngôn ngữ cũng có thể giúp ích.
Nhìn chung khả năng sống sót sau khi bị đột quỵ cũng cao hơn ở trẻ em so với người trưởng thành. Nếu như đứa trẻ còn có thêm một bệnh lý khác ví dụ như bệnh tim thì có thể sẽ làm thay đổi tiên lượng.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán đột quỵ, bác sĩ sẽ:
- Xem xét triệu chứng
- Xem xét tiền căn bệnh lý
- Thăm khám lâm sàng
- Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
- Các xét nghiệm khác
Trong khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá:
- Sự ý thức, tỉnh táo của bệnh nhân
- Sự hợp tác, kết hợp vận động
- Thăng bằng
- Các dấu hiệu của yếu, tê liệt ở vùng mặt
- Lú lẩn
- Nói
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như CT hoặc MRI có thể phát hiện được xuất huyết bên trong não. Ngoài ra chúng còn giúp xác định loại đột quỵ. Điện não đồ có thể cho thêm thông tin về chức năng của não.
Ngoài ra các bác sĩ còn có thể cho thực hiện thêm xét nghiệm máu và chọc dò dịch não tủy.
Biến chứng
Tùy thuộc vào mức độ của tổn thương mà bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau đây:
- Huyết khối có thể xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu và động mạch phổi
- Yếu cơ
- Mất khả năng cử động
- Khó nuốt và nói chuyện
- Mất khả năng kiểm soát tiêu tiểu
- Mất trí nhớ và gặp khó khăn trong việc suy nghĩ
- Mất thị giác, thính giác hoặc xúc giác
- Nguy cơ cao bị viêm phổi nếu như người bệnh hít phải thức ăn hoặc thức uống
- Phù não
- Lên cơn co giật
- Các vấn đề về tâm lý, ví dụ như trầm cảm
- Giảm đậm độ xương
- Nhiễm trùng đường tiểu nếu như có đặt thông tiểu
- Tì loét nếu như bệnh nhân không thể di chuyển
- Đau vai do yếu cơ
Một vài triệu chứng sẽ giảm theo thời gian, và quá trình phục hồi chức năng có thể có hiệu quả đối với các triệu chứng còn lại. Bệnh nhân có thể sẽ cần điều trị tiếp tục để theo dõi và quản lý các triệu chứng.
Sau khi bị đột quỵ xuất huyết não, bệnh nhân có thể gặp phải các cơn đau đầu nặng thêm một thời gian. Bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc giảm đau khi đó. Cafein và thức uống có cồn có thể làm nặng thêm cơn đau đầu.
Một vài bệnh nhân có thể gặp phải một cảm giác lạ, giống như có gì đó làm nhột ở trong não. Triệu chứng này sẽ mất dần theo thời gian.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh