Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước

Nội dung

Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa khoảng 4-5 phút, nếu quá giới hạn này, sẽ dẫn đến tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức, vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

 

Một số cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.

Người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở.

Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô, taxi và đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài.

Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.

 

Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, trẻ đuối nước được hạ thân nhiệt chủ động, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng, giúp hồi phục. Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim cũng như có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không

return to top