✴️ Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh: Hội chứng Trisomy 13

MỞ ĐẦU

Hội chứng này thật ra đã được mô tả lần đầu tiên bởi Bartholin vào năm 1657, nhưng hầu như không được nhận dạng cho đến khi Patau và cộng sự phát hiện ra nguyên nhân là có ba nhiễm sắc thể 13 vào năm 1960. Vì vậy hội chứng này còn được gọi là hội chứng Patau. Tần suất khoảng 1/12000 số trẻ được sinh ra. Hội chứng này được thấy ở nữ nhiều hơn so với nam, tuy nhiên sự chênh lệch này không nhiều.

 

TRIỆU CHỨNG LẤM SÀNG

Các triệu chứng thường gặp (từ 50% bệnh nhân trở lên)

Hệ thần kinh trung ương

Khuyết tật do não trước không phân chia thành hai bán cầu não trong quá trình phát triển phôi (holoprosencephaly) với các mức độ thay đổi từ phát triển không hoàn toàn của não trước, thần kinh thị giác và khứu giác; động kinh nhẹ; hay ngưng thở, chậm phát triển tâm thần nhẹ.

Thính giác   

Điếc, có thể khuyết tật cơ quan Corti.

Sọ

Não nhỏ với trán dốc, thóp và khớp sọ rộng hình mũi tên. 

Mắt

Nhãn cầu nhỏ, tật khuyết mống mắt, loạn sản võng mạc, thường có kèm các đảo sụn.

Miệng

Sứt môi (60-80%), hở hàm, hoặc cả hai.

Tai

Vành tai bất thường, có kèm hoặc không dấu chứng tai bám thấp.

Da

U máu mao mạch, đặc biệt là ở trán; khuyết sọ khu trú ở vùng đỉnh-chẩm; mất da vùng sau cổ.

Tay, chân

Vị trí ngã ba trục t ở xa, rãnh khỉ, móng tay hẹp và lồi quá mức, tật cong ngón tay, tật nhiều ngón tay và có thể nhiều ngón chân, gót lồi phía sau.

Xương khác

Các cung sườn phía sau mỏng, có thể kèm thiếu xương sườn hoặc không, giảm sản xương chậu kèm ổ cối nông.

Tim

80% trường hợp có bất thường về tim như thông liên thất, còn ống động mạch, thông liên nhĩ, tim bị đẩy lệch sang phải (theo thứ tự giảm dần về tần suất xuất hiện).

Bộ phận sinh dục

Nam: Tinh hoàn ẩn, bìu bất thường.

Nữ: Tử cung chẻ đôi (hình trái tim).

Huyết học

Tăng tỷ lệ các bạch cầu đa nhân trung tính có các phần lồi ở nhân, còn tồn tại các hemoglobin của phôi và/hoặc thai.

Khác

Chỉ có một động mạch cuống rốn, thoát vị bẹn hoặc thoát vị rốn.

Các triệu chứng ít gặp (dưới 50% trường hợp)

Phát triển

Phát triển trong tử cung kém, cân nặng khi sinh trung bình dưới 2500g.

Hệ thần kinh trung ương

Tăng trương lực, giảm trương lực, bất sản thể chai, não úng thủy, hợp nhất các hạch nền ở não (fusion of basal ganglia), giảm sản tiểu não, thoát vị màng tủy.

Mắt

Cung mày cạn, mắt xếch, không có lông mày, hai mắt gần nhau, hai mắt xa nhau, không có mắt, một mắt.

Mũi, miệng và hàm

Không có nhân trung, vòm miệng hẹp, sứt lưỡi, hàm bé.

Tay, chân

Ngón cái duỗi ra sau (retroflexible thumb), cổ tay lệch phía xương trụ, vân cung thấp ở ngón tay, xương mác cong hình chữ S, dính ngón, có khe nứt giữa ngón chân thứ nhất và thứ hai, giảm sản móng chân, chân khoèo, bất sản xương quay.

Tim

Hồi lưu tĩnh mạch phổi bất thường, động mạch chủ cưỡi ngựa, hẹp động mạch phổi, giảm sản động mạch chủ, hẹp van hai lá và/hoặc van động mạch chủ, van động mạch chủ có hai lá.

Bụng

Thoát vị rốn, mô tụy hoặc mô lách lạc chỗ, đại tràng xoay không hoàn toàn, túi thừa Meckel.

Thận

Thận đa nang (31%), thận ứ nước, thận hình móng ngựa, niệu quản đôi.

Bộ phận sinh dục             

Nam: lỗ đái lệch thấp.

Nữ: vòi trứng bất thường, nang tử cung, giảm sản buồng trứng.

Khác

Giảm tiểu cầu, phổi đảo vị trí, nang tuyến ức, tiểu động mạch phổi can-xi hóa, túi mật lớn, các khớp lớn lỏng lẻo, khiếm khuyết cơ hoành.

 

DIỄN BIẾN TỰ NHIÊN

Thời gian sống sót trung bình là 7 ngày. 91% chết trong vòng năm đầu. Những trẻ sống sót đều chậm phát triển tâm thần nặng, thường động kinh, kém phát triển thể chất. Chỉ có một trường hợp duy nhất sống đến 33 tuổi được thông báo.

Trong số những trẻ còn sống sau sinh được nghiên cứu, thời gian trung bình phải điều trị trong khoa hồi sức cấp cứu là 10,8 ngày; dùng máy thở là 13,3 ngày, 23% phải phẫu thuật trong giai đoạn sơ sinh.

Đặc điểm di truyền của hội chứng Patau

Khoảng 75% trẻ mắc hội chứng Patau có karyotype là trisomy 13 thuần (có 3 nhiễm sắc thể 13), còn lại 25% trường hợp là chuyển đoạn Robertson giữa nhiễm sắc thể 13 và một nhiễm sắc thể tâm đầu. Những trường hợp khảm cũng có thể gặp với tỷ lệ thấp.

Hội chứng Patau do trisomy 13 thuần: Các nghiên cứu về di truyền tế bào và chỉ điểm DNA của Hassold (1987), Robinson (1996) và nhiều tác giả khác cho thấy khoảng 90% trường hợp trisomy 13 thuần có nhiễm sắc thể 13 thừa có nguồn gốc từ mẹ. 

Hội chứng Patau do chuyển đoạn Robertson: Chủ yếu là do chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể 13 và nhiễm sắc thể 14. Những trẻ này có thể có bố/mẹ là người mang chuyển đoạn Robertson cân bằng giữa hai nhiễm sắc thể 13 và 14 hoặc là một đột biến mới (bố mẹ có karyotype bình thường). 

Các trường hợp chuyển đoạn Robertson khác như giữa hai nhiễm sắc thể 13 và 15 hoặc giữa hai nhiễm sắc thể 13 chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Những nghiên cứu về di truyền tế bào cho thấy vùng nhiễm sắc thể 13 từ pter đến q14 chỉ chi phối một phần nhỏ trong các triệu chứng lâm sàng của hội chứng trisomy 13, trong khi đó vùng từ q14 đến qter chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành hầu hết các triệu chứng của hội chứng này. Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu phân tử để xác định chính xác hơn các vùng đặc hiệu của hội chứng Patau trên nhiễm sắc thể 13.

 

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA THAI GIÚP CHẨN ĐOÁN TRƯỚC SINH HỘI CHỨNG TRISOMY 13

Hội chứng trisomy 13 được gặp phổ biến trong số các thai sẩy. Sự chậm phát triển xảy ra sớm với chiều dài đầu-mông giảm. Có một số bất thường chính có thể phát hiện vào cuối ba tháng đầu thai kỳ như thoát vị rốn, nhưng hầu hết các bất thường được chẩn đoán vào ba tháng giữa. 

Theo Abramsky và Chapple (1993), khoảng 50% trường hợp trisomy 13 được chẩn đoán trước sinh bằng một protocol phối hợp gồm tuổi mẹ, xét nghiệm sàng lọc huyết thanh mẹ và siêu âm. 

Vào ba tháng giữa thai kỳ, siêu âm có thể phát hiện các bất thường ở não, mặt, tim, thận và tay chân. Dấu chứng não trước không phân chia (holoprosencephaly) là khá đặc hiệu cho hội chứng trisomy 13 và gặp trong 66% trường hợp. Trái lại, trong số các thai holoprosencephaly thì có 40% mang trisomy 13. Dấu hiệu một mắt hoặc không có mắt, mũi dị dạng và chẻ đôi mặt cũng như tim bẩm sinh, bất thường ở thận (thận ứ nước, có nang, giảm sản) đều được phát hiện bằng siêu âm. 

 

TƯ VẤN DI TRUYỀN

Hội chứng Patau do trisomy 13 thuần

 Hiện nay vẫn chưa đủ dữ liệu để xác lập một nguy cơ lặp lại sinh con trisomy 13 sau khi đã có mang thai hoặc sinh con trisomy 13 trước đó. Nhìn chung nguy cơ này hầu như rất thấp, nếu bà mẹ trẻ đã có thai hoặc con trisomy 13 thuần thì nguy cơ lặp lại là dưới 1%, nhưng nếu bà mẹ lớn tuổi thì có thể trên 1%.

Hội chứng Patau do chuyển đoạn Robertson

Nếu bố hoặc mẹ là người mang chuyển đoạn Robertson cân bằng giữa nhiễm sắc thể 13 và 14, nguy cơ để sinh con mắc hội chứng Patau cũng chỉ khoảng 1%. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Gersen S. L., Keagle M. B. (1999), The principles of clinical cytogenetics, Humana Press.

John L. B., Carey J. C., Bamshad M. J., White R. L. (2003), Medical Genetics, Mosby Publishing.

Jones K. L. (2006), Smith’s Recognizable patterns of human malformation, 6th edition, Elsevier Inc.

Rimoin D. L., Connor J. M., Pyeritz R. E., Korf B. R. (2002), Emery and Rimoin’s Principles and practice of medical genetics, 4th edition, Churchill Livingstone.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top